Đến Tri Tôn ngắm vẻ đẹp mùa mưa
Chờ đợi mấy tháng hạn để đón mùa mưa, du khách đổ về vùng Bảy Núi, trong đó có huyện Tri Tôn, để hòa mình trong tiết trời trong lành. Không chỉ vậy, mùa này cây trái đang chín rộ, ngay cả những khoảnh khắc bình dị của thiên nhiên cũng đủ khiến những ai thích check-in phải quay lại nhiều lần.
4 năm trước, chị Huỳnh Kim Đồng (tỉnh Đồng Tháp) theo đồng nghiệp đến vùng Bảy Núi tham quan, may mắn ngay dịp hè có rất nhiều cảnh đẹp. Thấp thoáng trên những ngọn núi, hoa bằng lăng trổ tím ngắt, từng đóa nổi bật như dệt gấm lên thảm rừng xanh. Từ đó, dịp hè năm nào chị cũng ghé qua nơi này chờ ngắm hoa nhưng đều lỗi hẹn. Dân bản địa giải thích, tùy thời tiết hàng năm, không phải năm nào bằng lăng rừng cũng nở. “Năm nay tôi đã được ngắm hoa bằng lăng rừng, thật xứng đáng công mong đợi. Hoa rất đẹp bởi cánh hoa lớn, màu tím xen lẫn màu trắng, tùy theo thổ nhưỡng lại có những sắc đậm nhạt khác nhau, mang vẻ riêng biệt nên thơ” - chị Kim Đồng kể.
Buổi chiều, đoạn đường tắt từ hồ Soài Chek qua hồ Soài So vẫn có nhiều khách phương xa tìm đến. Người người say sưa tạo dáng bên mặt hồ soi bóng hàng thốt nốt, lặng lẽ ngắm cơn mưa bất chợt ngang qua, phóng tầm mắt về những ngọn núi xanh mướt căng tràn sức sống… Lọt thỏm giữa không gian rộng lớn là bóng dáng của những nông dân cần mẫn với từng luống khoai, cây đậu, vườn chuối. Anh Triết (xã Núi Tô) cho biết: “Đến đây thì thời tiết kiểu nào người ta cũng thích. Trời khô ráo sẽ thấy núi đẹp mơ màng trong nắng, không khí trong lành dễ chịu. Còn ngày mưa, thi thoảng sẽ được ngắm mây vắt trên đỉnh núi, đó là những khoảnh khắc dân phượt luôn chờ đợi”.

Những ngọn núi ở huyện Tri Tôn chủ yếu được người dân lên lập vườn trồng trọt, canh tác “thuận thiên”, chưa phát triển du lịch rầm rộ. Song đó lại là điểm yêu thích của nhiều người khi chọn nghỉ dưỡng nơi đây. Có núi chỉ độc nhất 1 quán giải khát hoặc homestay, mô hình nhỏ, không có nhiều can thiệp và đầu tư nhân tạo. Muốn có chuyến trải nghiệm đầy đủ mà không phải lo chuyện ăn uống, ngủ nghỉ… du khách có thể đặt phòng nghỉ lại trên đỉnh núi. Len lỏi giữa các vườn cây ăn trái có các homestay theo nhiều mức giá, thiết kế tường kính, dựng lều, phòng nhỏ… Kể cả những ngày thời tiết không được đẹp, ngồi một góc yên ả ngắm mưa rừng, cảm giác cũng thú vị đến lạ.
Những người thích cảm giác trải nghiệm tự do, thời gian và sự lựa chọn sẽ rộng rãi hơn. Tuy nhiên, phải tham khảo “thổ địa” để biết những thời điểm săn tìm khoảnh khắc đẹp, thưởng thức món ăn ngon, đến đúng địa chỉ… và nắm rõ giá cả để có sự chủ động cho cả hành trình. “Người thích “xê dịch” nhiều như tôi may mắn thấy được bức tranh núi rừng chuyển màu một cách sinh động từ mùa này sang mùa khác. Sau những tháng nắng “cháy da, cháy thịt”, cả đất trời như đổi mới. Đây cũng là mùa của nhiều loại trái cây đặc sản chín rộ. Chỉ cần 1 ngày dạo chơi cũng đủ xua tan căng thẳng, mệt mỏi sau tuần làm việc” - anh Đăng Khoa (TP. Châu Đốc) chia sẻ.
Nói đến cảnh đẹp mùa mưa ở Tri Tôn, không thể thiếu khoảnh khắc ngắm mây. Nếu ở núi Cấm - "nóc nhà miền Tây", du khách có thể đứng tầm cao để nhìn mây bồng bềnh bao phủ cảnh vật lúc ẩn, lúc hiện, thì “săn mây” ở núi Cô Tô hay núi Dài của huyện Tri Tôn lại có nhiều góc tận hưởng hơn. Trên núi Cấm, vài cơn mưa ngang qua để lại cho người thưởng lãm cảm giác len lỏi trong sương mờ, còn ở đây, đứng ở tầm thấp, tầm cao, hay ngay dưới chân núi, sau cơn mưa chỉ chờ ánh nắng hửng lên là thấy mây vắt vẻo khắp nơi.
Không cần tốn tiền thuê phòng trên núi, dân bản địa rủ nhau lên đỉnh núi thật sớm để ngắm mây. “Cảm giác chờ đợi từ khi trời còn tờ mờ đến khi mặt trời ló dạng, cảnh trước mắt mỗi lúc một sáng, nắng lên đến đâu mây rõ nét đến đó, từng phút trôi qua cảnh vật thay đổi không ngừng. Bức tranh của thiên nhiên đẹp long lanh và sinh động, không ngày nào giống ngày nào, bởi vậy tôi lên đây hoài cũng không thấy chán” - anh Nguyễn Huy Vũ, ở thị trấn Tri Tôn chia sẻ. Còn với những du khách trên núi, thưởng thức bữa sáng trong ánh bình minh được đánh giá là trải nghiệm xứng đáng và hiếm có.
Sau vài năm bắt nhịp làm nông nghiệp song hành với phục vụ du lịch, chủ của những “vườn rừng” trên núi đã có thêm nguồn thu nhập lý tưởng. Cây ăn trái lâu năm chinh phục đất núi, những khoảng trống còn lại tận dụng để trồng rau, nhiều loại cây mới, làm nên mảnh vườn đa dạng và hấp dẫn. Khách du lịch đến đây có thêm sự trải nghiệm mới mẻ về thiên nhiên lẫn đời sống con người trên núi.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/den-tri-ton-ngam-ve-dep-mua-mua-a421294.html