Đến xứ sở có 1.400 ngôi chùa trong dịp lễ Okphansa
Lào dẫn đầu thế giới về tỉ lệ chùa trên tổng số dân bởi có tới 1.400 ngôi chùa, trong khi dân số chưa đến 7 triệu người.
Đoàn tăng sĩ đi khất thực ở Luang Prabang
Mặt trời chưa ló dạng, chúng tôi đã rời khách sạn Chanh Thaphome ở cố đô Luang Prabang (di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 1995) để đi dạo trên những con phố rợp bóng cây và chùa chiền như Phon Heuang, Chao Fa Ngum...
Wat Xieng Thong, một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Lào
Một cảnh tượng khiến những du khách lần đầu đến Luang Prabang ngạc nhiên: Nhiều phụ nữ địa phương mang theo những chõ xôi, bánh trái ra quỳ ở lề đường. Khi các nhà sư khất thực chầm chậm bước tới, các bà, các chị nâng thức ăn lên ngang trán, xá rất kính cẩn rồi đặt vào bình bát của họ. Sau khi nhận đồ cúng dường, các tăng sĩ đứng sang một bên, đọc kinh cảm ơn, chúc phúc những người hảo tâm.
Một phụ nữ vừa thu dọn chiếc chiếu và dụng cụ đựng thức ăn vừa cho hay, thông thường các nhà sư đi khất thực thành đoàn 3-4 người; còn những dịp lễ hội như hôm nay thì có tới mấy chục người. Dẫn đầu đoàn là những tăng sĩ lớn tuổi và cuối cùng là các chú tiểu.
Chúng tôi đến Lào đúng vào dịp lễ Okphansa (lễ mãn chay), mọi nhà đều cúng lớn, ban ngành chức năng thì tổ chức lễ hội tưng bừng. Một nghi thức quan trọng của lễ Okphansa là thả thuyền đèn trên sông Mê Kông.
Có nhiều kiểu dáng thuyền nhưng phổ biến nhất là thuyền hình tròn kết bằng bẹ chuối hoặc lá dừa, trang trí bằng nến và những đóa cúc vàng rực. Khi màn đêm buông xuống, phật tử lầm rầm khấn nguyện rồi thắp nến và thả cho thuyền trôi trên sông. Khúc sông nơi chúng tôi đứng ken dày những chiếc thuyền với ánh nến lung linh rất ấn tượng.
Anh Bun Thăm cho biết nghi thức này ngụ ý để cho đội thuyền đèn chịu mọi rủi ro thay cho con người. Một số phật tử khác thì nói đoàn thuyền sẽ đưa đường dẫn lối cho những linh hồn phiêu bạt đi đúng hướng, tìm được đường trở về trước khi cửa âm phủ đóng lại.
Kết thúc mùa chay là lễ hội đua thuyền lớn nhất nước Lào. Khúc sông Mê Kông rộn ràng tiếng trống, tiếng reo hò của các tay đua và cả biển người cổ vũ; tiếng khua đập vào nước ầm ào của mái chèo khi mọi người nín thở theo dõi các tay đua tràn trề sinh lực đẩy thuyền rẽ sóng lao về đích.
Theo nghệ sĩ Khamteum Soutthideth, mỗi năm, Lào có một mùa chay (từ tháng 8 đến tháng 10) để các tăng sĩ và phật tử nhìn lại quá trình tu hành của mình, học hỏi thêm để có thành tựu mới. Đây cũng là thời gian thích hợp nhất để nam giới bước vào giai đoạn tu hành.
“Trong cuộc đời người đàn ông ở Lào phải có ít nhất 6 tháng tịnh tu trong chùa để học hỏi Phật pháp, trui rèn đạo đức, báo hiếu ông bà, cha mẹ. Họ cũng có thể đi tu suốt đời theo nguyện vọng. Chỉ đàn ông mới được đi tu nên nhiều người nương náu cửa chùa vài năm với mục đích tu thế cho mẹ và chị em gái của mình”, anh Khamteum chia sẻ.
Không chỉ dâng vật phẩm cho các thầy tu đi khất thực, người Lào thường xuyên cúng dường ở chùa để các nhà sư không phải bận tâm đến chuyện cơm áo, chỉ chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp, thiền định; giảng dạy nhiều điều thiết thực, bổ ích cho phật tử.