'Đến vua cũng phải thèm!'

Trong tập tản văn Xin đi từ thơ ấu, khi viết về một món ăn dân dã của Huế, tác giả đã thốt lên: 'đến vua cũng phải thèm!'. Đọc xong tập sách, tôi tán đồng với tác giả, không chỉ vì một món ăn, mà vì thế giới của Huế được nhìn nhận qua một người phụ nữ rặt Huế - nhà báo Hoàng Thị Thọ.

 "Xin đi từ thơ ấu" với 20 tản văn báo chí về Huế của nhà báo Hoàng Thị Thọ vừa ra mắt bạn đọc. Ảnh: MT

"Xin đi từ thơ ấu" với 20 tản văn báo chí về Huế của nhà báo Hoàng Thị Thọ vừa ra mắt bạn đọc. Ảnh: MT

cái xứ sở mà hai triều vua: Nguyễn Tây Sơn và Nguyễn Gia Miêu đều chọn làm kinh đô ấy, từ phong cảnh, thổ nhưỡng, hoa trái, cỏ cây, chim chóc, con người, văn hóa, giáo dục đều khiến người ta mê mẩn, say đắm và luyến lưu không dứt.

Huế đẹp và thơ, Huế mộng mơ, Huế của thi ca nhạc họa, “Huế ăn hương mặc hoa”… là chuyện “xưa rồi Diễm”, vì nhiều người viết quá rồi. Nếu không khéo léo, thì sẽ bị trùng lặp, bị sáo mòn và xưa cũ. Tuy nhiên, Huế là một giá trị ngầm ẩn nhiều trầm tích và quặng vỉa mà nếu biết cách, người viết sẽ mang lại những cảm xúc mới mẻ cho độc giả từ những hạt vàng mười mà mình phát hiện được.

20 tản văn báo chí của tập Xin đi từ thơ ấu là những hạt vàng mười lấp lánh từ bàn tay người thợ chữ tinh nhạy trong phát hiện, tỉ mỉ trong miêu tả, chuẩn xác trong số liệu, giàu có trong ký ức, sôi nổi trong ý tưởng và đằm dịu trong cảm xúc.

Bên trong những hạt vàng mười đó là những nơi chốn, con người, văn hóa mà bạn khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu trên thế gian này, trừ Huế. Đó là nơi mà một vị vua xây lăng tẩm cho mình, vẫn không quên dành chỗ cho chim chóc: “Ta trồng nơi đây thật nhiều cây để gọi chim về. Chim nào thấy vui thì cứ đến ở”. Đó là nơi được mệnh danh là “Thành phố áo dài trắng” với“Con Đường Trắng”. Dòng thác trắng ấy đã làm chao lòng bao người, ngẩn ngơ bao lữ khách gần xa đến Huế rồi bịn rịn ra đi; khiến bao chàng trai cứ mãi ngóng đợi bên ngoài cổng chờ “em tan trường về…” để được “đưa em về dưới mưa…” mỗi khi nữ sinh Đồng Khánh tan trường. Đó là nơi có những khu nhà vườn - vườn nhà mà chỉ cần nghe đến cái tên thôi, cũng đủ khiến ta chết lịm: Thường Lạc Viên, Xuân Viên Tiểu Cung, Cát Hương Cư, Phú Mộng Viên, Tích Thiện Viên, Nhã Viên, Tịnh Gia Viên, An Lạc Viên… Đó là nơi có cả trên một ngàn món ăn cung đình và dân dã đầy hấp dẫn; có người phụ nữ khuê các viết nên cuốn sách dạy nấu ăn bằng 100 bài thơ tứ tuyệt Thực phổ bách thiên; có người đàn ông sở hữu hơn một vạn cuốn sách quý trong thư viện gia đình, có đôi vợ chồng nông dân suốt đời sống trên sông nước để gìn giữ rừng thiêng nơi rú Chá, có những tên tuổi làm nên phong cách Huế: Ưng Bình Thúc Dạ Thị, Trương Đăng Thị Bích, Hoàng Thị Cúc, Mai Thị Trà, Bửu Ý, Trịnh Công Sơn,...

"Xin đi từ thơ ấu" và "Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế" của nhà báo Hoàng Thị Thọ được ra mắt sáng 23/6. Ảnh: MT

"Xin đi từ thơ ấu" và "Ngày mai nhớ Huế về thăm Huế" của nhà báo Hoàng Thị Thọ được ra mắt sáng 23/6. Ảnh: MT

Đặc biệt, Trường Nữ trung học Đồng Khánh, nữ sinh Đồng Khánh trong trang sách của Hoàng Thị Thọ đã trở thành những giá trị tuyệt thế vô song. Bằng cái nhìn bên trong của người gắn bó với ngôi trường hồng này trong suốt cuộc đời với niềm vinh hạnh, tác giả đã nâng niu lưu giữ chất vàng mười của Đồng Khánh trong tim; rồi từ đó, kể lại, viết ra, sôi nổi, ngậm ngùi và thổn thức cùng nhịp đập của Đồng Khánh qua thăng trầm lịch sử. Từ ngòi bút của tác giả, Đồng Khánh hiện ra như là đặc trưng tính nữ Huế, là sự hoàn mỹ của triết lý giáo dục mang chân lý vĩnh hằng: học đi đôi với hành, thực tài thực học, công dung ngôn hạnh… Giá trị của Đồng Khánh được tái khẳng định ở các lần kỷ niệm 70 năm, 80 năm, 90, 95, 100, 105 năm. Qua trang viết của Hoàng Thị Thọ, mỗi lễ hội Đồng Khánh đều trở thành một Festival Đồng Khánh - độc đáo, đẹp đẽ và đầy kiêu hãnh.

Trong ký ức về Huế xưa, cảm nhận về Huế nay và mơ ước về Huế của tương lai, ta thấy một Hoàng Thị Thọ luôn đau đáu với với những giá trị văn hóa, giáo dục; trăn trở với việc giữ lấy cái đẹp của hồn cốt Huế từ gian bếp cho đến học đường. Làm thế nào để không chỉ là Kim Long, mà bất cứ nơi đâu, bất cứ người nào và cái gì của Huế cũng đều khiến du khách - những thượng đế giữa đời thường, sẽ hài lòng và tán thành với câu ca “trẫm thương trẫm nhớ trẫm liều trẫm đi” của người xưa; làm thế nào để người ta không chỉ “ôm ấp một tình yêu dịu ngọt” mà còn phải “hóa đá phía bên kia” một khi từng gặp Huế; làm thế nào để Huế mãi là nơi chốn dẫu đã từng là của vua, nhưng “đến vua cũng phải thèm”. Dường như tác giả gửi gắm tâm sự, tâm nguyện đó cho chúng ta - những người yêu Huế và những người đọc cuốn sách này.

Xin đi từ thơ ấu còn là đi lên từ cảnh nghèo khó thiếu thốn bao điều nhưng lại không thiếu nề nếp gia phong, đạo lý tốt đẹp trong đối nhân xử thế và tâm hồn lãng mạn trong cuộc sống của tác giả nói riêng và người Huế nói chung. Từ đó, hiện ra một Huế chân chất, giản dị, chắt chiu tằn tiện với mắm ruốc dưa cà nhưng lại cao sang thanh nhã trong đời sống tinh thần với thi ca nhạc họa, chim muông hoa cỏ. Đó cũng chính là “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” mà Thị Hoàng Thọ đã tái hiện trong cuốn sách với niềm trân trọng.

Trong bài viết về nhà vườn Huế, tác giả Hoàng Thị Thọ khẳng định: “Vẻ đẹp mộc là vẻ đẹp thật”. Đúng vậy! Mộc, không có nghĩa là thô tháp, mà là tự nhiên nhi nhiên; là miêu tả lại cái vẻ đẹp thiên phú, thiên bẩm, thiên chân của đất trời, cảnh quan và con người xứ Huế một cách chân thành, giản dị; cho dù có nói đến cái cao sang thì cũng là cao sang tự thân chứ không nhờ vào sự cầu kỳ, đài đệ, huê dạng, tỉa tót, vẽ vời. 20 tản văn của Xin đi từ thơ ấu mang vẻ đẹp mộc ấy - chân thật trong thông tin mang tính báo chí và ngập tràn cảm xúc chân thành trong những câu chữ thể hiện sự yêu mến, rung động, nhớ thương, cảm phục những thứ mà trời đất ban cho và con người tự làm nên ở xứ sở “đến vua cũng phải thèm” này.

Nguyễn Thị Tịnh Thy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/van-hoa-nghe-thuat/den-vua-cung-phai-them-142264.html