Đến với bài thơ hay: Khúc tâm tình thiết tha

Nhà thơ Đỗ Trung Lai là tác giả của nhiều bài thơ hay, tình cảm, chứa đựng nhiều tâm sự, triết lý nhẹ nhàng với lời thơ tự nhiên, cô đọng.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

“Mẹ” là một trong những bài thơ như thế.

Đỗ Trung Lai

Mẹ

Lưng mẹ còng rồi

Cau thì vẫn thẳng

Cau - ngọn xanh rờn

Mẹ - đầu bạc trắng

Cau ngày càng cao

Mẹ ngày một thấp

Cau gần với giời

Mẹ thì gần đất!

Ngày con còn bé

Cau mẹ bổ tư

Giờ cau bổ tám

Mẹ còn ngại to!

Một miếng cau khô

Khô gầy như mẹ

Con nâng trên tay

Không cầm được lệ

Ngẩng hỏi giời vậy

- Sao mẹ ta già?

Không một lời đáp

Mây bay về xa.

Có thể nói, với một đề tài quá quen thuộc, Đỗ Trung Lai neo giữ tâm hồn những người yêu thơ với cách thể hiện riêng, nhưng rất chân thực. Bài thơ ngắn gọn, hình ảnh hàm súc nhưng là một khúc tâm tình quá đỗi thiết tha về mẹ.

Bài thơ “ Mẹ” được viết theo thể thơ 4 chữ, có 5 khổ, hình ảnh thơ giản dị nhưng đầy sức gợi. Bài thơ chỉ quay đi quay lại với hai hình ảnh: Mẹ trong tương quan với cau (cây cau, miếng cau). Rất nhiều bài thơ về mẹ có hình ảnh cau, nhưng hiếm những bài thơ cùng đề tài chỉ sử dụng duy nhất hình ảnh này. Hai khổ thơ đầu, hình ảnh mẹ và cau được nhìn trong mối quan hệ tương phản:

“Lưng mẹ còng rồi

Cau thì vẫn thẳng

Cau - ngọn xanh rờn

Mẹ - đầu bạc trắng”

Cau “vẫn thẳng”, “ngọn xanh rờn”, “ngày càng cao”, “ gần với giời” còn mẹ “còng rồi”, “đầu bạc trắng”, “ngày một thấp”, “gần đất”. Còn khổ thơ thứ ba, là sự thuận, nghịch ở hình ảnh miếng cau “bổ tư” vẫn còn bé, “bổ tám” lại “ngại to”:

“Ngày con còn bé

Cau mẹ bổ tư

Giờ cau bổ tám

Mẹ còn ngại to!”

Cái hay ở đây là, qua sự đối lập của hai hình ảnh ấy, chúng ta nhận ra được bước đi thời gian âm thầm mà nghiệt ngã. Không có một từ ngữ nào diễn tả cụ thể dòng thời gian trôi, nhưng cảm thức thời gian thật rõ ràng, tinh tế.

Người đọc cảm nhận được, cùng với thời gian, cây cau lớn lên, còn người mẹ ngày một già đi, yếu dần. Qua đó, ta thấy được sự xót xa của người con khi thấy mẹ mình chẳng thể thắng nổi quy luật của thời gian! Điều này được thể hiện rất rõ ở khổ thơ 4:

“Một miếng cau khô

Khô gầy như mẹ

Con nâng trên tay

Không cầm được lệ”

Cũng vẫn là hình ảnh cau, nhưng ở đây là “miếng cau khô” được nhìn trong mối quan hệ so sánh với “khô gầy như mẹ”. Hình ảnh người phụ nữ Việt với loài cây mang đậm văn hóa Việt gặp nhau ở hình ảnh khô gầy! Cây cau hấp thụ khí trời, nuôi dưỡng những quả cau xanh mướt, để lại cho người những miếng cau ngon, cùng với lá trầu, làm nên nét môi đỏ thắm, những mối thâm tình trong văn hóa người Việt.

Người mẹ một đời dành cả thanh xuân, chắt chiu sức lực, trí tuệ, tình yêu cho gia đình, con cái, chỉ còn lại tấm thân hao gầy! Như thế, chỉ với một hình ảnh so sánh, lời thơ cho chúng ta cảm nhận được sự hi sinh lặng thầm mà cao cả của người mẹ.

Cái hay, tính hàm súc của bài thơ cũng thể hiện ở thông điệp ý nghĩa sâu xa, tinh tế ẩn chứa sau lời thơ tự nhiên, bình dị. Thực ra, thông điệp này cũng đã ẩn chứa trong mối tương quan của hai hình ảnh mẹ và cau ở 4 khổ thơ, nhưng rõ nhất là ở khổ thơ cuối:

“Ngẩng hỏi giời vậy

- Sao mẹ ta già?

Không một lời đáp

Mây bay về xa.”

Chứng kiến sự lớn lên của cây cau qua năm tháng, nhà thơ cũng cảm nhận được sự vất vả, tảo tần của mẹ từ trẻ cho đến lúc già, yếu đi. Chỉ có một câu thơ nhắc đến nước mắt “không cầm được lệ” và câu hỏi không lời đáp “sao mẹ ta già?” nhưng xoáy vào lòng mỗi chúng ta sự xót xa, đau đớn.

Theo quy luật của thời gian, sẽ có một ngày mỗi chúng ta không còn được nhìn thấy mẹ. Mẹ về miền mây trắng, ta nhìn hàng cau trước sân mà hụt hẫng, đơn côi. Bởi thế, khi mẹ còn quanh quẩn với hàng cau, lá trầu, chúng ta hãy yêu thương và chăm sóc mẹ với những gì tốt nhất. Tâm tình và thông điệp của bài thơ được thể hiện ngắn gọn, bình dị mà sâu xa quá chừng!

Nhà thơ Đỗ Trung Lai trong một lần trả lời phỏng vấn, đã từng khẳng định: “Về hình thức, thơ là đỉnh cao của nghệ thuật ngôn từ”, hoặc “một câu, một tứ, một bài thơ hay có ảnh hưởng chẳng thua gì một cuốn văn xuôi hay… nó ngắn hơn văn xuôi rất nhiều” (tạp chí VHTT Số tháng 1/2024).

Cùng với lời tâm sự: Nhân một lần về phép, thấy mẹ lưng đã còng, tóc đã bạc, lui cui dưới hàng cau liên phòng, rớt nước mắt mà làm bài thơ này. Tất cả điều đó, tạo nên bài thơ với ngôn từ thơ tự nhiên, cô đọng, kiệm cả việc lựa chọn hình ảnh nhưng cách diễn tả tinh tế; để lại thông điệp nhẹ nhàng mà sâu sắc, giàu ý nghĩa.

Giữa rất nhiều bài thơ cùng đề tài, “Mẹ” vẫn mang nét đẹp riêng khó trộn lẫn. Bài thơ được đưa vào chương trình Ngữ văn lớp 7 (bộ sách Cánh Diều, tập 1 và bộ sách Chân trời sáng tạo, tập 2) thực sự đưa lại nguồn ngữ liệu tốt cho việc dạy và học, góp phần bồi dưỡng phẩm chất, phát triển kỹ năng cho các em học sinh.

Nguyễn Thị Hà (Giáo viên Trường THCS Sơn Kim, Hương Sơn, Hà Tĩnh)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-khuc-tam-tinh-thiet-tha-post715637.html