Giá cả thị trường năm 2024 và dự báo cho năm 2025
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 đạt 6.391,0 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước.
Sức mua vẫn còn yếu
Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tính chung cả năm 2024, CPI tăng 3,63% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, thị trường hàng hóa nhìn chung dồi dào, phong phú nguồn cung được đảm bảo, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực thực phẩm, năng lượng…
Hệ thống phân phối đã có những tiến bộ để đáp ứng nhu cầu chung của thị trường nội địa trong năm, do vậy giá cả tương đối ổn định, lạm phát được kiểm soát trong năm qua. Tuy nhiên thị trường nhìn chung cả năm sức mua vẫn còn yếu, cơ cấu tiêu dùng có những thay đổi, tập trung vào mua sắm các hàng hóa thiết yếu, chi phí chữa bệnh, tiết kiệm…
Doanh thu các mặt hàng cao cấp như điện máy, hóa mỹ phẩm điện tử bị suy giảm so với những năm trước đại dịch. Mặt khác nổi lên xu hướng tiêu dùng xanh, bền vững, tuần hoàn, chắc chắn về lâu dài sẽ đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Sự cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ giữa đại siêu thị và các chợ, cửa hàng nhỏ lẻ là cuộc chiến không cân sức, doanh thu kênh truyền thống bị suy giảm từ 20 – 30%.
Mặt khác, thương mại bán trên các nền tảng số và các hình thức bán hàng khác như livestream… có mức tăng trưởng nhanh vài năm gần đây, từ 15 – 20% và đang cạnh tranh với bán hàng trực tiếp của các đơn vị, mặc dù hình thức này còn có nhiều khiếm khuyết cần khắc phục sớm.
Ngoài ra, nạn hàng giả, hàng nhái, trốn thuế còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục có những động thái quản lý mạnh mẽ hơn, tạo một sự cạnh tranh công bằng trên thị trường ở Việt Nam. Các chi phí trung gian còn nhiều, chi phí logicstic còn cao, dẫn tới giá cả hàng hóa nhất là hàng hóa Việt còn kém sức cạnh tranh với các hàng hóa nhập khẩu vào nội địa với nhiều phương thức hiện đại, linh hoạt, nhiều lúc đã lấn át doanh số của hàng Việt. Đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ quan hoạch định chính sách nội địa cần nghiên cứu và tìm ra những giải pháp hữu hiệu để khắc phục sớm.
Một vấn đề nữa cần đề cập đó là giao dịch mua bán ở Việt Nam chưa được công khai, minh bạch, những hiện tượng ép giá mua, đẩy giá bán cao vô lý vẫn còn xảy ra không phải là cá biệt, trong đó có vai trò rất quan trọng là hệ thống các sàn giao dịch hàng hóa, các chợ đầu mối nông sản thực phẩm vùng vẫn còn ít, hoạt động còn thô sơ, hiệu quả thấp, chất lượng hàng hóa trên thị trường còn lẫn lộn dẫn tới niềm tin của người tiêu dùng chưa vững chắc.
Gần đây, vụ việc tẩm hóa chất cấm vào giá đỗ ở một số địa phương và trước đây rau VietGAP không chuẩn đã lọt vào một số siêu thị ở Việt Nam… gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng, đồng thời làm cho các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc gặp khó khăn không ít.
Nhiều khiếm khuyết cần phải khắc phục
Điểm qua tình hình giá cả hàng hóa trong năm cho ta thấy mặc dù có nhiều tiến bộ, song cũng còn nhiều khiếm khuyết cần phải khắc phục bằng những giải pháp mạnh, bài bản, có địa chỉ chịu trách nhiệm về tình hình xấu của thị trường nội địa:
Trước hết, các quy định về sản xuất, lưu thông hàng hóa, chi phí từ nơi sản xuất đến tiêu thụ phải minh bạch, rõ ràng, tiện cho việc quản lý và giám sát thị trường của các cơ quan chức năng và người tiêu dùng, đảm bảo một sự cạnh tranh bình đẳng minh bạch trên thị trường, bảo vệ các nhà sản xuất và kinh doanh chân chính.
Quan tâm đến công tác củng cố các lực lượng thi hành công vụ có liên quan, đảm bảo thông tin quản lý chính xác, kiểm tra kịp thời và hiệu quả, xử lý nghiêm các vi phạm xảy ra trên thị trường theo sự chỉ đạo chung của chính phủ bộ ngành và các địa phương cùng sự phản ảnh của người tiêu dùng, hoạt động của các hiệp hội…
Chuỗi sản xuất phân phối dự trữ tiêu dùng cần phải rõ ràng minh bạch trước hết với các sản phẩm quan trọng và thiết yếu như năng lượng, lương thực thực phẩm, hàng hóa phải được quản lý từ nơi sản xuất theo quy trình. Lấy mục tiêu chính là bảo vệ được quyền lợi người tiêu dùng và công bằng xã hội, xây dựng một thị trường hàng hóa có chất lượng an toàn, giá cả hợp lý từng thời kì để phục vụ toàn dân. Kinh doanh ai cũng phải có lợi nhuận nhưng không vì lợi nhuận quá mức vô lý mà có thể bất chấp đạo đức, gây xói mòn lòng tin trong xã hội.
Cần song song thực hiện việc từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng của hệ thống phân phối quốc gia, đồng thời tạo một nếp làm ăn trung thực, văn minh, tử tế trong công tác phục vụ toàn xã hội, trong đó vai trò của người đứng đầu các doanh nghiệp và cả trách nhiệm liên đới của các địa phương và sự hỗ trợ sát sao hiệu quả của các bộ ngành trung ương trong các lĩnh vực có liên quan.
Nghiên cứu từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng đầy đủ, khép kín, có địa chỉ, chịu trách nhiệm trước hết với các mặt hàng quan trọng, thiết yếu cho xã hội như xăng dầu, chất đốt, lương thực thực phẩm, giảm bớt các trung gian, chi phí logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại thị trường nội địa, lợi nhuận trong chuỗi cung ứng phải được phân phối hợp lý, trước hết đảm bảo cho người sản xuất có lợi nhuận để tiếp tục sản xuất của cải vật chất vòng sau cho xã hội.
Doanh nghiệp Việt, hàng Việt, hệ thống phân phối Việt phải làm chủ thực sự trên sân nhà hiện nay cũng như lâu dài trong những năm tiếp theo. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức của người sản xuất kinh doanh, coi trọng và đặt lên hàng đầu yếu tố con người trong sản xuất kinh doanh, đặc biệt là văn hóa phục vụ cho xã hội. Coi phục vụ khách hàng mua bán phải như phục vụ những người thân trong gia đình mình.
Đảm bảo không bị thiếu hàng, "đứt hàng"
Trước hết, để chuẩn bị cho việc phục vụ Tết Ất Tỵ 2025 sắp tới, theo nhận định chung, Tết năm nay hàng hóa mặc dù trong năm có những ảnh hưởng của thiên tai, thời tiết khí hậu song nhìn chung, nguồn cung tại các địa phương tương đối ổn định, đủ sức phục vụ sức mua tăng cao 10 – 20% trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.
Cũng không thể tránh khỏi một số mặt hàng có giá cả tăng trong dịp Tết, nhất là các mặt hàng như thịt lợn thăn, thịt bò tươi, thủy hải sản cao cấp, rau và hoa quả đặc biệt trong dịp Tết… nhưng không phổ biến, mang tính cá biệt về cả về thời gian và mặt hàng đối với xã hội, không làm ảnh hưởng chung đến không khí mua sắm tết của đa số các gia đình trong dịp này.
Các Sở Công Thương, tỉnh, thành phố cần có chỉ đạo thường xuyên với hệ thống phân phối để đảm bảo không bị thiếu hàng, “đứt” hàng, giá cả tăng quá cao làm ảnh hưởng đến túi tiền người tiêu dùng. Sự liên kết phối hợp giữa các địa phương, nắm thông tin kịp thời để điều động hàng hóa phục vụ cho nhân dân một cách kịp thời, hiệu quả.
Chúng ta tin tưởng nhân dân sẽ được phục vụ một cái tết tương đối đầy đủ, an toàn để vui xuân đón tết. Mặc dù điều kiện sản xuất kinh doanh và phân phối hàng hóa vẫn còn những khó khăn, do sự biến động của địa chính trị thế giới, cung cầu hàng hóa thiết yếu cho sản xuất, cung cấp các mặt hàng năng lượng luôn luôn có những biến động mà chúng ta còn phải phụ thuộc lâu dài.
Trong khi đó, sức mua ở trong nước chưa có thể khắc phục nhanh được cộng với những yếu tố bất lợi do thiên tai thời tiết biến đổi khí hậu gây ra, đi đôi với các chi phí sản xuất kinh doanh còn phụ thuộc và còn cao, hệ thống phân phối và năng lực cạnh tranh cảu các doanh nghiệp còn khiếm khuyết, thể chế kinh tế còn chưa được hoàn thiện, bộ máy chỉ đạo từ trên xuống còn cồng kềnh, hiệu lực chưa cao, công tác chống tham nhũng lãng phí vẫn còn phải tiếp tục khắc phục.
Chúng ta tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn các nhiệm vụ chỉ tiêu đề ra trong năm 2025 như tăng trưởng GDP phấn đấu đạt mức 7,5%, lạm phát ở mức 4.5% sẽ đạt được trong thời gian tới, góp phần xây dựng đất nước lớn mạnh, cải thiện đời sống tinh thần và vật chất cho toàn xã hội.