Đến Huế, khẽ chạm vào bình yên
Từ ngày 15/3, tỉnh Thừa Thiên Huế đã mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế và nội địa. Nhiều du khách tìm đến Huế như để khẽ chạm vào không gian bình yên, thư thái sau một hành trình dài chống chọi với dịch Covid-19.
Hòa mình cùng thiên nhiên
Chiếc taxi 7 chỗ chậm rãi men theo phố Bùi Thị Xuân, qua mấy khúc cua rồi rẽ vào đường Thân Văn Nhiếp, đường Lương Quán, thuộc phường Thủy Biều, TP Huế như đưa chúng tôi vào hành trình xanh mát của cây cối. Dù thuộc địa phận TP Huế nhưng hai bên đường là những rặng tre xanh rợp bóng mát, những vườn bưởi, vườn cây ăn trái xum xuê, mang đến cảm giác bình yên đến lạ thường.
Đặc biệt, nằm ở phía Tây Nam TP Huế với ba bề được bao bọc bởi dòng sông Hương thơ mộng, sở hữu lượng phù sa màu mỡ, phường Thủy Biều được biết đến là quê hương của giống bưởi Thanh Trà vang danh khắp đất Huế và cả xứ miền Trung nắng lửa. Chả thế mà, trong ngôi làng cổ Lương Quán, hầu như nhà nào cũng trồng bưởi Thanh Trà, nhà nhiều thì cả vườn rộng lớn ngút tầm mắt, nhà ít cũng dăm bảy cây xanh mát.
Khu resort Hue Ecolodge nép mình trong không gian tĩnh mịch của làng cổ Lương Quán, hiện ra trước mắt chúng tôi hết sức giản dị, chân quê với hàng cau thẳng tắp và chiếc biển hiệu bằng gỗ mộc mạc. Vừa bước chân qua cánh cửa gỗ mộc mạc ấy, cảm giác như lạc vào một thế giới khác biệt hoàn toàn phố thị ồn ào, với bạt ngàn màu xanh của cây trái.
Hàng nghìn cây bưởi Thanh Trà trong vườn đương mùa trổ hoa, thả những vạt hương thơm dịu nhẹ ngây ngất lòng người. Những khu vườn xinh xắn, ngăn nắp liên tiếp nhau, được xén thấp như dẫn lối cho du khách bắt đầu một hành trình về với thiên nhiên.
Những dải hoa màu tím man mác mộng mơ, những rặng phi điểu trổ hoa sặc sỡ đắm mình trong tiếng chim ríu rít chuyền cành mang đến trải nghiệm thật khác lạ cho những vị khách đến từ Thủ đô như chúng tôi. Bên cạnh đó, mái rơm rạ, bức tường gạch nung, đồ nội thất trong những ngôi nhà bằng tre, gỗ được pha trộn rất hài hòa với cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ.
Thanh Nhã, cô nhân viên lễ tân xinh xắn của khu resort nền nã trong bộ áo dài họa tiết hoa nhí màu xanh niềm nở đón khách. Nhã cho biết, trước đây, chủ yếu là khách du lịch Tây tìm đến Hue Ecolodge để trải nghiệm không gian sống yên bình rất Huế. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động du lịch quốc tế bị đóng băng. Rất may, một bộ phận không nhỏ du khách Việt hiện cũng chuyển sang xu hướng đi du lịch sinh thái.
“Chúng tôi rất mong khi du lịch quốc tế được nối lại, sẽ có nhiều du khách nước ngoài tìm đến đây nghỉ dưỡng” – Thanh Nhã chia sẻ.
Không chỉ vùng du lịch sinh thái Thủy Biều, điều ấn tượng với tôi là những con đường phủ đầy cây xanh ở TP Huế. Chạy xe dọc hai bên bờ sông Hương thơ mộng, du khách có thể mải miết ngắm những công viên rộng rãi, thoáng đãng trồng hàng nghìn cây xanh phủ bóng mát.
Ở TP Huế, nhà cao tầng không nhiều như ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng. Thay vào đó là những ngôi nhà thấp tầng nhỏ xinh, như tính cách khiêm nhường của người Huế. Và giữa không gian toàn màu xanh của cây cối ấy, những ngôi nhà hiện ra bình yên đến lạ thường.
Dù TP Huế đã và đang đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới như không gian nghệ thuật hai bên bờ sông Hương, các phố đi bộ, tuyến đường mua sắm… nhưng ấn tượng với tôi ở Huế có lẽ là lối sống hòa mình cùng thiên nhiên nơi đây.
Được biết, trong kế hoạch mới nhất về việc triển khai thực hiện mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế và phục hồi, kích cầu du lịch vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành, tỉnh cũng định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe. Trong đó xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái là sản phẩm thuộc Chương tình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Âm thầm trao yêu thương
Không chỉ hệ thống cung đình, lăng tẩm mang bề dày dấu tích lịch sử hay di sản văn hóa đặc sắc…, điều mà Huế thu hút tôi chính là nhịp sống an yên và thanh bình nơi đây. Trong nhịp sống dịu dàng xứ Huế, tôi đã có cơ hội chuyện trò với nhiều người dân Cố đô thân thiện, chân thành và mến khách.
Con đường Huyền Trân Công Chúa dẫn chúng tôi vào làng hương Thủy Xuân (phường Thủy Xuân, TP Huế) hay còn gọi là làng hương Tự Đức vì chỉ cách lăng Tự Đức vài trăm mét. Nằm trên trục đường du lịch của Huế, gắn với điểm tham quan lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, chùa Từ Hiếu… làng hương Thủy Xuân trở thành điểm dừng chân lý tưởng của du khách.
Dù hoạt động du lịch mới mở cửa trở lại, song lượng khách đến tham quan làng hương khá đông, chủ yếu là giới trẻ đến check in. Diện bộ cổ phục đẹp mắt, nhiều nam thanh nữ tú say sưa tạo dáng chụp ảnh giữa những bó tăm hương đủ màu xanh, đỏ, vàng rực rỡ cùng nón lá mỏng tang đặc trưng xứ Huế.
Trong gian hàng nhỏ xinh xắn tươi màu tăm hương, bà Tôn Nữ Ánh Tuyết, còn được nhiều người gọi với cái tên thân thương là “mệ Tuyết” cần mẫn, tỉ mỉ ngồi thắt quai cho những chiếc nón vừa mới hoàn thành. Thi thoảng, mệ lại lau dọn, sắp xếp chỗ tăm hương gọn gàng cho khách du lịch có khuôn hình đẹp để chụp ảnh. “Mệ bị bệnh khớp, đã uống thuốc rồi, giờ chỉ lo nếu mắc Covid-19, mệt thì không làm từ thiện được nữa” – mệ Tuyết tâm sự.
Hơn 8 năm qua, bà lão ngoài 70 tuổi, dáng người nhỏ nhắn, khắc khổ vẫn cần mẫn dọn hàng bán hương, nón lá để lấy tiền làm từ thiện, hỗ trợ các bệnh nhi ung thư. Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với công việc từ thiện, mệ Tuyết kể, cách đây 8 năm, một người bạn già của mệ bị đau lưng suốt một thời gian dài, cứ nghĩ là bị ung thư nhưng đi xét nghiệm 3 lần đều không phải.
Nghe tin bạn nằm điều trị tại Bệnh viện T.Ư Huế, mệ Tuyết đếm hết hầu bao được 105.000 đồng đến thăm. Vừa nhìn thấy mẹ, người bạn đã chạy ra ôm chầm lấy mừng rỡ báo tin: “Tuyết ơi, tao không phải bị ung thư”. Hai người bạn già mừng mừng tủi tủi động viên nhau nhưng ngay lúc ấy, đập vào mắt mệ Tuyết là hình ảnh một bệnh nhi đang khóc, một bên mắt đã hỏng.
Hỏi ra mới biết cháu bị ung thư giác mạc giai đoạn cuối. Sau khi hỏi “bạn còn cần tiền không?” và nhận được cái lắc đầu, mệ Tuyết không do dự đưa toàn bộ số tiền 105.000 đồng cho mẹ bệnh nhi kia để lo thuốc thang cho cháu. Từ đó, mệ tự hứa với lòng phải làm từ thiện bằng sức lực của mình để giúp đỡ cho nhiều mảnh đời bất hạnh khác.
Nói là làm, mệ Tuyết cần mẫn dọn hàng, làm hương, làm nón, gom đồ lưu niệm, tranh… để bán. Số tiền bán được từ mỗi sản phẩm đều được mệ ghi rõ ràng vào sổ để trích một phần vào quỹ từ thiện của riêng mình. Để có thêm phần kinh phí làm từ thiện, mệ chỉ ăn uống rất đơn sơ, buổi sáng nhờ người mua giùm tô bánh canh 5.000 đồng, buổi trưa có khi là ổ bánh mì khô khốc hoặc về ăn cùng con cháu. Dần dần, ngày càng nhiều người biết, đến mua ủng hộ hàng và tiền mặt để mệ Tuyết hỗ trợ các bệnh nhân ung thư.
8 năm qua, mệ Tuyết bền bỉ hỗ trợ cho hàng trăm bệnh nhi ung thư đang điều trị tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện T.Ư Huế, từ tiền mặt đến đồng quà tấm bánh. “Trước khi đi, mệ đều gọi điện cho bác sĩ Yến – Trung tâm Ung bướu hỏi trong viện có bao nhiêu đứa bé, bởi làm từ thiện mà cháu có quà cháu không, rất tội con ạ” – mệ Tuyết nghẹn ngào chia sẻ.
Mệ Tuyết kể, đã có người ngỏ ý nói với mệ “hợp tác cùng làm từ thiện để ăn chia” nhưng mệ nhất quyết không đồng ý. Bởi với mệ, làm từ thiện phải xuất phát từ tấm lòng yêu thương, cảm thông, chia sẻ.
Người Huế quả thực tràn đầy tình yêu thương, thân tình, dù với cả những du khách phương xa. Tôi đặc biệt ấn tượng với bác tài xế taxi tên Dũng - người có thâm niên hơn 30 năm chở khách du lịch, trong chuyến thăm Huế cuối tuần qua. Người đàn ông hiền lành hơn 60 tuổi vừa chở khách vừa nhiệt tình giới thiệu các đặc trưng, điểm đến đặc sắc của mảnh đất cố đô và kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi tham quan, chụp ảnh dù đã quá giờ hẹn…
“Ðã đôi lần đến với Huế mộng mơ/Tôi ôm ấp một tình yêu dịu ngọt/Vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được/Nét dịu dàng pha lẫn trầm tư” những câu hát trong ca khúc “Huế, tình yêu của tôi” thật đúng với cảm xúc của tôi – một lữ khách lần thứ hai đặt chân đến và say đắm mảnh đất Cố đô này.
Ngày 15/3, Sở Du lịch và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế tổ chức đón đoàn khách gần 600 người đến tham quan Đại Nội. Đây là tín hiệu vui cho thấy sự phục hồi của du lịch Huế.
Từ 0 giờ ngày 19/3, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất cho phép tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh được hoạt động với 100% công suất và phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như khách hàng 12 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi vaccine, khẩu trang, khử khuẩn, quét mã QR code.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/den-hue-khe-cham-vao-binh-yen.html