Đền Trần ở Hà Trung, Thanh Hóa: 10 năm phục dựng, thu hút du khách thập phương
Đền Trần tại xã Yên Dương, huyện Hà Trung, Thanh Hóa hiện còn lưu giữ 3 chiếc ấn cổ, trong đó có 1 chiếc làm bằng kim loại, 2 chiếc làm bằng gỗ. Tục khai ấn, xin ấn từng bị mai một, mới được phục dựng lại hơn chục năm trở lại đây, thu hút đông đảo người dân, du khách thập phương tham gia.
Đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5/2 (tức đêm 14 rạng sáng 15 tháng Giêng năm Quý Mão), huyện Hà Trung tổ chức lễ khai ấn đền Trần tại làng Thổ Khối, xã Yên Dương. Đây là lễ tục có từ lâu đời được tổ chức tại đền thờ Trần Hưng Đạo, công trình đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1996.
Sau 2 năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lễ khai ấn đền Trần năm nay thu hút đông đảo người dân tham gia. Mặc dù thời tiết có mưa nhẹ nhưng dòng người đổ về đền xin ấn rất đông. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cũng cũng tham gia, cùng tiến hành nghi thức khai ấn.
Theo lý lịch di tích được lập năm 1993, thế kỷ XIII, trong 3 lần chống quân Nguyên - Mông xâm lược nước ta, địa danh Tam Giang Thổ Khối đã hai lần chứng kiến Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng vua quan nhà Trần về đây lập hành dinh chống giặc. Để tưởng nhớ người anh hùng của dân tộc và tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với ông, nhân dân địa phương đã lập đền thờ và khắc bia đá để lưu truyền hậu thế. Căn cứ nội dung tấm bia đá còn lại, ngôi đền được trùng tu hoàn chỉnh vào năm Tự Đức thứ 3 (1850).
Các hiện vật có giá trị tại di tích ngoài Long cung - Long ngai, bài vị; sắc phong của các triều đại (bị thất lạc); bia đá ca ngợi công đức, sự nghiệp của Trần Hưng Đạo thời Tự Đức, còn có nhiều đồ thờ tự khác như bát hương bằng đá, gốm, kiếm, mũ thờ.
Theo truyền khẩu của các cụ cao tuổi trong làng, ở đền thờ Trần Hưng Đạo có 3 ấn. Hiện nay, 3 chiếc ấn này vẫn đang được lưu giữ, bảo quản tại đền, trong đó có 1 chiếc làm bằng chất liệu kim loại, 2 chiếc làm bằng chất liệu gỗ.
Cụ thể, ấn thứ nhất có kích thước dài 7cm, rộng 3,5cm, trên mặt ấn có khắc chữ Hán Nôm (rất khó đọc được nội dung); ấn thứ hai có kích thước vuông bốn mặt (9cm x 9cm), dày 4,8cm, núm ấn cao 3cm, trên mặt ấn khắc 4 chữ Hán: Hưng Đạo Đại Vương; ấn thứ ba có kích thước dài 9,3cm, rộng 1,5cm, cao 4,5cm (núm ấn), trên mặt ấn khắc 4 chữ Hán: Linh từ Thổ Khối.
Tục lệ xin ấn tại Đền thờ Trần Hưng Đạo có từ xa xưa. Hàng năm, vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng âm lịch, chính quyền sở tại và thủ từ làm lễ đóng ấn vào giấy bản (sau này là vải). Sau khi làm lễ khai ấn, nhân dân trong làng đến Đền để xin ấn về nhà với niềm tin nhờ uy linh của Đức Thánh Trần ban cho sức khỏe, may mắn, bình an, hạnh phúc, tránh rủi ro trong năm cho các thành viên trong gia đình, dòng tộc, làng xã, quê hương.
Qua thời gian, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao, Đền thờ Trần Hưng Đạo được đầu tư tu bổ, tôn tạo, phục hồi ngày càng khang trang hơn.
Bên cạnh đó, các phong tục tập quán, nghi thức thờ cúng tại Đền thờ Trần Hưng Đạo cũng dần được phục hồi, phục dựng và phát triển; có sức ảnh hưởng lan rộng, đã vượt ra khỏi phạm vi làng xã, thu hút đông đảo nhân dân các vùng lân cận đến tham dự.
Để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, du khách, tránh tình trạng lộn xộn, từ năm 2010, chính quyền địa phương cùng với Ban quản lý di tích đã chủ động chuẩn bị vải màu vàng để đóng 3 ấn phục vụ nhân dân địa phương, du khách khi có nhu cầu.