Đến TP.HCM ăn đặc sản ngon ngất ngây
Không cần phải vào rừng núi sâu để tìm, ngay tại TP.HCM vẫn có đặc sản để du khách thưởng thức, ít nơi nào có được.
Ăn thịt cá sấu
Từ Trung tâm TP.HCM, sau hơn 30 phút đi xe là đến làng cá sấu Sài Gòn, hay còn gọi là cá sấu hoa cà, Phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM.
Thịt cá sấu nuôi có màu trắng hồng, sớ thịt gần giống thịt bê nhưng ngọt, mềm, dẻo và có mùi thơm tự nhiên.
Bên cạnh chuồng nuôi là nhà hàng phục vụ thức ăn làm từ thịt cá sấu. Nhà hàng được thiết kế theo dạng nhiều chòi canh nằm chồm ra một cái hồ trồng đầy sen.
Thực đơn cũng rất phong phú với nhiều món từ thịt cá sấu. Thức ăn được chế biến khá ngon, cầu kỳ, hương vị được gia giảm vừa phải, thực khách có thể ăn không cần chấm thêm gia vị để thưởng thức nguyên vẹn hương vị của món ăn.
Một số món thường được thực khách chọn là: chả giò, lòng cá sấu xào chua ngọt (món này rất hấp dẫn, không thử thì rất uổng), cá sấu tươi kiểu Nhật (tức là ăn sống chấm với mù tạt), bàn chân chiên nước mắm, cơm Hoa Cà, lẩu măng chua hay lẩu Phương Nam đều ngon cả. Ngoài ra nhà hàng còn rất nhiều món như chà bông cá sấu và một số món chiên xào hấp các loại nữa, tha hồ mà thưởng thức.
Nếu đi ban ngày thì có thể mang theo máy ảnh chụp hình, phong cảnh chuồng sấu và ao sen cũng khá đẹp.
Nghiên cứu khoa học cho thấy hệ miễn dịch của cá sấu rất mạnh, giúp chúng tự chữa lành các vết thương nhanh chóng và ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm các mầm bệnh. Không như vật nuôi lấy thịt thông thường, muốn thu được thịt cá sấu có chất lượng, phải mổ cá sấu bằng các thiết bị máy móc hiện đại và tuân thủ nghiêm ngặt quá trình xử lý, bảo quản sau khi mổ.
Ăn phở Hòa
Trước đây, đoạn gần cuối đường Pasteur dài khoảng 300 m (từ giao lộ Võ Thị Sáu đến Trần Quốc Toản) được mệnh danh là "con đường phở" của Sài Gòn, với hơn chục cửa hàng. Nhưng từ hơn 20 năm nay, phần lớn các tiệm đã chuyển đổi kinh doanh, giờ chỉ còn quán phở Hòa. Quán có từ thời còn gánh hàng rong trên phố. Đến năm 1968, gia đình mới mở tiệm bán đến bây giờ.
Theo Michelin Guide, nhà hàng nổi tiếng này đã phục vụ món phở ngon cho người dân địa phương kể từ khi mở cửa vào năm 1968. Nội thất và dịch vụ có thể không hào nhoáng, nhưng đồ ăn có giá cả phải chăng và nước dùng thơm ngon đặc trưng của họ là một loại "bậc thầy", có hương vị cân bằng. Thực đơn cung cấp nhiều loại chất lượng bao gồm ức bò, sườn, gân và lòng bò, cũng như thịt viên. Các món ăn khác của Việt Nam cũng có tại đây.
Hiện nay Phở Hòa rất được lòng du khách gần xa, trước cửa quán luôn có hàng dài xe đậu.
Hủ tiếu Hồng Phát
Ở một thành phố du nhập vô vàn thể loại hủ tiếu như TP.HCM thì hủ tiếu Nam Vang có một chỗ đứng rất riêng biệt.
Thương hiệu hủ tiếu Hồng Phát hình thành từ năm 1975 và nhanh chóng tạo dựng tên tuổi chỉ trong một thời gian ngắn sau đó. Hồng Phát trên đường Võ Văn Tần từng là chỉ dấu cho thời hoàng kim của món này những năm 1990, trước khi các trào lưu ẩm thực khác du nhập vào Sài Gòn lúc Việt Nam bước đầu hội nhập kinh tế, mở cửa giao thương với các nước trong khu vực.
Anh Tân Nhân, một thực khách tại đây cho biết: "Mọi thứ ở đây đều đạt chất lượng, từ miếng thịt, con tôm cho tới nước lèo đầy ắp thịt bằm và tôm khô. Cọng hủ tiếu cũng ngon, đỉnh nhất là khi ăn khô, sốt tương trộn vừa đủ chứ không phải kiểu đậm đặc như bên ngoài. Và đặc biệt ở Hồng Phát là có món huyết kho (chỉ đi sớm thì mới còn)".
Có quá nhiều điều để nói về tiệm ăn gắn liền với ký ức của bao người Sài Gòn này. Không chỉ đơn thuần là 1 món ngon đã được định danh, mà nó còn là sự kế thừa và chuyển giao qua các thế hệ.
Michelin Guide cho biết, tại hủ tiếu Hồng Phát, dịch vụ thân thiện là điều bắt buộc tại cửa hàng đơn giản này, nơi đây phục vụ ăn uống cả ngày, nhưng thường thì người dân địa phương hay đến ăn sáng. Hủ tiếu mềm ăn kèm với thịt bằm, gan, tôm sú tươi hoặc huyết, đi kèm với các loại rau thơm và giá đỗ. Tại đây còn có món chả giò tôm cua tạo nên một món khai vị tuyệt vời.
Hủ tiếu mì chuẩn vị người Hoa – Huỳnh Gia
Hủ tiếu chuẩn vị người Hoa xuất hiện ở đất Sài Gòn cùng sự nhập cư của người Tiều (Triều Châu). Họ gọi là cổ chéo (hủ tiếu), nghĩa gốc: bánh sợi. Món ăn ban đầu được chế biến khá đơn giản: hủ tiếu tươi làm từ bột gạo ăn với nước hầm xương ống heo, thịt heo xắt lát hay băm nhuyễn, thêm chút hành, hẹ, giá… Món ăn đơn giản như vậy thôi nhưng cũng khiến nhiều thực khách thỏa lòng.
Ngày nay, món hủ tiếu được điểm xuyết thêm nhiều thức ăn phụ khác: miếng gân giòn, khúc chân giò cắn nghe sừn sựt, vài miếng lòng tim, gan, cật, ruột non, con tôm đỏ au, miếng mực ngọt, quả trứng cút bùi bùi, miếng huyết heo hay vài lát chả cá...
Nước lèo cũng đậm đà, ngọt ngào hơn khi được nấu bởi tôm, mực khô. Đĩa rau ăn kèm phong phú với xà lách, tần ô, cần, giá, hẹ… Và, bước hoàn thiện gần đây nhất là thêm vào tô ít tóp mỡ, nước tương, dấm và tỏi ngâm (hay tỏi phi). Càng ngày, hủ tiếu càng khiến nhiều thực khách ngây ngất.
Như Ngọc