Đến Kon Kơ Tu xem kể khan trên thổ cẩm
Nép mình bên dòng Đắk Bla mềm mại, làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu ở xã Đắk Rơ Wa (thành phố Kon Tum - tỉnh Kon Tum) là một ngôi làng của đồng bào Ba Na còn nét nguyên sơ bản địa và văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc, đang là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa.
Năm 2023, nghề dệt thủ công của người Ba Na tại Đắk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 238/QĐ-BVHTTDL ngày 14/02/2023. Như vậy, đến nay tỉnh Kon Tum đã có 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Sử thi Ba Na; Lễ hội “Ét đông” của nhóm Giơ Lâng (Ba Na), và nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na.
Làng văn hóa, làng du lịch cộng đồng
Cách thành phố Kon Tum khoảng 7km, qua cầu treo Kon K’lor nối hai bờ Đắk Bla huyền thoại, đường đến làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu uốn lượn theo dòng sông mềm mại, nên thơ, nơi du khách thỉnh thoảng sẽ gặp thoáng qua một bóng thuyền độc mộc như chiếc lá tre trôi theo dòng Đắk Bla chảy ngược về tây.
Khác với đa số con sông của nước ta chảy theo hướng Tây - Đông để cuối dòng đổ ra biển, sông Đắk Bla chảy theo hướng Đông - Tây, được coi như một biểu tượng của tỉnh Kon Tum.
Làng du lịch cộng đồng Kon Kơ Tu vẫn giữ nguyên được nét đẹp cổ xưa của người dân tộc Ba Na. Đây là một trong những ngôi làng cổ nhất ở Kon Tum, là nơi sinh sống của 138 hộ dân với hơn 736 nhân khẩu. Người Ba Na nơi đây có nét truyền thống độc đáo trong sinh hoạt, bảo tồn gần như nguyên vẹn bản sắc văn hóa gắn với núi rừng và dòng Đắk Bla huyền thoại như: cuộc sống gắn với sông nước, nghề đan lát tre nứa, dệt thổ cẩm truyền thống, chế tác nhạc cụ và không gian giao lưu văn hóa cồng chiêng...
Trong không gian ấm cúng của nhà rông Kon Kơ Tu, anh A Kâm, người con của làng Kon Kơ Tu, chủ homestay Hnam Ya và là hướng dẫn viên du lịch bản địa, chia sẻ: “Trong các tour du lịch, mình thường chuẩn bị các món cơm lam, rượu cần, diễn tấu cồng chiêng để du khách thưởng thức, từ đó khách biết và tới đông hơn. Cuộc sống nhờ đó cũng khấm khá hơn. Mình sẵn sàng phục vụ tốt mọi nhu cầu của khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng ở làng”.
Du khách đến với làng Kon Kơ Tu rất thích thú với không gian yên bình, tách hẳn với thế giới ồn ào bên ngoài. Họ được trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Ba Na gắn với dòng Đắk Bla như chèo thuyền độc mộc ngắm cảnh sông nước; hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng, xoang của đồng bào Ba Na bên đống lửa; thưởng thức đặc sản ẩm thực địa phương cũng như tìm hiểu tinh hoa nghề truyền thống của người dân thông qua đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân dệt thổ cẩm, đan lát tre nứa…
Đánh lên những thanh âm cuối cùng của điệu cồng trong chương trình giao lưu phục vụ du khách, nghệ nhân A Banh vui vẻ nói, từ ngày được quy hoạch thành làng du lịch cộng đồng, cuộc sống bà con vui nhiều lắm, cuộc sống dân làng Kon Kơ Tu nhiều đổi mới, trước làm rẫy chỉ đủ ăn, giờ dân làng Kon Kơ Tu làm du lịch có của ăn, của để.
Là một trong những người tiên phong làm du lịch tại làng Kon Kơ Tu, anh A Kâm đã đầu tư làm hai căn nhà sàn mới, xây dựng cổng chào bằng cây, bằng tre, trồng thêm hoa, cây cảnh xung quanh nhà để gần gũi thiên nhiên phục vụ khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm, lưu trú.
“Kể” sử thi trên thổ cẩm
Du khách đến làng Kon Kơ Tu sẽ không khỏi bất ngờ với những sản phẩm thủ công truyền thống của người Ba Na qua bàn tay của các nghệ nhân đan, dệt. Điều đặc biệt, du khách không chỉ được xem, mua những sản phẩm thủ công đẹp mắt làm quà lưu niệm cho gia đình mà còn được xem những câu chuyện cổ, truyền thuyết, sử thi qua những tấm thổ cẩm truyền thống của người phụ nữ Ba Na.
Bà Y Yin, 70 tuổi, nghệ nhân dệt thổ cẩm, người dệt những câu chuyện cổ, truyền thuyết, sử thi của người Ba Na lên thổ cẩm cả đời gắn bó với khung dệt truyền thống. Bà được xem là “báu vật sống” của làng khi sở hữu kỹ năng dệt điêu luyện và năng khiếu “kể chuyện” trên thổ cẩm.
Ghé thăm nhà nghệ nhân Y Yin khi bà đang cùng 2 người phụ nữ khác dệt thổ cẩm trước hiên nhà, được anh A Kơm cho biết, bà Y Yin không khéo giao tiếp với du khách do bà nói tiếng phổ thông không rõ, chỉ nói được tiếng Ba Na.
“Du khách rất thích thú khi xem những câu chuyện do bà Y Yin “kể” trên thổ cẩm. Bên cạnh trang phục hàng ngày, bà còn dệt những tấm vải dùng để trưng bày, trang trí với họa tiết hoa văn hình học truyền thống của người Ba Na. Đặc biệt, khi có đặt hàng, thông qua những hoa văn, họa tiết, bà Y Yin sẽ “kể” những câu chuyện cổ, sử thi, truyền thuyết của người Ba Na và nhiều dân tộc khác trên thổ cẩm. Những câu chuyện bà lựa chọn “kể” trên thổ cẩm thường là truyện cổ tích, truyền thuyết mà bà từng nghe qua lời kể khan, nói về các nhân vật anh hùng, sự kiện lịch sử, cuộc sống của thần linh, con người, vật nuôi, cây cối, làng quê ngày xưa, trong đó nhấn mạnh yếu tố anh hùng, nhân nghĩa, cái thiện chiến thắng cái ác. Mỗi câu chuyện dù ngắn hay dài nhưng luôn luôn kết thúc có hậu, mang nhiều ý nghĩa giáo dục cho lớp trẻ, cộng đồng”, anh A Kâm chia sẻ.
Ngơi tay giây lát, bà Y Yin ngập ngừng chia sẻ: “Giờ già rồi, mắt mờ rồi, chỉ biết dệt thổ cẩm thôi, nhưng không dệt được nhiều, nhận đặt hàng dệt thổ cẩm có nội dung kể chuyện thôi”.
Ngắm nhìn những hoa văn hiện dần lên trên tấm thổ cẩm nhiều màu sắc, dưới bàn tay khéo léo của nghệ nhân Y Yin, những tấm thổ cẩm trở nên “có hồn”, rực rỡ sắc màu. Theo tiếng lách cách nhẹ nhàng của khung cửi đơn sơ, bà Y Yin không chỉ “kể” cho du khách những câu chuyện ngàn đời của người Ba Na, hơn thế, đó là truyền thống văn hóa lâu đời, nét đẹp trong sinh hoạt cộng đồng của người Ba Na bên dòng Đắk Bla.
A Kâm cho biết, để hoàn thành mỗi tấm thổ cẩm “biết kể chuyện” phải mất rất nhiều công sức, tâm huyết. Mỗi tấm thổ cẩm kể chuyện thường dài 4 - 5m, nhưng chỉ bán được khoảng 1,2 - 1,4 triệu đồng nên nếu tính ra tiền công mỗi ngày không được bao nhiêu, chỉ đủ để trang trải đời sống. Dù vậy, bà Y Yin vẫn cố gắng làm với mong muốn giữ lấy nghề của tổ tiên, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa người Ba Na, nhắc nhở, truyền dạy thế hệ trẻ biết nâng niu, gìn giữ thổ cẩm để sau này không hối tiếc.
Già làng A Chun cho biết: “Không chỉ là nghệ nhân giỏi tại làng, bà Y Yin còn là tấm gương sáng tích cực tuyên truyền, vận động lớp trẻ chăm lo học hành, gìn giữ văn hóa của cha ông. Các sản phẩm dệt của bà Y Yin đã giúp du khách biết đến làng nhiều hơn, giúp quảng bá du lịch cho địa phương”.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/den-kon-ko-tu-xem-ke-khan-tren-tho-cam-post1149991.vov