Đến với bài thơ hay: Ước vọng cuối cùng
Bài thơ 'Nụ hôn đầu' của tác giả Trần Thanh viết năm 1966, trên đường Trường Sơn.
Nụ hôn đầu
Nụ hôn đầu tôi không tặng người yêu
Mà tặng cho một người con gái
Mười bảy tuổi bước qua thời vụng dại
Khoác trên mình chiếc áo màu xanh.
Những ai từng đi qua chiến tranh
Chắc biết những trận bom tọa độ
Cả cánh rừng tan hoang loang lổ
Sau trận bom hủy diệt bạo tàn.
Khi khói bom nồng nặc chưa kịp tan
Người còn sống ra khỏi nơi ẩn nấp
Không sợ hãi, không vội vàng, hấp tấp
Tiếp tục làm nhiệm vụ được trên giao
Trước mắt tôi dưới gốc cây Sao
Đang quằn quại một cô gái trẻ
Máu loang khắp tấm thân mảnh dẻ
Chân đứt lìa đã buộc chặt ga- rô.
“Đừng… đưa … em đi, không… kịp… nữa… mô
Máu… đã cạn… em… không… còn… sức… nữa
Em… lạnh lắm… Hãy… ôm em… Em tựa
Em… nhờ anh… chuyển giúp… mẹ… vài lời…!”
Lời cuối cùng em nhắn mẹ qua tôi
Nghe thoảng như những lời của gió
“Anh ơi… em… người yêu… chưa có…
Phút… lìa đời… em muốn… được… anh hôn”
Nụ hôn đầu tôi đặt giữa Trường Sơn
Em gái xung phong tuổi vừa mười bảy
Đang lạnh dần trong tay tôi run rẩy
Mà trên môi thoảng nhẹ một nụ cười!
Trần Thanh năm nay 77 tuổi, hiện đang sinh sống tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh.
Ông không phải là nhà thơ, nhưng đứng trước một tình huống hy hữu xảy ra giữa Trường Sơn: Cô thanh niên xung phong bị thương nặng, trong giây phút hấp hối, muốn được anh bộ đội hôn, cảm xúc dâng trào, Trần Thanh xúc động ghi lại chuyện xảy ra với chính mình như một lời cảm phục, tri ân tới “Em gái xung phong tuổi vừa mười bảy” đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Đó cũng là lời tâm tình “gan ruột” của nhân vật xưng “tôi”, khi trao nụ hôn đầu không phải cho người yêu, mà cho người con gái khác.
Bài thơ mang dáng dấp một câu chuyện kể, có hoàn cảnh, cốt truyện, nhân vật, tình huống… Nhân vật trữ tình xưng tôi kể lại nguyên do vì sao “Nụ hôn đầu tôi không tặng người yêu/Mà tặng cho một người con gái”. Cách gợi mở vấn đề khá hấp dẫn, khiến người đọc cuốn ngay vào nội dung bài thơ.
Người được tôi tặng “Nụ hôn đầu” là cô gái thanh niên xung phong vừa tròn mười bảy tuổi. Chuyện xảy ra trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giữa rừng Trường Sơn. Hôm ấy, đế quốc Mỹ vừa đánh bom tọa độ hủy diệt “Cả cánh rừng tan hoang loang lổ”.
Những trận bom như thế diễn ra liên miên như cơm bữa và cái chết có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Sau mỗi đợt bom, những người còn sống vội vàng ra khỏi nơi ẩn nấp “Không sợ hãi, không vội vàng, hấp tấp”, tiếp tục làm nhiệm vụ mở đường, san lấp hố bom, để những đoàn xe nối nhau ra mặt trận.
Những trận bom hủy diệt của kẻ thù không tránh khỏi thương vong. Cô gái - nhân vật chính thứ hai của bài thơ bị thương rất nặng:
“Máu loang khắp tấm thân mảnh dẻ
Chân đứt lìa đã buộc chặt ga-rô”.
Biết mình không qua khỏi, cô gắng hết sức nói đứt quãng không thành câu, nhờ nhân vật trữ tình xưng “tôi” hai việc. Việc thứ nhất: “Em…nhờ anh… chuyển giúp… mẹ… vài lời...!” - Vậy là, trước lúc đi xa mãi mãi, điều cô lo lắng đầu tiên dành cho mẹ…
Việc thứ hai và là ước nguyện cuối cùng, cô nhờ anh bộ đội:
“Em… lạnh lắm… Hãy… ôm em… Em tựa…
Anh ơi… em… người yêu… chưa có…
Phút… lìa đời… em muốn… được… anh hôn”.
Nguyện vọng cuối cùng này của cô gái phải chăng chính là nhu cầu và khát vọng tình yêu, hạnh phúc? Bởi lẽ, cô chưa có bạn trai nên chưa được nếm trải “vị” của tình yêu.
Ta hiểu, cô gác chuyện riêng tư, tình nguyện ra chiến trường, những mong đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc. Bởi thế, lời khẩn cầu của cô gái trong tình huống cận kề cái chết vô cùng chính đáng. Nó vừa có ý nghĩa làm tôn lên phẩm chất cao đẹp của người con gái, vừa làm đầy lên khát vọng tình yêu hạnh phúc lứa đôi của tuổi trẻ.
Về phía người trai, trong tình huống ấy, anh không thể làm khác, nên không hề đắn đo, chấp nhận lời thỉnh cầu của cô gái, dù anh biết lẽ ra nụ hôn đầu đời anh phải dành tặng người anh yêu. Nhưng, thà anh có “lỗi” với người yêu chứ không thể có lỗi với người con gái đang cận kề cái chết. Và chắc chắn, người yêu của anh khi biết được tình huống này, cũng sẽ vui vẻ đồng tình với anh và càng yêu thương cảm phục anh hơn.
Hành động của anh là một hành động cao đẹp, bao dung, vị tha. Hành động ấy tuy không cứu sống được cô gái, nhưng ít nhất đã đem lại hạnh phúc cho cô. Hẳn cô ra đi sẽ thanh thản, mãn nguyện “Mà trên môi thoáng nhẹ một nụ cười” - nụ cười hạnh phúc, biết ơn.
Cảm động biết bao trước nghĩa cử cao đẹp của anh bộ đội. Chính những hành động anh hùng của những người như cô gái thanh niên xung phong và anh bộ đội đã tô đẹp truyền thống hào hùng của quân đội ta. Sự chiến đấu và hy sinh cao cả của họ đã giành lại hòa bình cho đất nước, hạnh phúc ấm no cho nhân dân.
Không cầu kỳ, kiểu cách, bài thơ “Nụ hôn đầu” của Trần Thanh kể lại một chuyện hy hữu xảy ra trong chiến tranh, tuy bi thương, nhưng giàu ý nghĩa và đậm chất nhân văn. Sức hấp dẫn của bài thơ là cảm xúc chân thành, sâu sắc, lời thơ giản dị, dễ hiểu mà lay động lòng người, lan tỏa đến người đọc niềm tin yêu, kính trọng về những người con trung hiếu. Bài thơ có một cái kết đẹp, tỏa sáng mà ám ảnh khôn nguôi:
“Nụ hôn đầu tôi đặt giữa Trường Sơn
Em gái xung phong tuổi vừa mười bảy
Đang lạnh dần trong tay tôi run rẩy
Mà trên môi thoảng nhẹ một nụ cười!”
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/den-voi-bai-tho-hay-uoc-vong-cuoi-cung-post650429.html