Đến với bài thơ hay: Bản hòa ca tươi đẹp
Tác giả Nguyễn Bích Lan là một người khuyết tật biết vượt lên số phận, hướng đến tương lai tươi sáng và làm những việc có ích cho đời.
Nguyễn Bích Lan
Ngày mới
Tôi ra ngoài ngõ
Đón ngày của tôi
Thấy con chim nhỏ
Đánh rơi gió đồi
Tôi sang chợ gạo
Đong một mùa no
Thấy người ta gói
Thật thà đem cho
Tôi ra đồng xanh
Hái sương trên búp
Thấy nhựa đời tươi
Xôn xao mừng giúp
Tình tang tôi hát
Ru ngày của tôi
Tôi gánh tôi vác
Xênh xang lộc trời.
(Theo Sống trong chờ đợi, NXB Phụ nữ Việt Nam, trang 175).
Chị nổi tiếng bởi hàng trăm tác phẩm dịch. Năm 2010, chị vinh dự nhận giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam với tiểu thuyết “Triệu phú khu ổ chuột”.
Không chỉ dịch thuật bằng con đường tự học mà chị còn viết truyện, làm thơ. Những bài thơ của chị chứa chan tình yêu và niềm tin vào cuộc sống. Nổi bật như bài “Ngày mới” in trong tập truyện và thơ đầu tay “Sống trong chờ đợi” của chị đã để lại những ấn tượng sâu sắc với người đọc.
“Ngày mới” gợi niềm xúc động sâu xa về tình yêu cuộc sống của nhân vật trữ tình. Đặc biệt, khi biết tác giả của những vần thơ trong trẻo, tràn ngập cảm xúc yêu đời ấy vốn là một người phụ nữ kém may mắn, bị mắc bệnh loạn dưỡng cơ năm 13 tuổi, buộc phải nghỉ học thì ta càng cảm phục nghị lực phi thường của chị, ta càng thêm trân trọng những vần thơ của con người không đầu hàng số phận.
“Ngày mới” là một tứ thơ quen thuộc nhưng được Nguyễn Bích Lan thổi hồn vào từng câu từ. Mỗi vần thơ, mỗi hình ảnh như chứa chan hơi thở và tình yêu cuộc sống của tác giả. Phải là người rất lạc quan, tin yêu cuộc đời mới viết được một bài thơ trong trẻo, tràn đầy cảm xúc như thế.
Tình yêu cuộc sống của nhân vật trữ tình thể hiện qua không gian nghệ thuật độc đáo. Đó là không gian của ngày mới tràn đầy năng lượng sống tích cực.
Những câu thơ mở đầu mỗi khổ thơ đã diễn tả hành động của chủ thể trữ tình: “Tôi ra ngoài ngõ…”, “Tôi sang chợ gạo…”, “Tôi ra đồng xanh…”. Đó là những không gian quen thuộc, hiện thực của cuộc sống tươi đẹp ngoài kia. Người đọc hình dung một chủ thể trữ tình năng động, nhiệt thành với cuộc sống.
Đại từ nhân xưng “tôi” đứng ở vị trí đầu ba khổ thơ và được lặp lại sáu lần trong bài thơ cho thấy nhân vật trữ tình chủ động đón nhận những thanh âm của cuộc đời trong niềm vui hân hoan và trong niềm tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống: “Tôi ra ngoài ngõ/ Đón ngày của tôi…//Tôi sang chợ gạo/Đong một mùa no…//Tôi ra đồng xanh/Hái sương trên búp…//Tôi gánh tôi vác/Xênh xang lộc trời…”. Câu thơ ngắn, nhịp thơ dồn dập, giọng thơ sôi nổi khiến người đọc cũng hòa mình vào bản tình ca ngày mới.
Nhân vật trữ tình bộc lộ tình yêu dào dạt dành cho cuộc đời. Điều đó thể hiện qua niềm tin vào cuộc sống để tạo ra nguồn năng lượng sống trong mỗi con người: “Thấy con chim nhỏ/ Đánh rơi gió đồi…//Thấy người ta gói/Thật thà đem cho”. Ngôn từ thơ bình dị, mộc mạc nhưng cũng thể hiện sự sáng tạo của tác giả: “Đong một mùa no”, “Đánh rơi gió đồi”… Những câu thơ độc đáo ấy chứng tỏ tác giả có một trí tưởng tượng phong phú, bay bổng; tâm hồn tinh tế nhạy cảm và dụng công nghệ thuật.
Tình yêu cuộc sống của nhân vật trữ tình khiến bài thơ ngân lên những giai điệu đẹp về cuộc sống: “Tình tang tôi hát/Ru ngày của tôi”. Với thi sĩ, dường như mỗi ngày mới là một bản hòa ca mà mỗi chúng ta hãy tận hưởng theo cách riêng của mình. “Thơ ca là tiếng lòng người nghệ sĩ” (Diệp Tiến), do đó, bài thơ “Ngày mới” được tạo nên từ những cảm xúc, suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của Nguyễn Bích Lan. Những cảm xúc, suy nghĩ ấy được thể hiện một cách chân thành, tự nhiên, không gượng ép.
Tình yêu cuộc sống của nhân vật trữ tình được biểu hiện qua những hình thức nghệ thuật độc đáo: Thể thơ bốn chữ có nhịp điệu, nhạc điệu hồn nhiên và trong trẻo khiến bài thơ mang âm hưởng của một bài đồng dao. Hơn nữa, yếu tố tự sự và trữ tình kết hợp nhuần nhuyễn tạo sức hấp dẫn cho bài thơ, mang lại những dư âm cứ đọng mãi trong lòng người đọc.
Thơ Nguyễn Bích Lan mộc mạc, giản dị nhưng cái tình được cất lên từ đáy lòng chị, từ tâm hồn của một người yêu đời tha thiết – “một con người phi thường với ý nghĩa đẹp nhất của từ này xét về hoàn cảnh, nghị lực và sự cống hiến” (như nhà văn Dạ Ngân từng nhận xét). Lạc quan là trạng thái tâm hồn vô cùng quan trọng để chúng ta tiến lên phía trước, vượt qua muôn vàn chông gai, thử thách trong cuộc sống và tìm thấy được ý nghĩa cuộc đời, tin vào ngày mai tươi sáng.
Những vần thơ nhẹ nhàng, trong sáng của Nguyễn Bích Lan mang lại cho người đọc một cảm giác yên bình và thư thái. Bài thơ gợi lên trong tâm hồn chúng ta một cuộc sống an vui, giúp ta cảm nhận được vẻ đẹp giản dị và thanh bình của tạo vật, của cuộc đời. Những câu thơ này còn có thể giúp độc giả giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi để tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của thế giới xung quanh.
Bài thơ “Ngày mới” của Nguyễn Bích Lan đã gửi tới người đọc thông điệp về tình yêu cuộc sống, giúp ta biết yêu, biết trân trọng từng khoảnh khắc của cuộc đời, có thêm năng lượng sống tích cực mỗi ngày: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Cho ta thêm ngày nữa để yêu thương”.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-ban-hoa-ca-tuoi-dep-post705318.html