Dệt truyền thống: Chứng nhân cho sự tương đồng lịch sử giữa Philippines và Việt Nam
Dệt truyền thống mang đến một thoáng nhìn về vẻ đẹp ấm áp có chung trong tâm hồn người dân Philippines và Việt Nam.
Chứa đựng tinh thần văn hóa
Tại Philippines, có hơn 80 dân tộc đa ngôn ngữ và mỗi dân tộc lại có truyền thống và kĩ thuật dệt độc đáo của riêng họ, được cha truyền con nối trong bộ tộc và cộng đồng.
Dệt là loại hình nghệ thuật phản ánh trình độ điêu luyện, kiến thức sâu rộng của các thế hệ và bộ tộc khác nhau, đồng thời, thiết kế trang phục và trường phái dệt cũng được coi là dấu hiệu để phân biệt cấp bậc xã hội, quan hệ họ hàng hoặc dòng dõi bộ lạc. Với con người, từ khi sinh ra cho đến khi qua đời, các sản phẩm dệt truyền thống đã được sử dụng không chỉ trong các nghi lễ tâm linh mà còn trong cuộc sống hàng ngày của người dân.
Trong số các loại vải dệt truyền thống nổi tiếng của Philippines, phải kể đến Inabel của vùng Ilocos, miền Bắc Philippines cũng như Ga'dang và Itneg từ vùng núi Cordillera.
Vải dệt Hablon xuất xứ từ tỉnh Iloilo (thuộc vùng Tây Visayas), đã được toàn thế giới công nhận vì tính ứng dụng cao, có thể dùng để may váy, khăn choàng và túi xách thời trang.
Vải dệt T’nalak của người T’bolis ở tỉnh Nam Cotabato (thuộc vùng Mindanao) được coi là một loại vải thiêng. Truyền thuyết kể lại, kĩ thuật dệt này được các vị thần ban tặng. Vải dệt Yakan cũng có truyền thống lâu đời, nổi tiếng với màu sắc đậm nét và hoa văn hình khối lớn.
Các loại vải dệt thủ công đáng chú ý khác từ miền Nam Philippines là Inaul của Maguindanao, thảm trải của Tagolwanen, Sama Badjao và thảm Tutup của Tawi-tawi.
Mỗi tác phẩm dệt thủ công đều được thực hiện tỉ mỉ với mục đích và biểu tượng riêng, chứa đựng tinh thần văn hóa, hệ thống tín ngưỡng, hệ tư tưởng và sự sáng tạo đặc thù của từng dân tộc địa phương.
Nét tương đồng hai dân tộc
Tương tự như Philippines, Việt Nam có nền văn hóa dệt vải lâu đời. Với 54 dân tộc anh em, Việt Nam có bề dày lịch sử về nghề vải lụa, gấm, thêu.
Là những quốc gia láng giềng mà tổ tiên của hai nước từng có giao thương và qua lại, mối quan hệ giữa Philippines và Việt Nam đã hình thành từ nhiều thế kỷ trước. Tàu từ đảo Luzon, Philippines đến cảng Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ để buôn bán, trong khi ở Mindanao, bộ tộc Orang Dampuan định cư ở Sulu được cho là có nguồn gốc từ những thủy thủ người Chăm từ miền Nam Việt Nam.
Những giao thương từ rất sớm này có thể đã ảnh hưởng đến tập quán dệt vải ở hai nước. Ở miền Bắc Việt Nam, người Thái và người Mường có kiểu dệt đối xứng và lồng ghép các biểu tượng thiên nhiên rực rỡ sắc màu, tương tự với kiểu dệt Kalinga ở vùng núi Cordilleras.
Ở miền Nam Việt Nam, người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận sử dụng chất liệu bông và lụa, thường có màu sắc rực rỡ với hoa văn hình khối tương tự như kiểu dệt Yakan của Mindanao.
Quả thực, nhìn vào sản phẩm dệt của Philippines và Việt Nam, chúng ta có thể thấy rằng kiểu dáng, hoa văn, họa tiết, màu sắc, chất liệu và đường dệt của hai nước tương tự hoặc giống nhau. Khi đặt cạnh nhau, đôi khi chúng ta khó có thể phân biệt được sản phẩm nào của Philippines và sản phẩm nào của Việt Nam.
Dệt truyền thống mang đến một thoáng nhìn về vẻ đẹp ấm áp trong tâm hồn người dân Philippines và Việt Nam. Quan trọng hơn, chúng là minh chứng hữu hình và rực rỡ để chúng ta hiểu rõ hơn về thiên nhiên, con người, giá trị và truyền thống đặc trưng nhưng có nét tương đồng của hai dân tộc.
Khi bóc tách từng mảng miếng trong văn hóa dệt vải của mỗi quốc gia và chiêm ngưỡng những tấm vải dệt truyền thống, chúng ta nhận ra rằng mặc dù bị ngăn cách bởi núi sông rộng lớn, di sản của hai nước vẫn có sự giao thoa thông qua các mối quan hệ và tương tác có ý nghĩa từ tổ tiên lâu đời.
Trải qua thăng trầm, việc sản xuất đồ vải vẫn được duy trì, là nghệ thuật ăn sâu bám rễ vào đời sống của người dân Philippines. Mỗi nhóm người, mỗi vùng lại có cách dệt, sử dụng các nguyên liệu khác nhau. Nghề dệt vải là nghề truyền thống có từ lâu đời của Philippines. Tất cả người Phillipines đều nhận thức được giá trị nghệ thuật của các tác phẩm phức tạp rất tốn công sức. Do đó, họ rất cần cù trong nghề dệt vải trên khung cửi.
Từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên, với kỹ thuật tạo hoa văn phong phú, qua bàn tay tài khéo của thợ dệt Philippines ở mỗi miền đảo khác nhau, đã tạo nên sản phẩm dệt mang chiều sâu văn hóa và tính thẩm mỹ độc đáo.
Hoa văn trang trí trên đồ dệt truyền thống Philippines hé mở những câu chuyện, phản ánh thế giới quan, niềm tin tín ngưỡng và khát vọng của người dân thông qua hình ảnh các vị thánh, thần, những nhân vật trong sử thi và môi trường sống xung quanh họ. Dù nghề dệt Philippines có từ lâu đời và được trao truyền qua các thế hệ với sự bảo tồn kỹ thuật truyền thống nhưng đến nay vẫn có phát triển trong đời sống đương đại và đang hội nhập vào môi trường toàn cầu.