Đèn kéo quân
Nhìn những cơn mưa ngâu chợt đến rồi chợt đi, ông Na nhớ tới trận lũ quét cách đây 3 năm. Trận lũ ấy đã cướp đi của ông 3 người thân: Vợ ông và vợ chồng người con trai. Chỉ trong phút chốc, ông trở thành người đàn ông góa vợ, 2 đứa cháu nội thành trẻ mồ côi. Giờ đây, 3 ông cháu sống với nhau trong ngôi nhà tình thương mà người dân xây cho từ sau trận lũ năm ấy. Đang mải nghĩ thì thằng Cương đi học về. Nó chạy vào nhà với áo quần sũng nước, chào ông rồi khoe rối rít:
- Cháu được 10 điểm toán ông ạ! Mà ông ơi, sắp đến Trung thu rồi, quán nhà bà Cao bán nhiều đồ chơi lắm ông ạ!
- Ông biết rồi, thế cháu không mang áo mưa đi sao mà ướt hết thế kia? Cháu cứ học giỏi, Trung thu ông sẽ có quà cho 2 chị em.
- Sáng đi học trời không mưa nên cháu không mang, vừa rồi, cháu đội áo mưa cùng thằng Trung, về đến lối rẽ mới bị ướt. Thế ông định mua quà gì hả ông?
- Cháu đi thay quần áo kẻo lạnh đấy, ông sẽ có quà cho 2 đứa.
Vừa lúc đó, Thảo cũng về tới. Ông Na đứng lên dọn mâm cơm. Ông giục Thảo ăn nhanh còn giúp ông sao nốt mẻ trà. Thằng Cương vừa ăn, vừa khoe với chị:
- Mẹ thằng Trung hứa mua đèn lồng cho nó chị ạ, nó nói sẽ cho em chơi chung. Chị thấy đồ chơi ở quán bà Cao không? Toàn đồ điện tử đẹp lắm!
Thảo lừ mắt nhìn em, rồi mắng với giọng rất người lớn:
- Em thì lúc nào cũng thích đồ chơi, chị đã bảo rồi, nhà chúng nó khác, nhà mình khác, thế em không thương ông sao? Lúc nào cũng vòi vĩnh thế?
Bị mắng, thằng Cương xị mặt, im lặng. Ông Na nhìn 2 cháu, nén tiếng thở dài, chậm rãi nói:
- Ông thật có lỗi vì để các cháu phải thiếu thốn thế này. Nhưng 2 đứa cứ gắng học cho ngoan, Trung thu đến, ông sẽ có quà cho 2 chị em, ông hứa mà!
- Thật ông nhé! - thằng Cương mắt sáng lên.
- Mày thích thế sao? Mày không biết ông không có tiền à? Mấy chục ngàn đồng một chiếc lồng đèn chứ ít đâu. Chị đi hái chanh gần nửa ngày cho người ta cũng chỉ được 30 ngàn đồng, tiền đó còn để mua sách, vở, chứ ông làm gì ra tiền? Ông đừng mua gì cả, nó lớn rồi!
- Thôi 2 đứa ăn đi rồi dọn chén đũa.
Thằng Cương buông chén, vùng vằng đứng dậy. Thảo cất dọn mâm cơm rồi nhóm bếp cùng ông sao trà.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến Trung thu. Chờ 2 đứa đi học, ông Na mới chẻ tre, vót nan làm đèn kéo quân cho cháu. Ông Na khéo tay. Thời thanh niên, cứ mỗi dịp Trung thu về, ông lại được chi đoàn giao làm đèn kéo quân cho các em vui đêm hội trăng rằm. Ông nhớ, ngày đó, đồ chơi cho trẻ con ở xóm nhỏ này chẳng có gì, tất cả do cha mẹ tự làm, tự chế là chính. Bánh, kẹo cũng vậy, toàn là tự nấu. Còn hoa quả, nhà nào có loại gì góp loại nấy cho các em trong xóm cùng đón Tết Trung thu.
Bận nhưng vui, trẻ nhỏ vây quanh nhà giúp các anh chị thanh niên lo mọi việc. Tiếng trống lân rộn ràng khiến lũ trẻ háo hức được ngắm nhìn đèn kéo quân do ông Na làm... Vừa nghĩ, ông vừa mải miết vót nan, dựng khung, làm trục đèn. Đây là những công đoạn đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ và khéo tay. Loay hoay mãi đến gần trưa, khung đèn mới hoàn thành, chỉ còn việc cắt hình, dán giấy nữa là xong. Ông định để sáng mai, bọn trẻ đi học, ông sẽ làm tiếp. Ông muốn bí mật đem đến cho 2 đứa cháu sự bất ngờ trong đêm trăng rằm.
Ông cầm khung đèn lên, nhìn ngắm hồi lâu, tỏ vẻ hài lòng rồi cất nó lên gác, thu dọn đồ đạc và đi nấu cơm. Bất giác, ông chợt nghĩ: Không biết khi xem đèn lồng, bọn trẻ có thích không? Bởi giờ đây trong xóm, ngoài phố, mỗi dịp Trung thu đến, các loại đồ chơi được treo bán khắp nơi, nào đèn lồng, đèn ông sao, đầu kỳ lân, sư tử,...
Tất cả đều có đèn xanh, đỏ lấp lánh. Vậy thì, chiếc đèn kéo quân mộc mạc này liệu bọn trẻ có thích như ngày xưa không? Nếu 2 đứa không thích thì thật buồn và tủi cho chúng vì ông không thể hoang phí bỏ ra mấy chục ngàn đồng mua đồ chơi cho 2 đứa được. Không phải ông tiếc tiền nhưng thực tình, ông không có tiền. Ông vất vả quanh năm với 5 công đất ruộng, nuôi thêm con gà, con vịt, tằn tiện lắm cũng chỉ đủ chi tiêu cho 3 ông cháu. Gần đây, ông thấy mình đau yếu nhiều.
Dù vậy, trước mặt 2 cháu, ông không dám kêu ca gì, sợ ảnh hưởng tới việc học của chúng. Ông biết Thảo là đứa cháu ngoan hiền, nó rất thương ông. Tội cho Thảo mới 11 tuổi đầu đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, nó già trước tuổi vì phải lo nghĩ, mọi sự thiếu thốn nó không hề than, biết nhường nhịn cho em từ miếng ăn đến quyển vở,... Thằng Cương giờ đã 9 tuổi nhưng còn ngốc nghếch và ham chơi, chưa biết lo nghĩ gì.
Một ngày nữa là đến Trung thu. Chiếc đèn kéo quân, ông Na đã làm xong nhưng vẫn giấu chưa cho 2 đứa biết. Tối đó, thằng Cương vẫn không thấy ông nói gì đến quà nên càng sốt ruột, chạy hết nhà này đến nhà khác xem các bạn đã chuẩn bị gì cho Tết Trung thu. Lúc về, nó khoe nào là bạn Thu được mẹ mua cho chiếc đèn ông sao rất to, thằng Tiến được cha mua cho chiếc đèn lồng có nhạc,... Thảo biết ý, liền mắng:
- Tụi nó có thì tụi nó chơi, em đừng có nghịch, lỡ hư tụi nó bắt đền thì chết đấy nhé!
- Thằng Tiến nói mai mẹ nó mua về, nó sẽ cho em chơi chung.
- Không được! Lỡ hư thì làm thế nào, chị dặn phải nhớ đấy!
Nghe 2 đứa nói, ông Na cảm thấy thương cháu quá. Ông gọi 2 đứa vào nhà rồi bảo:
- Còn 1 hôm nữa là Trung thu, ông vẫn nhớ lời hứa với 2 đứa. Ông có quà cho 2 đứa đây. Đoán xem ông cho quà gì nào?
Thằng Cương chỉ chờ có thế, nó reo lên:
- Ông có quà! Ông ơi, quà gì cũng được, cháu biết ông không có nhiều tiền mà!
- Ông có quà gì ạ? - Thảo nhìn ông ngạc nhiên hỏi.
- Được rồi, 2 đứa ngồi xuống đây, chờ ông chút đã.
Nói rồi, ông Na lên gác, lấy chiếc đèn xuống. Nhìn chiếc đèn, cả 2 đứa ồ lên vì ngạc nhiên và sung sướng. Thằng Cương chạy đến bên ông, reo to:
- Đèn lồng à ông? Sao nó lạ thế, không giống những cái cháu đã thấy? Ông mua ở đâu vậy ạ? Ôi nó đẹp quá!
- Ồ nó lạ thật đấy! Hình lục lăng. Ông tự làm à? - Thảo vừa ngắm chiếc đèn, vừa khẽ hỏi ông vẻ đầy xúc động.
Nó định đỡ chiếc đèn từ tay ông nhưng ông Na đã ngăn lại. Ông treo đèn lên giữa nhà rồi bật hột quẹt, thắp nến. Ông kêu Thảo tắt đèn. Ánh sáng mờ ảo tỏa ra từ thân đèn, 2 đứa ngạc nhiên nhận ra những hình người, hình thú xuất hiện và lạ lùng chưa? Những con thú biết chạy, mới đầu chậm sau nhanh dần, mọi vật cứ thế quay tròn. Kia là con hổ đang đuổi con bò, bò lại đuổi chó, chó lại đuổi mèo, mèo lại đuổi chuột,... cứ thế, chúng đuổi nhau mãi không thôi. Thằng Cương há miệng, nghểnh cổ ngồi xem, mắt không chớp. Rồi như chợt nhớ ra điều gì, nó hỏi ông:
- Ông ơi, đèn này tên là gì ạ? Cháu gọi các bạn đến cùng chơi nhé!
- Thế cháu có thích không? Đây là đèn kéo quân.
- Đèn kéo quân? Cháu thích lắm, cháu đi đây!
Thằng Cương lao đi. Lát sau, lũ trẻ kéo đến chật nhà. Tụi nhỏ thích thú, ngó nghiêng, reo hò ầm ĩ đến tận khuya mới chịu về. Nhìn lũ trẻ háo hức vây quanh chiếc đèn, quên hết mặt nạ, đèn lồng điện tử mà chúng mang theo, ông Na như được sống lại thời trẻ tuổi. Điều ông không ngờ là món quà mộc mạc mang đậm hồn quê đã đem lại cho lũ trẻ niềm vui khôn tả.
Đêm Trung thu, Thảo và Cương hăm hở cùng các bạn mang đèn ra nhà văn hóa vui liên hoan. Tiếng trống lân rộn ràng vang lên, trăng vàng soi tỏ đường quê. Ông Na lắng nghe những âm thanh rộn rã, quen thuộc ấy, thấy lòng thư thái lại. Và ông hiểu, hồn quê không mất, vẫn còn sống mãi!./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/den-keo-quan-a163796.html