Dẹp loạn YouTuber, Tiktoker: Phải có 'bộ lọc' thông thái

'Quyền lực mềm' của khán giả rất quan trọng. Người xem cần nghiêm túc hơn trong việc tham gia mạng xã hội, không dễ dãi trong chọn kênh cũng như nội dung xem/ nghe/ nhìn...

Bạn đọc Lưu Đình Long:

Trách nhiệm của mỗi người

Có một sự thật không thể phủ nhận, đó là người Việt khá hiếu kỳ. Thói quen này do nếp sống cộng đồng làng xã, truyền thống nghề nông hình thành, khó bỏ. Trong sự phát triển của công nghệ, có những người đã trở thành người sáng tạo nội dung chuyên nghiệp, trở nên nổi tiếng, kiếm được tiền do có lượng khán giả đông đảo. Tuy nhiên, do nắm được tính tò mò, sự hiếu kỳ của người Việt - khán giả của mình - nên rất nhiều YouTuber, TikToker đã xây dựng kênh theo kiểu "độc lạ", khai thác theo cách ồn ào, đẩy vụ việc đi xa.

Câu view, câu like, câu lượng người bấm theo dõi kênh qua các sản phẩm độc hại đang ngày càng phổ biến, phức tạp, khiến bất ổn xã hội.

Sử dụng mạng xã hội đã được quy định trong luật nhưng nếu chỉ dừng lại việc xử phạt khi có vi phạm nghiêm trọng, được phát hiện thì có lẽ không đủ sức ngăn chặn tình trạng YouTuber, TikToker bất chấp quy định, đi ngược lại văn hóa tốt đẹp để tiếp tục sản xuất những nội dung độc hại.

Thực tế, cơ quan chức năng cũng khó quản lý, giám sát hết tất cả các kênh mạng xã hội, nếu đó không phải là kênh nổi bật, có vấn đề nghiêm trọng. Do đó, "quyền lực mềm" của khán giả rất quan trọng. Chính người xem cần nghiêm túc hơn trong việc tham gia mạng xã hội, không dễ dãi trong chọn kênh cũng như nội dung xem/ nghe/ nhìn của mình. Ngoài tẩy chay kênh độc hại, có thể bày tỏ quan điểm bằng cách báo cáo với các nền tảng mạng xã hội thông qua công cụ report.

Dẹp loạn các kênh mạng xã hội độc hại cũng chính là làm trong sạch không gian mạng, để con cháu chúng ta được phát triển lành mạnh, văn minh, an toàn hơn. Đó là trách nhiệm không phải chỉ cơ quan hữu trách mà của chính mỗi người.

Nếu không chặn đứng “cơn say” view của những người sản xuất, đăng tải clip lên YouTube, TikTok, hệ lụy sẽ khó lườngẢnh: Hoàng Triều

Nếu không chặn đứng “cơn say” view của những người sản xuất, đăng tải clip lên YouTube, TikTok, hệ lụy sẽ khó lườngẢnh: Hoàng Triều

Bạn đọc Nguyễn Minh Út:

Đừng biến mình thành thủ phạm hoặc nạn nhân!

Hiện tượng mạng xã hội tập trung vào nhiều vấn đề tiêu cực, như: nói xấu, phỉ báng; vu khống, tin giả; kỳ thị dân tộc; kỳ thị giới tính... là một thực tế đang diễn ra. Người tham gia phải hết sức cảnh giác giữa thật giả, đúng sai, tốt xấu, để hành vi không trái với đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật hiện hành.

Mạng xã hội tốt hay xấu, người dùng có lợi hay hại còn tùy thuộc vào "bộ lọc" ứng xử người tham gia mạng xã hội.

Không ít người tham gia mạng xã hội luôn tìm kiếm những thông tin mang tính "hot". Với những thông tin "hợp khẩu vị"; họ không dừng lại mức độ like, mà tiếp tục comment, share, không cần biết việc này gây hiệu ứng xấu.

Người dùng mạng xã hội không có "bộ lọc" tốt, thường sa đà vào hai hiện tượng a dua và ganh tị.

Họ hùa nhau tâng bốc, ca ngợi hay bốc phốt, hạ nhục người khác, nhất là người nổi tiếng, người có địa vị xã hội.

Khi những ai đó là người nổi tiếng sơ suất một điều gì đó trong lời ăn tiếng nói, trong hành vi hay đề xuất mới lạ, mang tính đột phá, thì hay - dở, đúng - sai chưa cần biết, chỉ cần một người nào đó tìm ra một lý do để "nổ phát súng đầu tiên" thì đám đông nhào vô mắng chửi. Chửi hội đồng, chửi không chừa một từ thiếu văn hóa nào. Chửi vì ganh tị, thậm chí chửi cho… thỏa đam mê. Nói chung được dịp nào chửi thì không bao giờ đám đông từ chối. Hậu quả là bất đồng quan điểm trên mạng xã hội dẫn đến những cuộc "thượng cẳng tay, hạ cẳng chân" ngoài đời thật, thậm chí xảy ra án mạng. Nguy hiểm hơn, do bị "ném đá" hội đồng, có nạn nhân đã bị trầm cảm, nảy sinh ý định tự tử.

Giữa không gian vàng thau lẫn lộn, người đến với mạng xã hội càng phải thận trọng và tỉnh táo hơn.

Đi tìm sự thoải mái sau những giờ làm việc, học tập căng thẳng, trau dồi kiến thức, trao đổi quan điểm sống trên thế giới mạng để sống vui, khỏe là việc đáng khuyến khích nhưng sa đà vào thế giới ảo với nhiều hệ lụy là không ổn.

Tóm lại, nếu không tỉnh táo, không có một "bộ lọc" thông thái, quá sa đà vào mạng xã hội, chúng ta hoặc là thủ phạm hoặc là nạn nhân trong cuộc sống đời thường mà cái giá phải trả không hề nhỏ.

Nói "không" với thông tin bẩn

Hằng ngày, người sử dụng mạng xã hội đối diện với vô vàn thông tin tốt- xấu từ YouTube, Tiktok, Facebook... Có những nội dung rất đáng xem, bổ ích, cập nhật nhiều thông tin lành mạnh, giáo dục, nhân văn, mang đến nhiều kiến thức, hiểu biết cho người xem. Những clip giới thiệu về du lịch, thắng cảnh quê hương, con người, đất nước với nhiều thông tin về lịch sử, địa lý... rất giá trị, thể hiện trình độ, kiến thức và cách làm nghiêm túc của chủ kênh. Bên cạnh đó cũng có không ít thông tin xấu độc, lừa đảo, vô bổ, xâm phạm quyền cá nhân...

Nếu người sử dụng các trang mạng xã hội biết chọn lựa, chuẩn mực hơn trước các thông tin, thì chắc chắn các YouTuber, TikToker... "tào lao" ít có đất sống. Vậy nên, để "dẹp loạn" YouTuber, TikToker quấy nhiễu cuộc sống, trước hết mỗi người hãy nói không với các tài khoản YouTuber, TikToker câu view, câu like bất chấp đạo lý và pháp luật.Thanh Vân

Huỳnh Hiếu ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dep-loan-youtuber-tiktoker-phai-co-bo-loc-thong-thai-196240531205041844.htm