Đền Rừng: Cuộc gặp gỡ ý nghĩa giữa PGS.TS Trần Lâm Biền và thủ nhang Hoàng Xuân Mai

Ngày 28/12/2024, đền Rừng - nơi giao hòa linh khí đất trời - đã trở thành địa điểm diễn ra cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa PGS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu Di sản văn hóa hàng đầu, và nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai. Cuộc trò chuyện được ghi hình trong chương trình 'Gõ cửa chào Xuân - 2025', phát sóng trên VTV3, không chỉ mang lại góc nhìn mới về tín ngưỡng thờ Mẫu mà còn khẳng định vai trò quan trọng của đền Rừng trong đời sống văn hóa tâm linh người Việt.

Lịch sử và huyền thoại nơi ghềnh thiêng

Đền Rừng (làng Gia Thượng, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, thành phố Hà Nội), tọa lạc ở vùng đất giao hòa giữa sông Hồng và sông Đuống, mang dấu ấn thiêng liêng trong dòng chảy lịch sử và văn hóa dân tộc. Theo truyền thuyết, đền được xây dựng từ thời Hậu Lê, khi vùng đất này còn bạt ngàn lau sậy.

Tương truyền, bà Phạm Thị Gái – một phụ nữ chân chất, nhân hậu - đã mộng thấy chúa Thượng Ngàn trong một lần đi cắt lau. Trong giấc mơ, chúa Thượng Ngàn giao sứ mệnh lập đền vọng thờ, bảo hộ cho dân làng. Được sự ủng hộ của nhân dân, bà và người dân đã dựng nên ngôi đền, biến nơi đây thành trung tâm tín ngưỡng, vừa bảo vệ thiên nhiên, vừa nuôi dưỡng tinh thần dân tộc.

Ngoài thờ chúa Thượng Ngàn, đền còn có các tượng thờ Tam Tòa Thánh Mẫu, Chầu Bà, Quan Lớn, và nhiều vị thần linh khác. Các lễ hội Xuân Thu nhị kỳ cùng những nghi thức cầu phúc, cầu mùa, tạ lễ đã duy trì sức sống tín ngưỡng và tạo nên một không gian văn hóa tâm linh độc đáo.

PGS.TS Trần Lâm Biền (bìa phải) và nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai

PGS.TS Trần Lâm Biền (bìa phải) và nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai

Trao đổi văn hóa tri thức

Buổi gặp gỡ giữa PGS.TS Trần Lâm Biền và nghệ nhân Hoàng Xuân Mai không chỉ là cuộc trò chuyện mà còn là dịp để nhìn nhận giá trị lịch sử, văn hóa của đền từ góc độ khoa học và thực tiễn.

PGS.TS Trần Lâm Biền, người được mệnh danh là “nhà nghiên cứu chua ngoa” bởi phong cách thẳng thắn, đã có những phân tích sắc sảo về địa thế “Tiền án hậu chẩm” của đền Rừng – nơi mặt trước là dòng sông, mặt sau là gò núi; hội tụ dòng chảy của thiên nhiên và linh khí đất trời.

Theo ông, địa thế này không chỉ thể hiện sự giao hòa giữa thiên nhiên và con người mà còn mang ý nghĩa phong thủy, tạo nên sức sống bền vững cho di sản. Ông nhấn mạnh rằng: “Sự gắn kết giữa tín ngưỡng và đời sống không chỉ là biểu hiện của niềm tin mà còn là nền tảng để bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa”.

Trong khi đó, nghệ nhân Hoàng Xuân Mai, với vai trò thủ nhang, đã không ngừng nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị của đền, đưa nơi đây trở thành một điểm tựa tâm linh không chỉ cho người dân địa phương mà còn cho du khách thập phương. Ông chia sẻ rằng, mình không chỉ tổ chức các nghi lễ truyền thống và phát triển du lịch văn hóa tâm linh, mà còn chú trọng kết nối cộng đồng địa phương. Ông đặc biệt khuyến khích giới trẻ tham gia các hoạt động tín ngưỡng và lễ hội, giúp họ hiểu sâu sắc hơn về giá trị lịch sử, văn hóa của đền. Qua đó, ông mong muốn khơi dậy trong thế hệ trẻ lòng yêu quê hương và niềm tự hào dân tộc.

Sự giao lưu giữa hai thế hệ – một bên là nhà nghiên cứu giàu tri thức, một bên là nghệ nhân tâm huyết bảo tồn và thực hành tín ngưỡng – đã tạo nên cuộc trao đổi vừa khoa học vừa thực tiễn, giúp khai mở nhiều góc nhìn sâu sắc về giá trị di sản.

PGS.TS Trần Lâm Biền và nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai trao đổi tri thức văn hóa

PGS.TS Trần Lâm Biền và nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai trao đổi tri thức văn hóa

Ý nghĩa của cuộc gặp gỡ

Cuộc gặp gỡ tại đền Rừng không chỉ tái hiện giá trị văn hóa tín ngưỡng mà còn gửi gắm thông điệp về sự cần thiết của việc bảo tồn và phát huy di sản.

Sự hiện diện của PGS.TS Trần Lâm Biền cho thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu và nhận diện giá trị di sản trong bối cảnh hiện đại. Những phân tích của ông không chỉ làm sáng tỏ lịch sử, ý nghĩa địa thế của đền Rừng mà còn khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu là biểu tượng cho sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người.

Về phần nghệ nhân Hoàng Xuân Mai, sự tâm huyết và trách nhiệm của ông trong vai trò thủ nhang thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ để gìn giữ linh hồn của tín ngưỡng truyền thống. Cuộc gặp gỡ với PGS.TS Trần Lâm Biền đã giúp ông có thêm động lực và định hướng trong hành trình bảo tồn giá trị đền Rừng, hướng tới việc thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ, tham gia vào các hoạt động văn hóa tín ngưỡng.

Trong thời khắc chuyển giao năm mới, sự kiện tại đền Rừng là dịp để tri ân quá khứ, đồng thời gửi gắm mong cầu vào một tương lai tươi sáng an khang, thịnh vượng. Những nghi lễ dâng hương trang nghiêm do nghệ nhân Hoàng Xuân Mai và PGS.TS Trần Lâm Biền thực hiện chính là lời chúc phúc cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc.

PGS.TS Trần Lâm Biền và nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai ghi hình lưu niệm trước nhà tổ

PGS.TS Trần Lâm Biền và nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai ghi hình lưu niệm trước nhà tổ

Clip cuộc gặp gỡ thân tình giữa PGS.TS Trần Lâm Biền và nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai

Clip cuộc gặp gỡ thân tình giữa PGS.TS Trần Lâm Biền và nghệ nhân, thủ nhang Hoàng Xuân Mai

Từ câu chuyện về đền Rừng, chúng ta nhận ra rằng di sản văn hóa không chỉ tồn tại trong những kiến trúc cổ kính mà còn sống động trong tiềm thức của mỗi người. Cuộc gặp gỡ giữa PGS.TS Trần Lâm Biền và nghệ nhân Hoàng Xuân Mai chính là biểu tượng của sự kết nối giữa tri thức và thực hành, giữa nghiên cứu khoa học và bảo tồn di sản.

Đền Rừng là minh chứng sống động cho sức mạnh văn hóa của dân tộc, nơi mà thiên nhiên, tín ngưỡng, và con người hòa quyện để tạo nên một giá trị trường tồn. Trong thời khắc chào đón năm mới, từ nền tảng vững chắc này, chúng ta có quyền kỳ vọng vào một tương lai mà di sản văn hóa tiếp tục là nguồn cội, là linh hồn bất diệt của dân tộc Việt Nam.

Bình An

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/den-rung-cuoc-gap-go-y-nghia-giua-pgsts-tran-lam-bien-va-thu-nhang-hoang-xuan-mai-a27587.html