Đẹp mê hồn cảnh vựa muối lớn nhất miền Bắc tất bật vào mùa thu hoạch
Giữa cái nắng Hè 'gay gắt', người dân xã Bạch Long, huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) vẫn cần mẫn thu hoạch và chuẩn bị cho mẻ muối tiếp theo. Không chỉ vậy, cánh đồng muối Bạch Long cũng lọt vào Tốp cánh đồng muối đẹp nhất của khu vực miền Bắc với khoảng 1.000 hộ dân tham gia nghề làm muối.
Cánh đồng muối xã Bạch Long, huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) từ xa xưa vốn là vùng đất được bãi biển bồi đắp thêm. Người dân từ khắp mọi miền tổ quốc về đây sinh sống, lập làng, lập xã ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược. Đến nay, xã Bạch Long đã trở thành vùng đất màu mỡ với nghề chính là nghề làm muối.
Để biến nước biển thành những hạt muối trắng tinh là cả một quá trình lao động cực nhọc. Người làm muối bắt đầu ra đồng từ sáng sớm, khi mặt trời còn chưa mọc và kết thúc ngày làm việc khi chiều tối, lúc mặt trời đã lặn. Cách làm muối ở Bạch Long không phơi trực tiếp nước biển như ở miền Trung hay miền Nam mà làm bằng phương pháp phơi cát.
Vào buổi sáng sớm, người dân xã Bạch Long vác cuốc, xẻng để bắt đầu phơi cát, rưới nước biển trong âm thanh xì xào của gió biển, tới buổi xế chiều đây là thời điểm những người dân sẽ dùng bạt để lượm những mẻ muối no nắng, và dùng xẻng để xúc lên xe kéo để trở về kho.
Chia sẻ với phóng viên, người dân xã Giao Thủy (Nam Định) cho biết: "Bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 6, khi những ngọn gió nồm thổi về và nắng vàng gay gắt là thời điểm thuận lợi nhất để làm ra được những hạt muối trắng to, đậm vị và chắc nhất. Chính vì vậy, những ngày này, ai nấy cũng đều tấp bật lao động để làm ra những hạt muối tinh khiết".
Gắn bó với nghề làm muối hơn 20 năm, ông Kiệt (60 tuổi, xã Bạch Long) chia sẻ, để làm ra những hạt muối tinh khiết thì người dân phải ra ruộng từ lúc mặt trời chưa ló, tất bật làm việc và trở về nhà khi buổi chiều muộn.
Ông Kiệt cho biết, công đoạn đầu tiên để làm muối là phải múc nước biển dẫn vào khe giữa ruộng cát. Nước biển theo đó thẩm thấu vào luống cát giống. Sau khoảng nửa ngày, khi ruộng cát chuyển màu sẫm do lớp muối bám chặt, chúng tôi bắt đầu gom cát lại, lọc cùng nước biển. Sau đó là công đoạn phơi nước chạt, thu hoạch muối.
"Làm việc cực nhọc cả ngày, có lẽ niềm vui nhất đối với những người làm muối là nhìn thấy những hạt muối trắng tinh khiết khi nước biển đã bốc hơi. Sau đó, muối sẽ được chúng tôi thu hoặc và cho vào nhà kho để bảo quản chờ xuất. Vụ muối năm nay được giá hơn những năm trước, giá dao động từ 2.000 - 3.000 đồng/kg", ông Kiệt nói thêm.
Bà Hoàng Minh Hồng (54 tuổi) - người dân làm muối ở xã Bạch Long chia sẻ: "Trước đây, xã Bạch Long là một trong những khu vực có cánh đồng muối to nhất ở miền Bắc. Sản lượng thu hoạch muối ở đây lên tới hàng chục nghìn tấn. Tuy nhiên, những năm gần đây, trên cánh đồng muối bạt ngàn ngày càng vắng bóng dáng diêm dân, bởi thu nhập mang lại từ nghề muối khá ít ỏi. Những người còn mặn mòi với nghề này hầu như chỉ còn những người lớn tuổi làm nghề lâu năm. Không chỉ vậy, muối làm ra còn phải chịu ép giá của các lái buôn".
Bà Hồng tâm sự: "Nghề làm muối vất vả, người dân làm muối ngày ngày phơi người ở vựa muối. Những ngày nắng, lượng muối làm ra tương đối nhiều, giá cả lại giảm, người dân vất vả còn thua lỗ. Mà khi thời tiết mưa nhiều, ít nắng thì muối mất mùa, khi đó giá muối lại được các tiểu thương đôn lên cao mà không có để bán. Vậy nên bao nhiêu năm, người làm muối vẫn cứ quanh quẩn với cái nghèo".
Để hỗ trợ người dân giữ và duy trì nghề làm muối, UBND xã Bạch Long đã cho quy hoạch lại vùng sản xuất muối. Đối với những vùng sản xuất kém hiệu quả được đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sang đất trồng hoa màu, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, địa phương cũng đề ra chỉ tiêu 10 nghìn tấn/ năm và hỗ trợ đưa muối về cơ sở sản xuất muối sạch.
Hình ảnh người dân xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định thu hoạch muối
Dù cuộc sống lao động làm muối rất nhọc nhằn nhưng những người dân xã Bạch Long vẫn gắn bó với nghề, cần cù làm ra những hạt muối trắng tinh cho đời. Cánh đồng muối Bạch Long nằm cách thành phố Nam Định khoảng 60 km, cách thủ đô Hà Nội hơn 100 km.
Là vùng ven biển với nguồn nước mặn dồi dào nên Bạch Long không có nghề trồng lúa nước như các vùng quê khác mà là xã độc canh nghề làm muối. Để trải nghiệm nghề làm muối, du khách nên đi vào mùa Hè, từ tháng 4 đến tháng 7 để có được những bức ảnh đẹp với đồng muối cùng những người dân cần cù lao động.