Dệt may: Thích ứng 'đơn hàng khó, giao hàng nhanh' để tăng thị phần
Với ngành dệt may, 2024 sẽ là năm cạnh tranh rất lớn về giá, trong khi khách hàng yêu cầu giao hàng nhanh, đơn hàng ít, độ phức tạp của sản phẩm cao, mẫu mã đa dạng, chất lượng yêu cầu khắt khe.
Hơn 3/4 chặng đường của năm 2023 đã đi qua với nhiều khó khăn tác động lên nền kinh tế nói chung và ngành dệt may nói riêng. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy hết 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 25,5 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, chỉ còn hơn 2 tháng nữa sẽ khép lại năm 2023, vì vậy, để đạt được các chỉ tiêu cao nhất, đòi hỏi các doanh nghiệp trong ngành dệt may phải nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội xoay chiều và tạo đà cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.
Rủi ro, thách thức bủa vây doanh nghiệp
Theo nhận định của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn kéo dài do các thị trường nhập khẩu dệt may chính suy giảm tăng trưởng.
Cùng với đó, doanh nghiệp sản xuất-kinh doanh còn phải chịu chi phí đầu vào tăng cao với chi phí năng lượng, điện tăng 3% từ tháng 5/2023, tỷ giá tăng gần 3% kể từ cuối quý 2/2023, đồng thời, các doanh nghiệp còn bị cạnh tranh gay gắt về giá từ các quốc gia đối thủ…
Tình hình này đẩy doanh nghiệp rơi vào thế khó cả về thị trường, tài chính, phương thức sản xuất kinh doanh…, trong khi đơn hàng giảm số lượng, nhỏ lẻ, yêu cầu cao, kế hoạch đơn hàng ngắn hạn, giãn thời gian giao hàng, ảnh hưởng nặng nề đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023.
Ông Lê Mạc Thuấn, Phó Tổng Giám đốc Vinatex cho biết ngành may trong năm 2023 không khỏi điêu đứng do tổng cầu trên thế giới giảm sút, xét trên góc độ vĩ mô, mỗi doanh nghiệp có mức độ thiệt hại khác nhau. Các thương hiệu thời trang lớn cũng chịu ảnh hưởng ở mức độ xấu nhiều hay xấu ít.
“Thực tế cho thấy, doanh nghiệp có khách hàng gắn với thị trường Mỹ thì sự phục hồi tốt hơn, nhanh hơn, còn khách hàng gắn với thị trường châu Âu thì khó khăn hơn,” ông Lê Mạc Thuấn nói.
Đối với Tổng Công ty May 10, ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ, thế mạnh của May 10 là hàng sơ mi nhưng năm 2023 lại thiệt hại nặng nhất về mặt hàng này. Theo đó, sơ mi trước chiếm tỷ trọng 60% của May 10, nhưng hiện nay chỉ chiếm 39% và doanh nghiệp còn phải làm đơn hàng quần, áo polo, áo T-shirt ở xí nghiệp sơ mi.
“Với xu thế này thì thực sự ảnh hưởng tới sức mua, khó kích cầu. Thực tế còn những yếu tố tỷ giá, lạm phát, địa chính trị, chiến tranh cũng ảnh hưởng đến khách hàng của May 10. Điều này đặt doanh nghiệp vào tình thế phải xác định lại sản phẩm thế mạnh,” ông Thân Đức Việt chia sẻ thêm.
Với ngành sợi, theo ông Trần Hữu Phong, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Vinatex Phú Hưng, trong những tháng cuối năm 2023, ngành sợi vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc, trong khi chi phí sản xuất sợi của doanh nghiệp vẫn cao, điện tăng, lãi suất cao, giá nguyên liệu cũng cao.
“Hiện nay giá bông tồn kho của Phú Hưng tương đối cao do phải nhập nguyên liệu với giá cao. Khi thị trường thay đổi quá nhanh, đơn hàng đã chốt nhưng khách hàng vẫn hủy. Phú Hưng phải giảm giá rất nhiều,” ông Phong chia sẻ.
Chiếm lĩnh thị trường, đẩy nhanh năng suất
Đánh giá về thị trường xuất khẩu dệt may Việt Nam, theo đại diện Vinatex, tháng 8/2023 xuất khẩu đạt đỉnh 4,06 tỷ USD, đến tháng 9 tuy có giảm nhưng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng lần lượt 2% và 11% so với cùng kỳ.
Cụ thể, đối với ngành May, trong quý 4/2023, đa số các doanh nghiệp trực thuộc của Vinatex đơn hàng chưa được bằng mọi năm nhưng có dấu hiệu khách hàng tăng cường trao đổi, đặt hàng. Còn ngành sợi, giá bông đưa vào sản xuất quý 3 và quý 4/2023 hiện đã tiệm cận giá thị trường và ở mức thấp hơn so với 6 tháng đầu năm giúp ngành sợi có hiệu quả hơn.
Vấn đề đặt ra với doanh nghiệp dệt may đó là công tác thị trường và năng suất lao động, khi các doanh nghiệp đang bị cạnh tranh nặng nề bởi các đối thủ.
Ông Trần Hữu Phong nhận định, về công tác thị trường, có những đơn vị gặp khó khăn nhưng vẫn tiêu thụ được sản phẩm. Vì vậy các đơn vị cần xác định lại thị trường rõ ràng hơn, có quyết tâm với mục tiêu đề ra. Đối với doanh nghiệp có thị trường thì cần cải thiện chất lượng để khẳng định vị trí của doanh nghiệp. Về công tác quản trị sản xuất, chất lượng là gốc, chất lượng không tốt không thể làm được thị trường.
Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Chi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài phân tích, làm sợi trong thời gian tới phải tính toán thận trọng. Nguyên liệu tồn kho quá lớn, giá cao khiến doanh nghiệp sợi rất áp lực.
Tại Phú Bài cũng chịu ảnh hưởng lớn của tỷ giá, lợi nhuận giảm, song Phú Bài nhận thấy cần tiếp tục sản xuất sợi chất lượng cao, tốt, tiết giảm chi phí, lựa chọn khách hàng. Đặc biệt, Phú Bài bám sát thị trường, nhận thấy mặt hàng nào đang cần sẽ tăng cường sản xuất.
Còn theo ông Dương Khuê, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú, chi phí sản xuất và thị trường phải gắn bó chặt chẽ với nhau. Ví dụ, thời gian qua tại thị trường Nhật Bản đồng Yên mất giá, khăn Phong Phú vẫn vào thị trường Nhật Bản. Đồng Yên mất giá chỉ là yếu tố ảnh hưởng chứ không phải là yếu tố then chốt.
“Phong Phú vẫn xác định theo đuổi khách hàng bền vững, đôi khi cần chia sẻ với khách hàng, có cách nhìn dài hạn khi làm mặt hàng gia dụng. Trước tình hình khó khăn của thị trường, các doanh nghiệp cần đoàn kết, chia sẻ, tránh trình trạng phá giá sản phẩm,” ông Dương Khuê đánh giá.
Theo đánh giá, năm 2024 sẽ là năm cạnh tranh rất lớn về giá. Hơn nữa, khách hàng sẽ yêu cầu giao hàng nhanh và rất nhanh, đơn hàng thì ít, độ phức tạp của sản phẩm cũng cao, mẫu mã đa dạng, chất lượng yêu cầu rất khắt khe. Cùng với đó, khách hàng rất quan tâm tới chất lượng sản phẩm và lựa chọn doanh nghiệp để ký kết hợp tác lâu dài. Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm tới năng suất lao động mới giải quyết được yêu cầu của khách hàng.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty May Hưng Yên nhìn nhận tình hình thị trường thế giới hiện nay rất khó khăn, giá dầu, chất đốt, lương thực đều tăng làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may.
“May Hưng Yên bắt đầu định hướng, nghiên cứu tiếp tục nâng cao năng suất, nhận làm cả đơn hàng chất lượng cao và đơn hàng gia công, bảo hộ lao động. Trước tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần đầu tư tự động hóa cao, nâng cao năng lực của người lao động, giảm một số chi phí quản lý vốn…,” ông Dương nhấn mạnh./.