Đến với bài thơ hay: Hòa lòng mình vào sự sống bất tận
Nắng Xuân trong veo, làm nụ hoa cũng phấn khích xòe tay ra hứng. Gió Xuân thơm hương lá gọi mầm cây vươn theo.
Nguyễn Bao
Bước mùa Xuân
Bước mùa Xuân
Mưa giăng trên đồng
Uốn mềm ngọn lúa
Hoa xoan theo gió
Rải tím mặt đường.
Nụ xòe tay hứng
Giọt nắng trong veo
Gió thơm hương lá
Gọi mầm vươn theo.
Cỏ lặng dưới chân
Cũng xanh với nắng
Ven bãi phù sa
Dế mèn hắng giọng.
Chuyền trong vòm lá
Chim có gì vui
Mà nghe ríu rít
Như trẻ reo cười.
Đây vườn hoa cải
Rung vàng cánh ong
Hoa vải đơm trắng
Thơm lừng bên sông.
Mùa Xuân đang nói
Xôn xao thầm thì….
Chốn nào cũng gặp
Bước mùa Xuân đi.
Xuân về, đi dọc bờ sông Mã, đoạn chảy qua Yên Định, Thanh Hóa - quê hương nhà thơ Nguyễn Bao, ngắm nhìn bờ bãi ven sông, lắng nghe những âm thanh từ cánh đồng vàng nắng và hít hà hương thơm từ cỏ cây dịu ngọt, ta sẽ như cảm nhận rõ hơn cái nét tươi tắn, dung dị trong “Hoa chanh”, “Giọt nước và biển lớn”…
Và hơn hết, ta như thấy được sự chuyển mình trong “Bước mùa Xuân” của ông, bài thơ được đưa vào Sách giáo khoa Tiếng Việt 4 - Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Nhan đề “Bước mùa Xuân”, gợi cho chúng ta bước đi của mùa Xuân, khoảnh khắc mùa Xuân đang về khắp nơi nơi. Chỗ nào, nơi nào cũng có bóng dáng, sức sống, hương vị của mùa Xuân,...
Từ sự quan sát tinh tế của nhà thơ, mọi thứ như đang náo nức đón nhận những điều kì diệu mà mùa Xuân mang tới: Giọt mưa Xuân giăng trên cánh đồng uốn mềm ngọn lúa, làm cho cây được chải chuốt hơn, duyên dáng hơn. Nắng Xuân trong veo, làm nụ hoa cũng phấn khích xòe tay ra hứng. Gió Xuân thơm hương lá gọi mầm cây vươn theo. Mùa Xuân bước đến đâu cũng làm cho mọi vật hồ hởi khoe hương sắc.
Mùa Xuân đến làm cho mọi vật trở nên sống động hơn. Tác giả cảm nhận bước mùa Xuân đến bằng thị giác, thính giác và cả khứu giác nữa. Đó là những gam màu tươi tắn, êm nhẹ của màu tím hoa xoan, màu nắng trong veo, màu cỏ xanh, màu vàng cánh ong, màu hoa cải đơm trắng. Đó là hương thơm của lá, của hoa cải bên sông.
Đó là âm thanh của tiếng dế mèn hắng giọng, của chim ríu rít, âm thanh của mùa Xuân đang nói. Bước mùa Xuân đi thật nhẹ nhàng: Một bức tranh ấm áp, dịu dàng và trang nhã; hương thơm chỉ đủ để thoang thoảng đâu đây; và âm thanh nữa, chỉ “xôn xao, thầm thì”.
Không tràn đầy sức sống trào dâng như “Mùa Xuân nho nhỏ” của Thanh Hải:
“Mùa Xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa Xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao...”
Cũng không dồn nén, chậm rãi như ca từ trong “Mùa Xuân đầu tiên” của Văn Cao:
“Rồi dặt dìu mùa Xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa Xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng thôi, hôm nay mênh mông”.
Mùa Xuân trong “Bước mùa Xuân” của Nguyễn Bao đẹp ở sự nhẹ nhàng, dung dị:
“Đây vườn hoa cải
Rung vàng cánh ong
Hoa vải đơm trắng
Thơm lừng bên sông”.
Bằng biện pháp nhân hóa, tác giả đã thổi hồn vào từng sự vật, hiện tượng từ mùa Xuân cho đến mưa, nắng, gió, cỏ, cây, hoa, lá,… đều vui tươi, nhí nhảnh như các bạn trẻ vậy:
“Mưa giăng trên đồng
Uốn mềm ngọn lúa
Hoa xoan theo gió
Rải tím mặt đường”.
Như khao khát từ ngày nào, nụ hoa biết xòe tay hứng những giọt nắng Xuân trong veo. Gió mang trong mình hương thơm của lá, biết gọi mầm cây vươn theo mình, mau khôn lớn.
Không chỉ sử dụng biện pháp nhân hóa, tác giả còn khéo léo đan xen biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác. Thay bằng cảm nhận qua thị giác thì nắng lại có thể cảm nhận bằng bàn tay hứng từng giọt hẳn hoi (xúc giác): “Nụ xòe tay hứng/Giọt nắng trong veo”. Lẽ ra, gió chỉ cảm nhận bằng làn da (xúc giác) thì ở đây, những cơn gió Xuân có thể cảm nhận bằng khứu giác: “Gió thơm hương lá”. Thật tinh tế khi đối tượng đón nhận những cảm giác thú vị ấy là nụ, là mầm cây!
“Cỏ lặng dưới chân
Cũng xanh với nắng
…Đây vườn hoa cải
Rung vàng cánh ong”.
Hóa ra, cái màu xanh của cỏ cây kia là do nó say mê, quấn quýt lấy nắng; nó vì nắng mà xanh và màu vàng hoa cải là do nhiều ong đến lấy mật. Thật bất ngờ, mới lạ!.
Cái hay của bài thơ còn nằm ở sự chuyển động của vạn vật. Để biểu đạt sự chuyển động ấy, tác giả đã dùng hàng loạt động từ. Ngay tên bài thơ cũng bắt đầu bằng động từ “bước”. Tiếp đến, từng ý thơ luôn thôi thúc bởi những động từ thể hiện sự chuyển động nhẹ nhàng: Mưa giăng trên đồng/Uốn mềm ngọn lúa/Hoa xoan theo gió/Rải tím mặt đường…
Thể thơ bốn chữ với lối gieo vần cách: Tiếng cuối câu 2 gieo với tiếng cuối câu 4 (veo - theo). Tiếng thứ hai của câu 1 cùng thanh bằng với tiếng thứ hai câu 3 (xòe - thơm). Tiếng cuối câu 1 cùng thanh trắc với tiếng cuối câu 3 (hứng - lá)… Cách gieo vần như vậy trong thể thơ bốn chữ vừa gần gũi, thân thuộc theo lối hát vè, hát đồng dao truyền thống, thậm chí, trẻ em còn thích trình bày theo lối rap; vừa giúp người nghe cảm nhận được rõ hơn nhịp chuyển động, cái này tạo đà, thúc đẩy cái kia, làm cho nhịp điệu bài thơ cứ diễn ra hồn nhiên, liền mạch, nối tiếp.
“Nụ xòe tay hứng
Giọt nắng trong veo
Gió thơm hương lá
Gọi mầm vươn theo”.
Mỗi thời, mỗi đối tượng độc giả đều đón nhận ở Nguyễn Bao những nét đặc sắc riêng. Những vần thơ trong bài “Hoa chanh” như làm dịu đi sự khốc liệt của những năm tháng chiến tranh chống Mĩ ác liệt.
“Tháng Giêng được ngày nắng mới
Tóc em dài dịu mát màu xanh”.
(Nguyễn Bao - năm 1957)
Cho đến những vần thơ hồn nhiên như chính những câu đồng dao được cất lên từ miệng trẻ thơ:
“Suối gặp bạn rồi
Góp thành sông lớn
Sông đi ra biển
Biển thành mênh mông”.
(Giọt nước và biển lớn - Nguyễn Bao - in trong Tiếng Việt 2 - Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)
Đọc “Bước mùa Xuân”, ta như đang hòa lòng mình vào sự sống bất tận của mùa Xuân, đâu đâu cũng chuyển động, đâu đâu cũng mới mẻ, đâu đâu cũng háo hức:
“Mùa Xuân đang nói
Xôn xao thầm thì….
Chốn nào cũng gặp
Bước mùa Xuân đi”.
Thơ Nguyễn Bao là vậy, “hồn nhiên như cỏ cây, sông nước”, như nhà thơ Ngô Quân Miện từng nhận xét về thơ ông.
Người thơ đã đi xa. Chỉ còn lại những mùa Xuân bên dòng sông Mã, nơi mênh mông bờ bãi, nơi vi vu những âm thanh từ cánh đồng vàng nắng và hương thơm từ cỏ cây dịu ngọt. Tất cả đang cùng nhau hòa vào vũ điệu mùa Xuân.