Đều bị cắt margin nhưng FRT, VTP, HVN vẫn không ngừng gây chú ý với những 'cú nhấn ga'

Số lượng cổ phiếu bị cắt margin trên HoSE tính đến tháng 6/2024 là 85 mã, trong đó VTP của Viettel Post, FRT của FPT Retail và HVN của Vietnam Airline gây chú ý khi liên tục tăng 'nóng'.

Chốt phiên 20/6, cổ phiếu VTP tiếp tục tăng lên mức 95.800 đồng/cp, chính thức vượt đỉnh lịch sử 94.100 đồng/cp thiết lập hồi giữa tháng 3/2024.

3 cổ phiếu FRT, VTP và HVN không ngừng gây chú ý với thị trường bởi đà tăng "nóng".

3 cổ phiếu FRT, VTP và HVN không ngừng gây chú ý với thị trường bởi đà tăng "nóng".

Trước đó, trong phiên 19/6, cổ phiếu này gây ấn tượng mạnh khi bứt tốc tăng kịch trần lên mức 93.400 đồng/cp trong tình trạng "cháy hàng", dư mua vẫn còn gần 68.000 đơn vị tính đến cuối ngày. Cùng với đó, giao dịch tương đối sôi động với khối lượng khớp lệnh gần 3,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị giao dịch hơn 330 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản cao thứ 2 của VTP kể từ khi cổ phiếu này lên sàn chứng khoán.

Xét trong khoảng 2 tháng trở lại đây, thị giá VTP đã bứt tốc khoảng 40% để chinh phục vùng đỉnh mới. Còn nếu nhìn rộng ra từ đầu năm 2024, thị giá cổ phiếu "họ" Viettel này đã tăng gần 70%, đưa giá trị vốn hóa thị trường của "gã khổng lồ" ngành dịch vụ chuyển phát lên hơn 11.666 tỷ đồng.

Viettel Post có vốn điều lệ gần 1.218 tỷ đồng, là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Viettel Post đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 23/11/2018 với mức định giá khi đó chỉ gần 3.000 tỷ đồng. Sau hơn 5 năm, VTP chính thức niêm yết trên HoSE trong phiên 12/3/2024 với giá tham chiếu 65.400 đồng/cp. Hiện, cổ phiếu VTP nằm trong danh sách cắt margin của HoSE do thời gian niêm yết dưới 6 tháng.

Tương tự, cổ phiếu HVN cũng liên tục lập đỉnh trong thời gian gần đây. Kết phiên 20/6, cổ phiếu này tiếp tục tăng lên mức 35.450 đồng/cp, ghi nhận phiên tăng giá liên tiếp thứ 7 và đạt giá trị cao nhất trong vòng 5 năm. Vốn hóa thị trường của Vietnam Airlines theo đó cũng đạt mức 78.500 tỷ đồng (khoảng hơn 3,2 tỷ USD).

Cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát từ quý I/2022 do lỗ lũy kế và âm vốn chủ sở hữu. Tình trạng này kéo dài đến tháng 7/2023 khi HVN chuyển sang diện bị hạn chế giao dịch vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022.

Sau khi công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022, HVN được đưa ra khỏi diện cảnh báo vào tháng 12/2023. Mặc dù vậy, cổ phiếu HVN vẫn đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết do lỗ lũy kế 3 năm liên tục, âm vốn chủ sở hữu và tổng nợ vay tài chính cao. Hiện nay, HVN chỉ được giao dịch buổi chiều trên HoSE và nằm trong danh sách bị cắt margin.

Một cổ phiếu cũng gây chú ý đó là FRT. Cổ phiếu này bị cắt margin do không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm 2023 là số âm.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu FRT giao dịch hết sức tích cực. Khép lại phiên giao dịch 19/6/2024, cổ phiếu FRT đóng cửa tại mức 175.100 đồng/cp, vốn hóa công ty ước đạt hơn 23.856 tỷ đồng, ngấp nghé ngưỡng tỷ USD. Với mức giá trên, FRT đã trở thành một trong những cổ phiếu đắt nhất sàn giao dịch HoSE.

Không chỉ vậy, đây cũng là cổ phiếu được khối ngoại ưu ái mua vào mạnh trong khi xu hướng chính của khối này là bán ròng.

Xét theo cơ cấu, tập đoàn FPT hiện là cổ đông lớn nhất của FPT Retail khi nắm giữ giữ tới 46,53% số lượng cổ phiếu. Tiếp sau đó là các tổ chức tài chính như CTBC Vietnam Equity Fund, VOF Investment Limited, Hanoi Investments Holdings Limited,.. với tỷ lệ dao động từ 2% - 4%.

Châu Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/deu-bi-cat-margin-nhung-frt-vtp-hvn-van-khong-ngung-gay-chu-y-voi-nhung-cu-nhan-ga-1100537.html