Dệt may Huế: Bất chấp khó khăn toàn ngành, báo lãi quý 2/2023 tăng gấp đôi năm ngoái
Mặc dù toàn ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng, Công ty Cổ phần Dệt may Huế cho biết lợi nhuận quý 2/2023 tăng gần gấp đôi năm ngoái. Đáng chú ý, Dệt may Huế vừa chia cổ tức năm 2022 với tỷ lệ lên đến 72%.
Công ty Cổ phần Dệt may Huế (mã cổ phiếu: HDM – sàn: UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với các kết quả kinh doanh khả quan. Theo đó, doanh nghiệp dệt may này ghi nhận doanh thu thuần hơn 319 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán có tốc độ giảm nhanh hơn, giúp lợi nhuận gộp của Dệt may Huế vẫn giữ ở mức tương đương quý 2/2022. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ mức 9,9% lên 16,7%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp của Dệt may Huế trong quý 2/2023 cũng đã giảm mạnh, lần lượt giảm 45% và 33% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng chi phí tài chính lại tăng 42%, chủ yếu do chi phí lãi vay tăng đột biến; bù lại, doanh thu tài chính của doanh nghiệp này đã tăng gần 25%.
Kết thúc quý 2/2023, Dệt may Huế ghi nhận lãi ròng hơn 25 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Ban lãnh đạo doanh nghiệp cho biết kết quả này đến từ việc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất giúp giảm sâu tỷ trọng giá vốn hàng bán/doanh thu thuần.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Dệt may Huế ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 923 tỷ đồng và lãi ròng đạt 46,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 18% và giảm 35% so với cùng kỳ năm trước; chủ yếu do kết quả kinh doanh quý 1/2023 kém khả quan. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, doanh nghiệp này hiện thực hiện được 56% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Đây được xem là những kết quả kinh doanh đáng khích lệ trong bối cảnh toàn ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt tình trạng thiếu hụt đơn hàng, sức mua tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm xuống thấp.
Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm nay ước đạt 18,6 tỷ USD, giảm 17,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, xuất khẩu sang các thị trường lớn trong 5 tháng đầu năm hầu hết đều giảm; trong đó, Hoa Kỳ giảm 27,1%; Liên minh châu Âu giảm 6,2%; Hàn Quốc giảm 2%; Canada giảm 10,9%...
Xem thêm: "Tăng trưởng ngành dệt may Việt Nam giảm tốc, vướng điểm nghẽn Dệt nhuộm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
VITAS cũng cho biết tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài đến hết năm 2023 trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa đủ đơn hàng cho quý 3 và quý 4/2023. Đồng thời, đơn giá giảm sâu, thậm chí giảm đến trên 50% so với thông thường. Do đó, ngành dệt may Việt Nam khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 45 - 47 tỷ USD trong cả năm nay.
Đáng chú ý, bất chấp các khó khăn chung của toàn ngành, Dệt may Huế vừa tiến hành chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 40%, tương ứng cổ đông sở hữu 01 cổ phiếu HDM được nhận 4.000 đồng cổ tức. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng phát hành hơn 4,87 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 theo tỷ lệ 100:32, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu HDM được nhận thêm 32 cổ phiếu mới.
Như vậy, tổng mức cổ tức năm 2022 của Dệt may Huế lên đến 72% - mức cao nhất kể từ khi cổ phiếu HDM được chính thức niêm yết trên sàn UPCoM vào năm 2009. Trước đó, vào năm 2022, doanh nghiệp này cũng chia cổ tức của năm 2021 với tỷ lệ 60%, bao gồm 15% bằng tiền và 45% bằng cổ phiếu. Dự kiến cổ tức năm 2023 sẽ ở mức 30%.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 19/7, giá cổ phiếu HDM của Dệt may Huế đạt 26.200 đồng/cổ phiếu; tăng 93% so với thời điểm đầu năm nay. Đáng chú ý, thanh khoản của cổ phiếu HDM đã tăng mạnh kể từ cuối tháng 5/2023 đến nay.
Theo VITAS, hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam chịu tác động tiêu cực từ các khó khăn kinh tế trên toàn cầu cũng như đến từ áp lực “xanh hóa”, hoạt động tra soát chuỗi cung ứng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), EU và luật Thẩm định chuỗi cung ứng của Đức (có hiệu lực từ ngày 1.1 năm nay).
Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam cho biết đặc điểm lớn nhất của ngành dệt may từ quý 4/2022 đến 6 tháng đầu năm nay là đơn hàng rất manh mún, nhỏ lẻ.