Bức tranh tài chính của Đèo Cả hiện ra sao?

Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả thời gian qua nổi lên như một 'hiện tượng' của các doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. Liên tiếp trúng các gói thầu lớn và cũng là chủ đầu tư nhiều dự án 'khủng', bức tranh tài chính của doanh nghiệp này hiện ra sao?

Chủ yếu là nợ vay và thuê tài chính

Theo đó, bức tranh tài chính quý 1/2024 của Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) cho thấy, nợ phải trả ở mức 27.834 tỷ đồng. Quý 1/2024 ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của HHV đạt 690 tỷ đồng, tuy nhiên giá vốn hàng bán tăng 75 tỷ đồng so với quý 1/2023 nên lợi nhuận gộp của HHV còn 335 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí lãi vay tăng lên thành 208 tỷ đồng, cao hơn 45 tỷ đồng so với năm ngoái. Kết thúc tháng 3/2024, Đèo Cả báo lãi sau thuế 114 tỷ đồng.

Trong kỳ, nợ phải trả của HHV ở mức 27.834 tỷ đồng, trong khi đó, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 9.826 tỷ đồng. Chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu nợ phải trả của HHV là các khoản vay và nợ thuê tài chính với tổng số trên 20.000 tỷ đồng. Điều này lý giải việc HHV phải chi đến 208 tỷ đồng chi phí lãi vay trong quý 1/2024.

Hầm Đèo Cả do HHV đầu tư và vận hành thu phí

Hầm Đèo Cả do HHV đầu tư và vận hành thu phí

Một điểm đáng chú ý là tính đến ngày 31/3/2024, nợ ngắn hạn Đèo Cả ghi nhận 2.865 tỷ đồng, vượt 1.362 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn. Hệ số khả năng thanh toán hiện thời tài sản ngắn hạn/nợ ngắn hạn là 0,52.

Nợ dài hạn là vấn đề bình thường ở doanh nghiệp

Thông tin về bức tranh tài chính với nhiều mảng màu kém sắc, HHV cho hay các dự án hạ tầng giao thông do HHV đầu tư được triển khai qua hình thức hợp đồng BOT trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực (1/1/2021), gần như không có sự tham gia của vốn Nhà nước, phần vốn chủ sở hữu nhà đầu tư theo quy định từ 10 - 15% tổng mức đầu tư, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động khác.

Tại thời điểm 31/3/2024, HHV ghi nhận khoản dư nợ vay dài hạn gần 20.000 tỷ đồng. Đây phần lớn là các khoản đầu tư cho 3 dự án BOT: chuỗi hầm Đèo Cả - Cù Mông - Cổ Mã - Hải Vân; cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia; tỷ suất lợi nhuận các khoản đầu tư được Nhà nước đảm bảo ở mức 11-11,5%/năm.

Các dự án đều đã đưa vào khai thác, tạo ra nguồn thu ổn định và tăng trưởng đều hàng năm.

Cụ thể, doanh thu thu phí năm 2023 đạt 1.572 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Nguồn tiền, dòng tiền ổn định, lịch trả nợ đã được sắp xếp phù hợp với vòng thời gian thu phí hoàn vốn của dự án. Do đó, các khoản vay, lãi vay đều được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như lợi ích của cổ đông.

Theo HHV, các khoản nợ dài hạn là vấn đề rất bình thường ở các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án đầu tư hình thức PPP hiện nay, khi tổng mức đầu tư lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, tỷ lệ tham gia vốn của Nhà nước thấp, khả năng cho vay và lãi suất của ngân hàng khá cao.

Cũng theo HHV, từ nay đến năm 2025, Đèo Cả tham gia nghiên cứu đầu tư gần 300km đường cao tốc là các dự án Tân Phú - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương… với tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, HHV đang nghiên cứu đầu tư Dự án Metro 2 giai đoạn III TP.HCM có tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng

Công ty CP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu tư - thi công - quản lý vận hành các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam.

HHV đã tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng, như: chuỗi hầm Đèo Cả - Cổ Mã - Cù Mông - Hải Vân 2, dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/buc-tranh-tai-chinh-cua-deo-ca-hien-ra-sao-post576539.antd