Đến năm 2030, TPHCM có trên 14.000 doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ?
UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Chương trình hành động số 58-CTr/TU nhằm xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân thành phố, theo tinh thần nghị quyết 41-NQ/TW. Trong đó, đến năm 2030, thành phố đặt mục tiêu có khoảng 20-25%, tương đương khoảng 14.000-17.500 doanh nghiệp doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đến năm 2030.
Theo đó, TPHCM phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, sáng tạo, có năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, thanhuytphcm.vn đưa tin.
Đến năm 2030, TPHCM đặt mục tiêu sẽ có ít nhất 700.000 doanh nghiệp. Trong đó, có nhiều doanh nhân thành đạt, dẫn dắt các tập đoàn kinh tế lớn mạnh với khoảng 65-70% chủ doanh nghiệp có trình độ đại học trở lên, khoảng 20-25% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Tỷ lệ này tương đương khoảng 14.000-17.500 doanh nghiệp và 30-35% số doanh nghiệp có giám đốc hoặc người đứng đầu doanh nghiệp là nữ.
Đến năm 2045, TPHCM hướng tới sẽ trở thành một trung tâm sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao trong khu vực. Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ tập trung phát triển đội ngũ doanh nhân có năng lực, sáng tạo, có thể dẫn dắt các doanh nghiệp khác và xây dựng những thương hiệu Việt Nam có uy tín trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng một đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam có khả năng cạnh tranh trên trường quốc tế, dẫn dắt các ngành công nghiệp trọng điểm và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, kế hoạch cũng định hướng phát triển đội ngũ doanh nhân trẻ, năng động, có khả năng nắm bắt nhanh các xu hướng công nghệ mới. Thành phố tạo điều kiện để doanh nhân đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2025, Chính phủ sẽ tập trung phát triển kinh tế tư nhân, nâng tỷ trọng đóng góp khoảng 55% GDP, ban hành Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam. Hiện, cả nước có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.