Đến tận cùng ngõ hẻm Sài Gòn tìm những quán ăn độc nhất vô nhị
Đôi khi người ta yêu một thành phố không phải vì nơi đó có ai, mà vì nơi đó có đồ ăn. Ở cái nơi mà một mét vuông mười hàng quán như Sài Gòn, bạn còn chưa kịp tìm người yêu thì đã trót phải lòng thành phố này.
Yêu người Sài Gòn, ở nhà Sài Gòn, chơi bời Sài Gòn, gặp dân Sài Gòn,… và hàng trăm điều khác cần phải thử khi đến thành phố này, bạn đã nếm trải được bao nhiêu điều rồi?
Nhưng dù sao thì cũng đừng bỏ lỡ ăn uống Sài Gòn - trải nghiệm sẽ làm bạn thay đổi hai thứ: cơ thể đã mập lại càng mập hơn và vốn đã yêu Sài Gòn nay lại càng yêu hơn.
Người ta hay nói với nhau về thước đo tiêu chuẩn, thế nào mới được gọi là người Sài Gòn? Có phải sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này thì mới được gọi là dân bản xứ? Có phải dù chỉ là dân mưu sinh tứ xứ nhưng am hiểu nó thì cũng được trao tặng danh xưng?
Mọi thứ đều rất tương đối và mơ hồ, chỉ có một điều chắc chắn: Nếu dấu giày của bạn in hằn lên mọi hàng ăn quán uống Sài Gòn, khá là chắc kèo bạn đang “tiến hóa” dần thành dân Xì phố chính gốc - như anh chàng dưới đây.
Ăn khắp Sài Gòn, ăn mòn Chợ Lớn
Sinh ra và lớn lên chính tại thành phố này, anh chàng Tân Nhân không bỏ lỡ cơ hội được trải nghiệm ẩm thực ở nơi mình sinh ra. Lúc nhỏ, được ba mẹ dẫn đi ăn thường xuyên nên anh Nhân cứ được dịp mà ghi nhớ lại từng địa chỉ. Lớn lên, anh tự dẫn lối chính mình để tìm đến các hàng quán độc đáo.
Bằng sự cảm nhận tinh tế qua ngũ quan nhạy cảm, anh Tân bắt đầu viết các bài review quán ăn và nhận được sự quan tâm lớn từ mọi người trên mạng xã hội. Không tập trung vào không gian hay thái độ phục vụ, những bài đánh giá của anh chỉ thuần về ẩm thực.
“… cuộn phần thịt ốc trong lá tía tô rồi chấm vào nước mắm chua chua ngọt ngọt, thoảng vị cay nhẹ của ớt và nồng nàn của gừng”, “vỏ bánh không mỏng cũng không dày, chả lại dai và ngọt thịt, ăn cùng với nhau tạo nên mùi thơm thoang thoảng”, “cadé cũng như custard, có thành phần từ đường, trứng, sữa, phảng phất mùi thơm nước cốt dừa, thơm ngon đến vô cùng …”
Chỉ với đôi ba câu chữ, anh có thể làm trỗi dậy bao nhiêu tâm hồn cả ngày chỉ tơ tưởng đến ăn uống và bao nhiêu cái bụng no chợt hóa đói. “Trước đây mình từng làm việc ở một trang báo chuyên về đánh giá ẩm thực, sau khi nghỉ việc thì mình chuyển sang review tự do với vai trò là khách hàng cá nhân.
Mình nấu ăn cũng ở mức cơ bản, nhưng vừa đủ để cảm nhận và đánh giá được nhiều khía cạnh của một món ăn, ví dụ như về khẩu vị, hình thái, độ cân bằng,…” anh chia sẻ. Vậy ngoài khai thác sâu về cảm nhận của đồ ăn, các bài đánh giá của anh còn có gì độc đáo?
85.000 đồng/một tô bò kho liệu có xứng đáng?
Cũng như việc tô phở được bán với giá gần 1 triệu đồng ở tòa tháp thương mại chọc trời, tô bò kho giá 85.000 đồng cũng gây tranh cãi không kém vì sự xứng đáng của nó đem lại cho người dùng.
Ở thành phố này không thiếu hàng quán thượng vàng hạ cám để phục vụ mọi tầng lớp người dân, nhưng luôn có những nơi với mức giá khiến người ta phải ngưng lại một giây trước khi bình tĩnh nhận ra vấn đề.
“Có một sự thật khá… thú vị, đó là bò kho vốn dĩ là món ăn bình dân, được người Việt nấu từ loại bò vụn rẻ tiền. Thế nhưng khi nhu cầu xã hội đi lên, nhiều hàng quán mà đặc biệt là tại khu người Hoa, bò kho được nấu từng những loại thịt đắt tiền và cao cấp, dẫn đến giá thành được đẩy lên cao”, chàng food review bật mí sau khi dùng bữa tại quán bò kho được anh đánh giá là đỉnh nhất Sài Gòn.
Thế nhưng không phải ai cũng suy nghĩ như vậy hay thậm chí là nghĩ như thế nhưng vẫn không sẵn sàng chi tiền vì thấy không đáng. Nói về việc này, anh cho biết vấn đề là ở nhu cầu của mỗi người, và không chỉ quán bò kho xịn nhất Sài thành, anh Tân Nhân còn lận lưng nhiều quán ăn khác với mức giá trên trời tạo nên những cuộc tranh luận bất tận từ các tín đồ ẩm thực, như cơm tấm 130.000 đồng/dĩa chẳng hạn.
1000 phần chuối nướng, 100 món trên thực đơn hay 1 tiếng đợi chờ
Gọi anh Tân Nhân là thợ săn hàng quán có lẽ cũng chẳng sai. Không chỉ biết đến các quán ăn với độ gây tranh cãi cao dữ dội, anh còn đặt chân đến những nhà hàng, xe đẩy cực kỳ độc đáo mà có lẽ chỉ có một vì không ai dám học theo làm mô hình tương tự.
Giữa lòng Quận 3 có một gánh hàng bán bánh chuối nướng và các món bánh hấp từ chuối, thoạt nhìn trông cũng bình thường như bao hàng chuối nướng khác, nhưng khi biết được góc nhỏ chưa đẩy 5 mét vuông này tiêu thụ 70 kg nếp, 60 kg dừa để bán 1.000 phần chuối mỗi ngày, ai cũng sẽ phải há hốc mồm.
Nhắc đến Chợ Lớn là nhắc đến những quán cơm gia truyền đậm văn hóa truyền thống. Tại phố Hoa, có một quán ăn với thực đơn kéo dài hơn 100 món nhưng món nào cũng đều được nấu nướng rất phức tạp và bày trí công phu. “Đến đây dù bối rối trước menu dài như cái sớ, nhưng không thể không thử thú linh chiên giòn hay đậu hủ Đông Giang, là những món đặc trưng của ẩm thực Khách Gia và cực kỳ hao cơm khi ăn kèm”, chàng trai sành ăn chia sẻ.
Hay bạn có sẵn sàng chờ đợi đến 1 tiếng chỉ để được ăn? Tại “thánh địa bún nước” ở Quận Phú Nhuận, có những hàng bún riêu, bún nước tôm bò, canh bún đặc sản Bình Định vô cùng hút khách, mật độ khách ngồi trong quán còn cao hơn mật dân số Sài Gòn, bởi không gian quán thì nhỏ nhưng khách thì quá nhiều.
“Chẳng cần quảng cáo nhiều, tôi cho rằng lý do quán đông nằm ở cọng bún to tròn thoạt nhìn như cọng bánh canh nhưng dai hơn, kết hợp rất hài hòa với nước lèo và các món ăn kèm phong phú. Có thể liệt kê sơ qua: thịt bò tái mềm, chả tôm và bò viên dai giòn mà đậm vị. Chốt hạ là trứng chần lòng đào nóng hổi”, Tân Nhân đánh giá và thử thách bất cứ ai có lòng kiên nhẫn cao hãy đến chờ 1 tiếng và cảm nhận.
Ẩm thực Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng mang nhiều màu sắc riêng biệt và độc đáo nhưng cùng nhau tạo nên nền ẩm thực đặc trưng của người Việt. Món ăn Việt phong phú, ít béo, có nhiều rau nên đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Hãy yêu Sài Gòn và thành phố nơi bạn sống bằng cách yêu những hàng ăn quán uống trước nhé.