Bộ trưởng Tài chính: Nhà nước chỉ quản lý phần vốn góp vào doanh nghiệp

Thay vì quản lý doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, Nhà nước sẽ chỉ quản lý phần vốn của mình tại doanh nghiệp, nguồn vốn góp đó chính là tài sản của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp nhà nước có được kinh doanh bất động sản?

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội Phan Văn Mãi sáng nay trình bày tại Quốc hội báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

UBTVQH đánh giá dự thảo đã thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 12-NQ/TW, đó là “Doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, lấy hiệu quả kinh tế làm tiêu chí đánh giá chủ yếu, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác theo quy định của pháp luật”.

Có ý kiến cho rằng, quy định không cho doanh nghiệp được kinh doanh bất động sản (Điều 20) là chưa phù hợp.

Ông Mãi cho hay, dự thảo Luật không cấm doanh nghiệp nhà nước kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, hoạt động này phải được thể hiện trong Điều lệ công ty, do người đại diện phần vốn nhà nước phê duyệt, nhằm đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ định hướng ngành nghề và hạn chế đầu tư ngoài lĩnh vực chính.

Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Ông Phan Văn Mãi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Ông Mãi cho rằng, việc không quy định hạn chế đầu tư trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Doanh nghiệp.

Đối với quy định về cho thuê hoặc khai thác bất động sản trong doanh nghiệp, tại điểm d khoản 2 Điều 20 của dự thảo, hội đồng thành viên (HĐTV) hoặc chủ tịch công ty quyết định cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, bán tài sản cố định có mức vốn đầu tư không quá 50% vốn chủ sở hữu, hoặc không quá 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu trong trường hợp doanh nghiệp lỗ, được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp tại thời điểm gần nhất với thời điểm quyết định dự án nhưng không quá mức cụ thể theo quy định của Chính phủ.

Trường hợp tài sản cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản, bán tài sản cố định có giá trị lớn hơn mức này, HĐTV hoặc chủ tịch công ty quyết định đầu tư sau khi báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu có ý kiến về mục đích, mức vốn đầu tư, nguồn vốn, thời gian thực hiện dự án đầu tư.

Thảo luận tại hội trường, liên quan đến quy định trích lập sau thuế, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đề xuất cơ chế đặc biệt cho phép doanh nghiệp đặc thù được giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế, nhất là những doanh nghiệp thực hiện các dự án trọng điểm cần sử dụng vốn lớn.

Ông An cũng đề xuất không áp dụng các tiêu chí đánh giá, bảo toàn, phát triển vốn đối với doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

Tuy nhiên, làm rõ thêm một số nội dung, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng (đại diện cơ quan soạn thảo) cho biết: “Nhằm gắn trách nhiệm người đứng đầu, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo luật quy định kết quả đánh giá là cơ sở để xem xét bổ nhiệm, giới thiệu, thuê, bổ nhiệm lại, chấp thuận từ chức, cho thôi chức vụ, chấm dứt hợp đồng.

Đồng thời, kết quả đánh giá xếp loại là cơ sở để chi phúc lợi cho người lao động tại doanh nghiệp và khen thưởng theo quy định”.

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội

Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: Quốc hội

Nhà nước chỉ quản lý phần vốn góp tại doanh nghiệp

Phát biểu góp ý dự thảo, đại biểu Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính, dẫn chứng pháp luật quy định, bất kể nhà đầu tư đã góp tiền/tài sản vào doanh nghiệp thì phải chuyển quyền sở hữu tiền/tài sản đó thành sở hữu của doanh nghiệp.

Khi đó, nhà đầu tư chỉ còn sở hữu cổ phần của doanh nghiệp. Khi muốn bán tài sản đã góp vào doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ có thể bán phần vốn góp tại doanh nghiệp.

“Nhà nước không sở hữu tài sản, không sở hữu tiền vốn sau khi đã góp vốn vào doanh nghiệp, mà chỉ sở hữu cổ phần đại diện cho phần vốn góp”, đại biểu Hiếu lưu ý. Ông đồng thời đề nghị bổ sung khái niệm vốn nhà nước đã đầu tư vào doanh nghiệp, phải xác định rõ đó là phần vốn góp cổ phần trong tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Về hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo mới chỉ quy định trường hợp Nhà nước mua cổ phần phần vốn góp cùng các nhà đầu tư khác tại một doanh nghiệp đang hoạt động, chưa có quy định trường hợp Nhà nước cùng góp vốn với các nhà đầu tư khác để thành lập một doanh nghiệp mới hoàn toàn. Do đó, đại biểu Hiếu đề nghị bổ sung thêm quy định về trường hợp này.

Đại biểu Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Phan Đức Hiếu, ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế - Tài chính Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Điều 20 của dự thảo quy định về hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp còn bao gồm các hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán hàng hóa.

“Vậy phải chăng từ đây mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều phải lập thành dự án đầu tư? Như vậy sẽ rất khó cho doanh nghiệp khi họ có hàng chục, hàng trăm giao dịch hằng ngày. Do vậy, cần nói rõ những hoạt động nào phải thành lập dự án đầu tư. Tôi đề nghị rà soát kỹ dự thảo để tránh phát sinh thêm thủ tục không cần thiết”, ông Hiếu nói.

Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, thay đổi căn bản của luật là Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ tương ứng tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp, bình đẳng như các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, thay vì quản lý doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước, luật mới quy định chỉ quản lý phần vốn của Nhà nước tham gia vào doanh nghiệp.

“Khi đã góp vốn thì Nhà nước phải tôn trọng doanh nghiệp, nguồn vốn góp đó chính là tài sản của doanh nghiệp. Luật cũng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, bình đẳng cạnh tranh”, Bộ trưởng Thắng khẳng định.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Quảng Ninh) đề nghị tách thành hai loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp phát triển KHCN - ĐMST - Chuyển đổi số quốc gia ứng dụng công nghệ cao; Doanh nghiệp đầu tư lớn, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế.

Trong khi đó, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) nêu thực trạng có những doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện công bố thông tin, điều này làm giảm hiệu quả giám sát của xã hội đối với DNNN, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân. Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung thêm các quy định về nghĩa vụ công bố thông tin của doanh nghiệp.

Tuân Nguyễn

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-tai-chinh-nha-nuoc-chi-quan-ly-phan-von-gop-vao-doanh-nghiep-2400612.html