Dệt may hướng đến mục tiêu 48 tỷ USD trong năm 2025

Nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đổi mới công nghệ, tận dụng tốt sự dịch chuyển đơn hàng giúp ngành dệt may cán đích mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng hơn 11% so với năm 2023 và sẵn sàng chinh phục mục tiêu 48 tỷ USD cho năm 2025 sắp tới.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU tại Công ty may Maxport Thái Bình. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU tại Công ty may Maxport Thái Bình. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Tận dụng cơ hội

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) thông tin, xét tổng thể, năm 2024, sức tiêu dùng hàng dệt may trên toàn cầu không tăng, nhưng xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn ghi nhận những kết quả tích cực. Cụ thể, sau một số biến động về địa chính trị, từ giữa năm 2024, chuỗi cung ứng dệt may có xu hướng dịch chuyển sang các địa điểm ổn định hơn. Nhờ năng lực sản xuất và điều kiện chính trị - xã hội ổn định, Việt Nam là một trong những nước được các nhà mua hàng dệt may lựa chọn trở thành nguồn cung ứng thay thế.

Theo ông Vũ Đức Giang, thời gian gần đây các đơn hàng dịch chuyển về số lượng nhưng hầu như không có sự gia tăng về giá. Để có thể đón nhận các đơn hàng đó, doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã có quá trình chuẩn bị, thích ứng bằng cách đổi mới công nghệ. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, tự động hóa để nâng cao năng suất, giảm chi phí lao động; đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu giao hàng nhanh chóng hơn.

Ngoài các đơn hàng dịch chuyển theo chuỗi cung ứng, nỗ lực đa dạng hóa thị trường, đối tác khách hàng và sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam trong những năm qua cũng đã phát huy hiệu quả. Hàng dệt may Việt Nam hiện đã xuất khẩu vào hơn 100 thị trường trên toàn cầu. Bên cạnh các khách hàng truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, khối CPTPP và các nước ASEAN, sản phẩm dệt may Việt Nam cũng đã tiến vào các thị trường mới như châu Phi, Trung Đông…

Việc thực thị các FTA cũng là một lợi thế đặc biệt, mở ra thị trường rộng lớn cho các sản phẩm dệt may của Việt Nam. Điều này đã được minh chứng qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào thị trường Nga đã có bước nhảy vọt, từ con số rất nhỏ tăng lên gần 1 tỷ USD trong năm nay.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dệt may cũng cho thấy sự tăng trưởng tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG ghi nhận lợi nhuận ròng quý III/2024 đạt 111 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023. Đơn đặt hàng từ Mỹ, EU cũng phục hồi rõ nét trong quý IV - mùa cao điểm mua sắm cuối năm, đến hiện tại công ty đã có đủ đơn hàng cho quý I/2025. Tương tự, lợi nhuận của Công ty May Sông Hồng cũng ghi nhận tăng trưởng 154% so với cùng kỳ năm trước, đạt 130 tỷ đồng; lợi nhuận Công ty Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công đạt 81 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ.

Trong báo cáo phân tích ngành dệt may mới đây, chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi từ việc dịch chuyển các đơn đặt hàng từ Trung Quốc, nhờ chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc, mức thuế mà Mỹ áp dụng với hàng nhập khẩu Việt Nam thấp hơn hàng Trung Quốc. Việt Nam cũng có lợi thế về lao động có tay nghề cao hơn Ấn Độ và Bangladesh.

Theo các chuyên gia, với việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các chính sách thương mại của nước này dự kiến sẽ thay đổi theo xu hướng tăng thuế suất để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu. Do đó, các nhà phân phối có thể sẽ đẩy nhanh tiến độ mua hàng từ nay đến nửa đầu năm 2025, trước khi có biến động về mức thuế. Số lượng đơn hàng của các công ty dệt may Việt Nam sẽ tăng mạnh trong những tháng tới.

Thích ứng với bối cảnh mới

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt (Phố Nối, Hưng Yên). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tại Công ty may Hưng Việt (Phố Nối, Hưng Yên). Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Theo Vitas, kết quả đạt được trong năm 2024 và những tín hiệu khá tích cực của thị trường là cơ sở để ngành dệt may Việt Nam mạnh dạn đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cao hơn trong năm 2025 ở mức 47 - 48 tỷ USD. Đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã ký kết đơn hàng cho quý I/2025 và đang đàm phán cho quý II/2025.

Dù có lợi thế và dư địa tốt, song ngành dệt may cũng sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho biết, một trong những thách thức rõ nhất đã, đang và sẽ tiếp diễn là các nhãn hàng thay đổi phương án mua hàng rất nhanh. Mặc dù đơn hàng đã đàm phán, nhưng chỉ cần sức mua chững lại 1 - 2 tuần, các nhãn hàng có thể sẽ yêu cầu doanh nghiệp ngưng sản xuất.

Bên cạnh đó, các thương hiệu cũng không còn đặt đơn hàng số lượng lớn mà thường xuyên chia nhỏ đơn hàng, yêu cầu giao nhanh trong thời gian ngắn. Doanh nghiệp muốn có đơn hàng thường xuyên và giữ chân khách mua phải chấp nhận các yêu cầu ngày càng cao. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giảm hàng rào thuế quan nhưng cũng đưa ra đòi hỏi khắt khe hơn về xuất xứ sợi, vải, trong khi Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn xơ sợi, vải nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.

Theo ông Phạm Văn Việt, nhiều năm qua, dệt may Việt Nam đã nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa nguyên, phụ liệu nhưng vẫn phải nhập khẩu khá nhiều. Riêng Việt Thắng Jean đang nhập khẩu 30 - 35% nguyên liệu từ Trung Quốc, điều này khiến một số sản phẩm đối diện nguy cơ bị Hoa Kỳ đánh thuế. Để thích nghi, doanh nghiệp phải tích cực tìm nguồn cung nguyên liệu thay thế từ các thị trường khác như Ấn Độ, Pakistan, Indonesia… cho đơn hàng đi Mỹ; chuyển đổi nguyên liệu Trung Quốc cho đơn hàng ở các thị trường khác.

“Dù phải cạnh tranh khốc liệt với hàng giá rẻ từ Trung Quốc, Việt Thắng Jean vẫn kiên định giữ vững chất lượng nhằm đảm bảo uy tín của thương hiệu đối với khách hàng. Để cắt giảm chi phí, tăng doanh số, doanh nghiệp chủ động tối ưu hóa sản xuất, quản trị, lược bớt các khâu trung gian; nắm bắt xu hướng tiêu dùng và đẩy mạnh bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ thêm.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, Phó Chủ tịch Vitas dự báo, năm 2025, ngành dệt may vẫn duy trì được mức tăng trưởng khoảng 10%, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 47- 48 tỷ USD. Tuy nhiên, cuộc cách mạng chuyển đổi xanh và chuyển đổi số trong sản xuất đang tạo ra áp lực kép, buộc doanh nghiệp phải thực hiện đồng thời cả hai hoặc bị đào thải. Nhà mua hàng hiện nay không chỉ khuyến khích mà đã yêu cầu các nhà máy tham gia chuỗi cung ứng phải đạt tiêu chuẩn xanh. Điều này khiến doanh nghiệp phải đầu tư thay đổi máy móc, công nghệ, hệ thống quản trị với chi phí không hề nhỏ, trong khi giá bán sản phẩm lại không tăng, thậm chí giá xuất khẩu sang Mỹ còn đang giảm 5%. Do đó, để tăng trưởng 10%, các doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn vào cải tiến, tài chính, nhân lực và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phân tích sâu hơn về thị trường Mỹ, ông Trần Như Tùng thông tin, hiện Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc trong xuất khẩu hàng dệt may sang Mỹ. Khi Mỹ áp thuế cao hơn đối với hàng dệt may nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng dệt may Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn. Việt Nam cũng là khách hàng lớn nhất của ngành bông Mỹ. Sau Brazil, Australia, bông Mỹ là một trong những ưu tiên của ngành dệt may Việt Nam để phục vụ cho các nhà máy kéo sợi.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Mỹ dùng công cụ thuế để kiểm soát nhập khẩu từ Trung Quốc, nếu xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ tăng quá nhanh cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro. Doanh nghiệp và cơ quan quản lý Việt Nam cần cảnh giác, ngăn chặn tình trạng chuyển tải hàng hóa nhằm gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế. Đây là vấn đề mang tính vĩ mô, đòi hỏi sự kiểm soát chặt chẽ từ phía Chính phủ và các bộ ngành để bảo vệ ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của đất nước.

Xuân Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/detmay-huong-den-muc-tieu-48-ty-usd-trong-nam-2025-20241216110130265.htm