Dẻo thơm một hạt…

Tới nay, Việt Nam đã đứng nhất nhì thế giới về lượng gạo xuất khẩu. Một số loại gạo được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá cao, trong đó có giống lúa ST25 - 'hoa hậu' gạo ở một số cuộc thi.

Tuy nhiên, Việt Nam còn nhiều loại gạo rất ngon khác, tiếc thay sản lượng lại thấp nên dần dà bà con nông dân ít trồng và ngành nông nghiệp cũng chưa có biện pháp nào giải quyết.

Người miền Bắc trước kia không ai không biết đến danh tiếng gạo Tám thơm Hải Hậu (Nam Định). Ngày tết biếu nhau cân Tám thơm thì quý hóa lắm. Khi cơm chín, mở vung ra, mùi thơm tràn trề cả con ngõ nhỏ. Nhưng nay, thương hiệu ấy cũng phôi phai.

Ai đã qua vùng Tây Bắc, chỉ cần một lần thưởng thức bữa cơm nấu bằng gạo Séng cù thì không thể nào quên. Hạt gạo nở bung nhưng không nát mà lại dẻo thơm trong vòm họng. Mấy năm nay, Séng cù được đưa về xuôi, bán trong siêu thị, nhưng số lượng cũng ít và do khâu quảng bá yếu nên không phải ai cũng biết.

Còn một loại gạo nữa, cũng ở phía Bắc, đó là Nếp cái hoa vàng, cả hàng trăm năm không có đối thủ, kể cả Nếp cẩm chắc cũng khiêm tốn xếp sau. Nhưng cả hai loại nếp “trời cho nông dân Việt” thì sản lượng cũng thấp, nên rồi bà con cũng ít trồng, thay vào đó là canh tác những loại lúa chất lượng thấp hơn nhưng năng suất lại cao hơn, mỗi năm cấy được 3 vụ, bán được nhiều tiền.

Miền Tây Nam bộ ruộng đồng bát ngát lại càng có nhiều giống lúa chất lượng. Trong đó, có một loại lúa hết sức đặc biệt, gọi là Lúa ma. Chúng sống âm thầm trong đất, đến mùa hạt sẽ nảy mầm rồi vươn cao. Nước lũ lên tới đâu thì cây lúa cũng ngoi theo tới đó. Hạt lúa vừa chín sẽ tự rụng khi có ánh nắng mặt trời. Vì thế, nông dân phải thức khuya chống xuồng ba lá vào ruộng thu hoạch và trở về nhà trước khi mặt trời mọc. “Nói chung loại lúa này có nhiều điểm kỳ lạ, bất thường như là ma vậy” - nông dân Đồng Tháp nói vui. Ấy vậy mà cách đây không lâu các nhà khoa học Nhật Bản đã tìm thấy một gen cực quý có trong Lúa ma mà họ lấy mẫu ADN tại tỉnh Tiền Giang.

Theo GS.TS Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long) thì nếu Lúa ma không quý giá thì các nhà khoa học Nhật Bản đã không phải bỏ ra rất nhiều tiền để bay sang Việt Nam ít nhất hai lần/năm, tìm từng bụi Lúa ma và lấy mẫu ADN mang về nước phân tích.

Trở lại với gạo chất lượng cao, người ta vẫn nói đó là xu hướng. Nghe thì biết vậy, nhưng chỉ riêng với những loại gạo “thuần Việt” kể trên, khôi phục và phát triển được cũng đã là thành công lớn, không cần phải cất công tìm kiếm, lai tạo ở đâu đó quá xa.

Minh Thủy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/deo-thom-mot-hat-5706316.html