Dẹp nạn chăn dắt ăn xin: Đừng giơ cao đánh khẽ!

Dẹp nạn chăn dắt ăn xin không thể làm theo phong trào, các đợt ra quân mà cần kế hoạch dài hạn, liên tục; sự phối hợp, đồng lòng giữa người dân và chính quyền

Bạn đọc Chung Quỳnh Thảo Nghi:

Chính quyền cần kiên trì, quyết tâm

Không khó bắt gặp hình ảnh trẻ em tụ tập ăn xin ở các giao lộ tại TP HCM. Ai cũng hiểu đằng sau những đứa trẻ đáng thương ấy là đường dây chăn dắt tinh vi và tàn nhẫn. Những gì đang diễn ra cho thấy có hẳn một quy trình chặt chẽ, có tổ chức của những kẻ chăn dắt trẻ ăn xin.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã nỗ lực xử lý. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em ăn xin sau khi được đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội, chỉ cần người thân bảo lãnh là các em lại được đưa về và quay lại "nghề" cũ. Tệ nạn chăn dắt trẻ ăn xin vẫn tồn tại, nhiều nơi còn ngang nhiên hoạt động.

Nguyên nhân có lẽ không chỉ đơn thuần là mưu cầu về quyền lợi của những kẻ tổ chức đường dây chăn dắt trẻ ăn xin. Sự thiếu sâu sát của chính quyền cơ sở nơi xuất hiện tình trạng này, sự thờ ơ của cộng đồng xung quanh những gia đình có trẻ ăn xin, cơ chế phối hợp thiếu chặt chẽ của chính quyền tại các địa bàn diễn ra tệ nạn này là một trong số những nguyên nhân cần phải nói đến.

Để xử lý tệ nạn này cần có chế tài đủ mạnh cũng như sự kiên trì, quyết tâm của chính quyền địa phương. Việc "thu gom", quản lý trẻ ăn xin cần được thực hiện thường xuyên tại các địa điểm công cộng, nhất là những nơi có khả năng tập trung người ăn xin. Xử lý nghiêm đối tượng bảo kê, chăn dắt theo quy định của pháp luật.

Cùng với đó, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của người dân để họ kịp thời can thiệp, tố cáo hành vi chăn dắt trẻ ăn xin.

Trẻ ăn xin ở đoạn giao lộ Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc TP HCM - Dầu GiâyẢnh: Anh Vũ

Trẻ ăn xin ở đoạn giao lộ Mai Chí Thọ - đường dẫn cao tốc TP HCM - Dầu GiâyẢnh: Anh Vũ

Bạn đọc Nguyên Văn:

Tình thương phải đặt đúng chỗ

Nhiều kẻ chăn dắt ăn xin đã lợi dụng lòng tốt của mọi người nhằm trục lợi bất chính. Chúng bắt những đứa trẻ đội nắng đi xin tiền ở các ngã ba, ngã tư hoặc bắt những người khuyết tật đi bán tăm bông ngoài phố để kiếm chác. Thậm chí, nhiều kẻ còn tự giả dạng thành người khiếm khuyết hay đang gặp hoàn cảnh éo le để xin hỗ trợ, xin tiền xăng xe... Đủ thể loại lừa đảo đánh vào tâm lý thương người.

Với truyền thống "lá lành đùm lá rách", "tương thân tương ái" thì việc người dân cho tiền người ăn xin là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thiện không đúng chỗ là ác. Việc cho tiền những đối tượng ăn xin ở trên đường phố đã vô tình tiếp tay cho nạn chăn dắt tồn tại, những đứa trẻ đáng thương, những người khuyết tật tiếp tục làm "cần câu cơm" cho những kẻ bất lương.

Vì vậy, muốn dẹp nạn chăn dắt ăn xin, cần bắt đầu từ hành động nhỏ nhất chính là "không hành động": không cho tiền các đối tượng thường xuyên ngồi ở các ngã ba, ngã tư xin ăn.

Tiếp theo, cần phản ánh ngay với cơ quan chính quyền gần đó để có biện pháp xử lý hiện tượng chăn dắt ăn xin cũng như điều tra, hỗ trợ những hoàn cảnh thật sự cần giúp đỡ.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần thường xuyên thống kê tình hình lao động trên địa bàn, có phương án hỗ trợ tạo việc làm với những hoàn cảnh khó khăn, thất nghiệp. Thành lập các quỹ bảo trợ xã hội, kiểm tra, giám sát thường xuyên, bảo đảm sự minh bạch trong công tác thu chi ở các quỹ phúc lợi xã hội...

Dẹp nạn chăn dắt ăn xin không thể làm theo phong trào, các đợt ra quân mà cần kế hoạch dài hạn, liên tục. Việc phối hợp, đồng lòng giữa người dân và chính quyền trong vấn đề này sẽ giúp nâng cao hiệu quả, hạn chế tình trạng "bắt cóc bỏ dĩa" như hiện nay.

Huỳnh Hiếu ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dep-nan-chan-dat-an-xin-dung-gio-cao-danh-khe-196240619201037246.htm