Dẹp nạn chăn dắt ăn xin (*): Cần giải pháp đồng bộ, triệt để

Chỉ khi có sự chung tay của các cấp chính quyền, ban ngành chức năng và toàn thể người dân, mới có thể đẩy lùi được nạn chăn dắt ăn xin

Từ ngày 19-6 đến nay, Báo Người Lao Động mở diễn đàn "Dẹp nạn chăn dắt ăn xin" và đã nhận được sự tham gia đề xuất nhiều giải pháp của bạn đọc.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Nạn chăn dắt ăn xin không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn là một vấn nạn xã hội nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự và cuộc sống của người dân. Để giải quyết triệt để, theo bạn đọc, cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng, khả thi và hiệu quả, bao gồm sự tham gia tích cực và trách nhiệm của nhiều bên liên quan.

Trước tiên, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, giám sát và ngăn chặn nạn chăn dắt ăn xin.

Địa phương cần thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, rà soát các khu vực có người ăn xin tụ tập. Nên thiết lập các đội tuần tra chuyên trách có nhiệm vụ liên tục giám sát và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

Công an làm việc với những người lang thang, không giấy tờ. Ảnh: MINH TÂM

Công an làm việc với những người lang thang, không giấy tờ. Ảnh: MINH TÂM

Bên cạnh đó, xây dựng các kênh thông tin để người dân có thể phản ánh tình trạng chăn dắt ăn xin một cách nhanh chóng và thuận tiện. Điều này sẽ giúp chính quyền kịp thời nắm bắt và xử lý các vụ việc phát sinh.

Công an TP HCM cũng có vai trò quan trọng trong việc điều tra, truy quét và xử lý hình sự các đối tượng chăn dắt người ăn xin.

Cần lập các chuyên án điều tra sâu rộng để truy tìm và triệt phá các đường dây chăn dắt ăn xin; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác để thu thập chứng cứ, bắt giữ và đưa ra xử lý các đối tượng vi phạm.

Xây dựng, ban hành chính sách, chương trình

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM cần chủ động xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ, tái hòa nhập cho người ăn xin và người lang thang. Lập danh sách, phân loại các đối tượng để có biện pháp hỗ trợ phù hợp như đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm, cung cấp chỗ ở tạm thời và chăm sóc y tế.

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với các tổ chức xã hội, đoàn thể để vận động, tuyên truyền người dân không cho tiền trực tiếp người ăn xin.

Đặc biệt, chính quyền TP HCM cần ban hành các chính sách, quy định cụ thể để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nạn chăn dắt ăn xin.

Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này. Định kỳ có đánh giá, rút kinh nghiệm, điều chỉnh các biện pháp để đạt được hiệu quả cao nhất.

Về phía người dân, cần nâng cao ý thức và trách nhiệm trong việc chung tay giải quyết nạn chăn dắt ăn xin. Cần hiểu rằng việc cho tiền trực tiếp người ăn xin không phải là cách giúp đỡ hiệu quả, mà ngược lại còn gián tiếp tiếp tay cho các đối tượng chăn dắt.

Thay vào đó, người dân có thể đóng góp vào các tổ chức từ thiện uy tín, giúp đỡ người khó khăn một cách bền vững và hiệu quả hơn.

Người dân cũng cần tích cực tham gia các hoạt động giám sát, phản ánh kịp thời các trường hợp chăn dắt ăn xin cho các cơ quan chức năng. Có thể thông qua các ứng dụng di động, đường dây nóng hoặc các kênh thông tin khác để báo cáo nhanh chóng, chính xác.

Siết ăn xin đường phố bằng luật

Để giải quyết nạn ăn xin trên đường phố, các quốc gia đã áp dụng nhiều biện pháp, bao gồm cả hình phạt và các biện pháp hỗ trợ.

Tại Mỹ, một số bang cấm hoàn toàn việc ăn xin. Ví dụ tại San Francisco, bang California, ăn xin bị cấm tại các địa điểm công cộng như giao lộ, trạm xe buýt và ga tàu điện ngầm. Người vi phạm có thể bị phạt tới 500 USD (khoảng 12,7 triệu đồng) hoặc bị bắt giữ.

Tại Pháp, người ăn xin có thể bị phạt tới 375 euro (10,2 triệu đồng) nếu có hành vi quấy rối. Ăn xin tại ga tàu cũng bị cấm và có thể bị phạt lên đến 750 euro (khoảng 20,4 triệu đồng). Bên cạnh đó, việc ép trẻ em ăn xin là phạm tội hình sự. Theo trang Streetchildren.org, nếu trẻ em dưới 6 tuổi bị ép ăn xin thì người phạm tội bị phạt tiền lên tới 100.000 euro (khoảng 2,7 tỉ đồng) và 7 năm tù.

Theo Bộ Luật Hình sự Nhật Bản, những người ăn xin có thể bị phạt nếu họ có hành vi gây cản trở trật tự công cộng hoặc quấy rối người khác. Tại Tokyo, việc ăn xin tại các ga tàu điện ngầm và khu vực đông người có thể bị xem là hành vi gây cản trở trật tự công cộng và người vi phạm có thể bị phạt tới 20.000 yen (khoảng 3,2 triệu đồng).

Còn tại Trung Quốc, tình trạng ăn xin bị cấm và những người vi phạm có thể bị phạt tiền hoặc bị giam giữ. Chính phủ thực hiện các chiến dịch nghiêm ngặt dẹp nạn ăn xin, đặc biệt là trước các sự kiện lớn.

Trong nỗ lực giải quyết nạn ăn xin, các quốc gia cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ xã hội cho người nghèo và vô gia cư như cung cấp thực phẩm, y tế, hỗ trợ việc làm, tài trợ các chương trình nhà ở giá rẻ và nhà ở tạm thời cho người vô gia cư.

Việc giải quyết nạn ăn xin đường phố có sự phối hợp đồng bộ giữa các biện pháp thực thi pháp luật, hỗ trợ xã hội và nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Xuân Mai

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-6

Huỳnh Hiếu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dep-nan-chan-dat-an-xin-can-giai-phap-dong-bo-triet-de-196240621205218415.htm