Đền phủ Sung: Nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu
Với những giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật độc đáo đến nay đền mẫu phủ Sung vẫn là một trong những ngôi đền nổi tiếng không chỉ ở thị trấn Bến Sung (Như Thanh) mà còn đối với du khách thập phương.
Theo sử sách ghi chép lại, phủ Sung là di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật thờ Mẫu, đứng đầu trong hệ thống thần điện ở đền là Liễu Hạnh công chúa.
Từ xa xưa người dân tin rằng nàng là con gái của Ngọc Hoàng, vì phạm lỗi bị đày xuống trần gian thác sinh vào nhà họ Lê, được bố mẹ đặt tên là Giáng Tiên gả chồng năm 18 tuổi. Ba năm sau bị gọi về trời nhưng nàng nhớ chồng con, Ngọc Hoàng phải cho nàng trở về hạ giới. Lần này nàng sắp đặt nhà cửa cho yên ổn chứ không ở lại gia đình. Sẵn có phép màu biến hóa, nàng vân du ở khắp mọi nơi. Thế rồi, nàng lại vào Nghệ An kết duyên với một thư sinh, khi chồng thi đỗ làm quan thì nàng lại đến kỳ hạn phải trở về trời.
Không chịu được với thời gian hạnh phúc quá ngắn ngủi, Liễu Hạnh lại xin vua một lần nữa giáng sinh. Lần này, nàng cùng hai thị nữ về vùng Phố Cát (Thạch Thành, Thanh Hóa). Ở đây, tiên chúa đã trừng trị những bọn người có tính trêu ghẹo, gia ơn cho người dân… do đó triều đình cho là yêu quái đem quân lính đến tiêu trừ nhưng nhiều lần bị tiên chúa đánh cho thảm bại. Vua phải cầu một đạo sĩ là Tiền Quân Thánh cầm quân chống cự ở núi Sòng (Bỉm Sơn, Thanh Hóa ngày nay). Trận đánh diễn ra ác liệt mà đến nay người đời vẫn quen gọi với cái tên là Sùng Sơn đại chiến.
Để chiến thắng, tiền quân thánh phải lập mẹo nhưng cùng lúc đó Đức phật đã hiện ra yêu cầu nhà vua và những người chiến thắng trả lại tự do cho tiên chúa. Sau đó, triều đình phong thần Liễu Hạnh là Mã Hoàng Công chúa, rồi chế thắng Đại Vương. Cũng từ đó, nữ thần đã trở thành bậc siêu trần luôn ban ân đức cho mọi người nên được Nhân dân tôn là Thánh Mẫu. Chính vì vậy, ở Đền Sòng (Bỉm Sơn), Phủ Sung (Như Thanh)… đã dựng những ngôi đền lớn hàng năm mở hội phụng thờ Thánh Mẫu.
Cách bài trí từ ngoài vào trong ngôi đền chủ yếu theo lối truyền thống. Ngoài cùng là nghênh môn, tiếp đến là sân đền có diện tích 210 m2, ba phía có tường rào được xây bằng gạch. Nhà bái đường 5 gian, 4 vì, 2 mái được xây bằng vật liệu tổng hợp mang tính truyền thống. Hệ thống thờ tự trong nhà bái đường được bố trí ở gian giữa. Bệ thờ được xây thành 3 bậc. Bệ thờ Mẫu ở bậc trên cùng; bệ thờ thứ hai có một bát hương ở giữa, hai cây đèn và một lư hương bằng đồng; bệ thờ thứ 3 gồm một bát hương ở giữa và hai ống hương đồng hai bên.
Hiện ngôi đền còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như lư hương đồng hình tròn thời Nguyễn; hai ống hương bằng đồng; một con chó đá; mười hai hòn đá tảng; hai câu đối treo ở hai cột gian giữa và các di vật có giá trị nghệ thuật là những minh chứng cho việc bảo vệ, trân trọng gìn giữ những nét đẹp cổ truyền của người dân nơi đây.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Đền Phủ Sung có thời gian chỉ còn lại dấu tích. Giai đoạn 2011-2015 bằng nguồn kinh phí chống xuống cấp và các nguồn tài trợ, địa phương đã tiến hành trùng tu lại nhà từ đường và một số hạng mục với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng.
Đền đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 1995.