Đến với Trường Sa, vùng biển đảo tiền tiêu Tổ quốc
Đoàn công tác với sự tham gia của đông đảo cán bộ các ban ngành, giảng viên, học viên các trường đại học đi thăm quần đảo Trường Sa, các cụm Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật - nhà giàn DK1 từ 10/4 đến 15/4/2023.
Đoàn công tác đến với Trường Sa do Chuẩn Đô đốc, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Trần Ngọc Quyết làm trưởng đoàn.
Tham gia đoàn công tác có các đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Học viện An ninh Nhân dân, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Ngân hàng Agribank và một số đơn vị khác. Tham gia đoàn còn có đông đảo các đại biểu của các cơ quan thông tấn, báo chí và các giảng viên, học viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Đoàn cán bộ Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam nằm trong thành phần đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo Trung ương, do đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn.
Đồng chí Lê Mạnh Hùng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã thay mặt Lãnh đạo Trung ương Hội thăm, động viên quân, dân huyện đảo và Nhà giàn DK1/12, thăm và tặng Học bổng cho các thầy giáo, các em học sinh, các đồng chí cán bộ, chiến sĩ có nhiều thành tích trong học tập, rèn luyện. Cùng đi có đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Ban Thông tin - Tuyên truyền Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
Trước giờ khởi hành, đoàn công tác đã đến dâng hương Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma thể hiện dáng hình hiên ngang của 64 cán bộ, chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma.
Đúng 8 giờ ngày 10/4/2023, tàu KN491 kéo hồi còi dài chào đất liền để bắt đầu hành trình đến với biển đảo thân yêu. Suốt hải trình gần 2.000 km trên biển, đến với 5 điểm đảo gồm Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông A, Trường Sa và Nhà giàn DK1/12, đoàn công tác đã mang đến những tình cảm, những món quà thiết thực, cần thiết với đời sống sinh hoạt của quân và dân trên đảo như: máy lọc nước, tủ cấp đông, quạt điện, máy tính, máy in, nhu yếu phẩm, vườn rau xanh, học bổng, thẻ điện thoại... và hơi ấm của đất liền đến với quân dân huyện đảo và Nhà giàn DK1/12 - Tư Chính.
Đoàn công tác đã tham gia lễ chào cờ, duyệt đội ngũ các đơn vị quân đội tại đảo Trường Sa, đã tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo khu vực biển Cô Lin, Len Đao, Gạc Ma, dâng hương Tượng đài liệt sĩ, nhà Tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các ngôi chùa tại các đảo, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ phục vụ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Đoàn công tác đã trao cho Vùng 4 Hải quân, các điểm đảo và Nhà giàn DK1/12 các cuốn sách quý, đó là cuốn "Một số vấn đề lý luận, thực tiễn con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", cuốn "Vang vọng lời nước non" và đặc biệt là cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" với lời đề tặng của đồng chí Tổng Bí thư.
Trong suốt hành trình, đoàn cán bộ Hội Khuyến học Việt Nam đồng thời với việc thực hiện tích cực các nhiệm vụ chung của đoàn công tác đã đặc biệt chú ý đến các hoạt động giảng dạy, học tập của thầy và trò các trường tiểu học ở 3 điểm đảo có nhân dân sinh sống cũng như nắm tình hình học tập, rèn luyện của cán bộ, chiến sĩ.
Thay mặt Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Quỹ Khuyến học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã trao 100 suất học bổng, mỗi suất trị giá 2.000.000đ, tổng số tiền là 200 triệu đồng cho các cán bộ, chiến sĩ, các thầy giáo và học sinh tại các nơi đoàn công tác đến thăm và làm việc. Những lời thăm hỏi, động viên, những phần quà tặng của Hội Khuyến học Việt Nam đã góp phần lan tỏa tinh thần học tập, học tập suốt đời nơi đảo xa.
Cảm phục trước tinh thần chiến đấu hy sinh của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo, đồng chí Lê Mạnh Hùng đã thăm hỏi, trao quà tặng của đồng chí cho đồng chí trung tá Lê Minh Phúc, người đã bị thương trong trận chiến đấu trên biển và cho đồng chí thiếu tá Nguyễn Tiến Xuân - Trợ lý tác chiến Vùng 4 Hải quân.
Đồng chí Xuân là con của liệt sĩ Nguyễn Mậu Phong, một sĩ quan của Lữ đoàn 146 Hải quân đã anh dũng hy sinh cùng đồng đội khi chiến đấu để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong trận chiến không cân sức ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma.
Đến với Trường Sa lần thứ hai, đồng chí Lê Mạnh Hùng - người đã có thời gian dài tham gia Ban Chỉ đạo tuyên truyền về biển, đảo, đã từng làm Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình "Xuân Trường Sa" bày tỏ so với những chuyến đi đến quần đảo và các nhà giàn trên biển trước đây, hiện nay, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, sự chung tay giúp sức của nhân dân cả nước, các đảo đều được đầu tư, xây dựng cơ bản về điện, đường, trường, trạm... Cơ sở vật chất, các điều kiện sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ngày nay đã có rất nhiều thay đổi. Nhà cửa, các công trình đã được xây dựng chắc chắn, khang trang, cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp hơn hẳn trước đây, tình đoàn kết quân dân luôn được đề cao, rất gắn bó.
Khi được chứng kiến nhịp sống, cảm phục trước tinh thần làm việc, sẵn sàng chiến đấu trên biển đảo hiện nay, chúng ta thấy vững tâm, tin tưởng vào những người con của dân tộc nơi đầu sóng, ngọn gió. Mỗi hòn đảo, mỗi nhà giàn, mỗi con tàu, mỗi ngư dân trên vùng biển đều là những cột mốc sống, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những người lính Hải quân ngày đêm chắc tay súng là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân ngày đêm vươn khơi, bám biển.
Đêm Giao lưu văn nghệ 14/4/2023 ở thị trấn Trường Sa, chúng tôi ấn tượng với màn trình diễn bài hát "Quê em ở Trường Sa" của tốp ca thiếu nhi Trường Sa, những chủ nhân tương lai của biển đảo. Bài hát vang lên với những lời ca tha thiết: "Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển/ Tự hào em kể/ Quê em ở Trường Sa".
Cảm phục và tự hào với những cống hiến, hy sinh của những người chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa đang ngày đêm đóng góp công sức xây dựng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, thành viên đoàn công tác bày tỏ tâm nguyện sống tốt hơn, có trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước. Ai cũng thấm nhuần tinh thần "Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì cả nước" không chỉ là một câu khẩu hiệu mà là thực tế cuộc sống, là hành động của mỗi người.