Đến năm 2033, TP.HCM dự kiến có thêm 14 khu công nghiệp mới

Trong giai đoạn 2025 - 2033, TP.HCM dự kiến đầu tư phát triển thêm 14 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 3.800 ha. Các khu công nghiệp này sẽ được quy hoạch theo mô hình hiện đại, thông minh, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế số, công nghệ cao, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Tại Hội nghị công bố quy hoạch các khu công nghiệp TP.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) phối hợp với UBND huyện Bình Chánh tổ chức, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, sau hơn 30 năm phát triển, ngành công nghiệp TP.HCM đang đối mặt với những giới hạn về nguồn lực lao động, quản trị và công nghệ.

Để duy trì đà tăng trưởng và năng lực cạnh tranh, ngành công nghiệp Thành phố buộc phải đổi mới mạnh mẽ.

Theo ông Phạm Thanh Trực - Phó Trưởng Ban HEPZA, TP.HCM định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp hiện hữu, đồng thời tái cơ cấu và chuyển đổi theo chiều sâu nhằm nâng cao chất lượng phát triển. Trọng tâm là thúc đẩy các ngành sử dụng công nghệ cao, phát triển bền vững, thân thiện môi trường và có giá trị gia tăng cao.

Thành phố hiện đang triển khai thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất và khu công nghiệp gồm: Tân Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái và Bình Chiểu. Các khu này sẽ được định hướng trở thành khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ hoặc trung tâm logistics.

Giai đoạn 2025 - 2027: Đầu tư 4 khu công nghiệp gồm Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II, Vĩnh Lộc 3 và Nhị Xuân.

Giai đoạn 2027 - 2030: Tiếp tục triển khai 5 khu gồm An Phú, Trung An, Lê Minh Xuân 4, Phạm Văn Hai III và Hiệp Phước 3.

Giai đoạn 2030 - 2033: Phát triển 5 khu còn lại gồm Tân Phú Trung 2, 3, 4 và Bình Khánh 1, 2.

Các khu công nghiệp mới sẽ được quy hoạch đồng bộ, tích hợp phân khu chuyên ngành theo định hướng phát triển của Thành phố. Mục tiêu là xây dựng các cụm liên kết ngành nội khu và liên khu nhằm tối ưu hóa chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

HEPZA cũng đang xây dựng chương trình và phương án chi tiết để triển khai quy hoạch, trong đó có tính đến khả năng mở rộng không gian công nghiệp thông qua liên kết vùng sau khi một số khu công nghiệp tại Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu được tích hợp vào địa giới hành chính TP.HCM.

Ông Nguyễn Quang Thanh - Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) cho biết, Thành phố hiện đang triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay thuộc lĩnh vực ưu tiên, với giá trị dưới 200 tỷ đồng và thời gian ưu đãi tối đa 7 năm. Doanh nghiệp hoạt động tại Khu Công nghệ cao TP.HCM, Công viên phần mềm Quang Trung và các khu công nghiệp có thể tiếp cận chính sách này để phục vụ mục tiêu đầu tư, chuyển đổi công nghệ.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhấn mạnh vai trò của HEPZA trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế công nghiệp. Ông yêu cầu HEPZA xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, đồng thời khuyến khích các khu chế xuất, khu công nghiệp hiện hữu chủ động lập đề án chuyển đổi công nghệ, hướng tới nền công nghiệp sạch và thân thiện với môi trường.

Ông Võ Văn Hoan khẳng định, phát triển công nghiệp TP.HCM không chỉ tạo động lực tăng trưởng cho Thành phố mà còn có vai trò lan tỏa, thúc đẩy liên kết và hợp tác vùng trong khu vực Đông Nam Bộ. Theo đó, công nghiệp TP.HCM cần hướng tới mô hình xanh, số hóa và sinh thái.

Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp hạ tầng cũng kiến nghị quy hoạch các khu công nghiệp mới một cách đồng bộ, bao gồm hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội như điện, nước, khu dân cư, trường học và bệnh viện phục vụ cho chuyên gia và người lao động. Đồng thời, cần có chính sách thu hút đầu tư chọn lọc, ưu tiên ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, hạn chế các ngành sử dụng nhiều lao động và gây ô nhiễm.

TH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/den-nam-2033-tp-hcm-du-kien-co-them-14-khu-cong-nghiep-moi-317779.html