Đến Ximending, Đài Loan ăn 'mì đứng' hơn 40 năm tuổi

Gọi 'mì đứng' vì khách đến quán, mua mì xong, tản ra những vị trí xung quanh vừa đứng vừa xì xụp những sợi mì nhỏ như sợi chỉ có nước dùng sền sệt.

(SGTTO) – Gọi ‘mì đứng’ vì khách đến quán, mua mì xong, tản ra những vị trí xung quanh vừa đứng vừa xì xụp những sợi mì nhỏ như sợi chỉ có nước dùng sền sệt.

Chợ Ximending hay Tây Môn Đình nằm ở số 177, Đường Xining South, quận Wanhua, thành phố Taipei (Đài Bắc). Ngôi chợ được thành lập từ thời hòn đảo còn là thuộc địa của Nhật Bản. Tên gọi của nó bắt nguồn từ vị trí – bên ngoài cổng thành phía Tây của thành phố Đài Bắc. Ngày nay Ximending dường như trở thành biểu tượng văn hóa của Đài Bắc lấy cảm hứng từ Nhật Bản và là một trong những điểm tham quan du khách nhất định phải ghé khi đến vùng đất này.

Gọi là mì đứng vì sau khi mua xong, thực khách thường tìm chỗ vừa đứng vừa ăn mí. Ảnh: Tô Uyên

Gọi là mì đứng vì sau khi mua xong, thực khách thường tìm chỗ vừa đứng vừa ăn mí. Ảnh: Tô Uyên

Như tên gọi, chợ hoạt động nhộn nhịp nhất từ 18h hàng ngày. Đến chợ, bạn có thể tham gia, trải nghiệm hầu hết mọi dịch vụ từ xem phim, bar, pub… tuy nhiên mục đích chính của du khách đến đây thường là mua sắm và thưởng thức đặc sản. Trong danh sách các món nhất định phải thử ở chợ đêm, có một món mọi du khách đều được khuyến khích khi ghé Ximending – mì đứng.

Tên chính xác của quầy mì đứng ở Ximending là Ay Chung, tuy nhiên, do diện tích quán nhỏ, khách thường mua ở quầy, rồi dạt ra các chỗ trống lân cận, vừa đứng vừa ăn nên dần dần, quán ‘chết tên’ mì đứng với du khách Việt.

Tất cả món ăn đều được đựng chung trong nồi. Ảnh: Tô Uyên

Tất cả món ăn đều được đựng chung trong nồi. Ảnh: Tô Uyên

Quầy mì Ay Chung có diện tích khoảng 20 m2 và đều do những thanh niên trẻ đứng bán. Theo chia sẻ của hướng dẫn viên, quán mì này có tuổi đời khoảng 40 năm và chỉ bán đúng một món mì nấu cùng lòng già của heo. Quán mở cửa từ 9-21h hàng ngày. Riêng cuối tuần từ 9-23h, do người Đài Loan thường thức khuya hơn những ngày cuối tuần.

Món mì của quán có cách bán khá độc đáo, khách mua xếp hàng, báo số lượng, trả tiền, cầm phiếu, rồi lại gia nhập vào một hàng dài khác chờ đến lượt phục vụ mì. Khi đến lượt, thực khách sẽ được nhận những tô mì nóng rẫy từ tay các chàng trai trẻ, tiến tới quầy gia vị, thêm thắt tùy sở thích rồi dạt ra những chỗ trống gần đó thưởng thức.

Tô mì khá đơn giản với mì, nước dùng và lòng già của heo. Ảnh: Tô Uyên

Tô mì khá đơn giản với mì, nước dùng và lòng già của heo. Ảnh: Tô Uyên

Tô mì Ay Chung gồm những sợi mì nhỏ như sợi chỉ, nấu chung nước dùng có độ sệt và ăn cùng lòng già heo. Lòng già được xử lý kỹ, không có mùi mà dai giòn kết hợp cùng những cọng mì thấm đẫm gia vị; nước dùng sền sệt khiến bạn ăn hết một tô lại nghĩ ngay đến tô thứ hai. Tô mì hương vị đã khác, mà cách chế biến của món ăn cũng khác. Tất cả nguyên liệu được cho chung vào một nồi và cứ thế múc để phục vụ khách. Có thể nhờ vậy mà mì có độ nóng, sợi mì và cả ruột già đều thấm hương vị, xì xụp giữa không gian ngoài trời nên càng ngon. Mì được bán theo size lớn và nhỏ. Tô lớn có giá khoảng 60.000 đồng và tô nhỏ có giá khoảng 40.000 đồng.

Tô Huyền

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/den-ximending-dai-loan-an-mi-dung-hon-40-nam-tuoi/