Deutche Bank liệu có trở thành Credit Suisse tiếp theo?
Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng các kỳ hạn tăng vọt và giá cổ phiếu của DB chứng kiến sự sụt giảm lớn, giới đầu tư lo ngại DB có thể sẽ là 'nạn nhân' tiếp theo sau CS?
Chứng khoán BSC vừa có báo cáo chuyên đề "Liệu Deutche Bank có trở thành Credit Suisse tiếp theo?".
Theo BSC, sự sụp đổ của Credit Suisse (CS) sau thương vụ sáp nhập vào UBS với thời gian kỷ lục phần nào đã làm dịu bớt đi sự lo lắng về một cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng, tuy nhiên chú ý lại đổ dồn về phía Deutsche Bank (DB) – ngân hàng lớn nhất của Đức. Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) các kỳ hạn tăng vọt và giá cổ phiếu của DB chứng kiến sự sụt giảm lớn, giới đầu tư lo ngại DB có thể sẽ là “nạn nhân” tiếp theo sau CS, liệu điều này có cơ sở hay chỉ là hiện tượng tâm lý sợ hãi nhất thời?
Deutche Bank và những thăng trầm
Deutche Bank sa lầy trong các vụ kiện tụng và bị nhiều quốc gia áp dụng các biện pháp cưỡng chế pháp lý:
- Vai trò dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính 2008:DB là một trong những ngân hàng có sai phạm lớn dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 khi đã đánh lừa nhà đầu tư, tổng hợp và bán những sản phẩm tài chính chất lượng thấp nhưng lại xếp hạng ở mức an toàn và phân phối ra thị trường trong giai đoạn từ 2005-2007.
Vào năm 2016, DB đã đạt được thỏa thuận với Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trị giá 7.2 tỷ USD bao gồm: 3.1 tỷ USD tiền phạt dân sự và 4.1 tỷ USD tiền cứu trợ cho người tiêu dùng đã mua các khoản chứng khoán thế chấp bằng nhà ở dưới chuẩn tại Hoa Kỳ (MBS). Trong giai đoạn này, Credit Suisse cũng đạt được thỏa thuận trả 5.28 tỷ USD, Goldman Sachs trả 5 tỷ USD... cho chính phủ Hoa Kỳ.
- Bê bối gián điệp:Năm 2009 DB thừa nhận đã thuê một công ty thám tử để theo dõi những người được coi là mối đe dọa đối với ngân hàng bao gồm cả cổ đông và nhà quản lý cấp cao DB.
- Thao túng lãi suất Libor: Năm 2015 DB đồng ý trả tiền phạt khoảng 2.5 tỷ USD cho chính quyền Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh trong việc thao túng lãi suất Libor trong khoảng thời gian từ 2005- 2009, đồng thời DB sa thải các nhân viên có hành vi sai trái (bao gồm cả giám đốc và Phó chủ tịch) và thiết lập một cơ quan giám sát độc lập. Các ngân hàng khác gồm UBS (Thụy Sỹ), Barclays (Anh) cũng liên quan đến vụ việc này với số tiền phạt lần lượt là 1.5 tỷ USD và 453 triệu USD.
- Tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền:DB xuất hiện trong “Hồ sơ Panama” năm 2016 khi được xem là ngân hàng giúp khách hàng của mình chuyển tiền từ các hoạt động tội phạm đến các thiên đường thuế. Năm 2017, Deutsche Bank đã bị các cơ quan tài chính của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh phạt tổng cộng 630 triệu đô la (553,5 triệu euro) vì cáo buộc rửa tiền ra khỏi Nga với số tiền ước tính khoảng 10 tỷ USD.
- Vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ: DB bị cáo buộc thực hiện các giao dịch thanh toán bù trừ cho khách hàng của mình ở các quốc gia (Iran, Syria, Libya và Sudan), đồng thời sử dụng "các phương pháp và thông lệ không minh bạch" để ngụy trang 27.200 giao dịch trong thời gian từ 1999 – 2006 với tổng số tiền lên đến 10.9 tỷ USD. Đây là hành động không được phép theo luật cấm giao dịch kinh doanh với các quốc gia bị cáo buộc tài trợ khủng bố mà Hoa Kỳ công bố. Năm 2015, DB chịu phạt 258 triệu USD cho hành động này.
- Trong những năm gần đây, DB tiếp tục dính líu trong các bê bối tham nhũng tại Quỹ đầu tư Malaysia, hỗ trợ rửa tiền (trong vai trò là ngân hàng đại lý của Danske Bank), xử lý giao dịch không đúng quy chuẩn của UBCKGD Hoa Kỳ (SEC), thiếu giám sát trong các hoạt động giao dịch hàng hóa, ngoại hối, bị tẩy chay quy mô lớn liên quan đến CTQL tài sản DWS... những sự việc này khiến DB phải chịu phạt số tiền không nhỏ và tiếp tục tổn hại đến uy tín.
Mới đây nhất vào tháng 7/2022, DB tiếp tục vướng vào gian lận thuế khi vi phạm quy định cho phép khách hàng bòn rút hàng triệu euro doanh thu của Chính phủ. Mặt khác, DB hiện đang lún sâu vào các cuộc tranh cãi gay gắt với cơ quan giám sát tài chính BaFin của Đức về việc sửa chữa các biện pháp kiểm soát chống rửa tiền yếu kém mặc dù DB đã chi hơn 2 tỷ euro để cố gắng khắc phục những sự cố này trong 5 năm qua, liên tục thay đổi các nhà quản lý chủ chốt và đại tu tổ chức nội bộ của mình.
Công cuộc cải tổ bộ máy và những thành quả ban đầu
DB đã trải qua một quãng thời gian nhiều bê bối và tranh cãi nhưng tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của DB đã được cải thiện sau một chương trình tái cấu trúc lớn, trong đó DB cắt giảm mảng hoạt động của ngân hàng đầu tư và bán hàng tỷ đô la tài sản “độc hại”.
+ NIM ghi nhận sự cải thiện: tỷ lệ NIM 2019 đạt 1.92%, sau đó giảm xuống 1.61% vào năm 2021 và quay trở lại mức 1.92% vào năm 2022.
+ CIR giảm rõ rệt: CIR giảm từ 108.77% vào năm 2019 xuống còn 75.36% vào năm 2022. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy DB đã thực hiện thành công chính sách giảm chi phí và nâng cao hiệu quả vận hành trong quá trình tái cấu trúc.
+ Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE %) có sự cải thiện: có sự khởi sắc từ năm 2018 với 0.40% và đạt mức cao nhất vào năm 2022 với 8.07%.
Năm 2022, lợi nhuận ròng của DB đã tăng hơn gấp đôi lên 5.7 tỷ euro, vượt kỳ vọng của các nhà phân tích hơn 1 tỷ euro. Doanh thu và lợi nhuận đạt mức cao nhất trong 15 năm vào năm 2022, phần lớn là nhờ hoạt động giao dịch có thu nhập cố định trong môi trường lãi suất tăng cao và thị trường biến động mạnh. Bên cạnh đó, DB tiếp tục đưa mục tiêu cắt giảm chi phí khoảng 2 tỷ Euro vào 2025 đồng thời không loại trừ thêm việc cắt giảm việc làm trong tương lai.
Theo phân loại theo lĩnh vực kinh doanh, mảng ngân hàng đầu tư (IB) là hoạt động kinh doanh chủ lực với mức doanh thu cao nhất trong cả ba năm. Cụ thể, doanh thu của IB tăng từ 9,286 triệu Euro vào năm 2020 lên 9,631 triệu Euro vào năm 2021 và tiếp tục tăng lên 10,016 triệu Euro vào năm 2022.
Theo tiêu chuẩn Basel III, tỷ lệ CET1 tối thiểu là 4.5%, với đặc thù tập trung vào lĩnh vực ngân hàng đầu tư, cả Deutsche Bank và Credit Suisse đều có tỷ lệ CET1% cao và đáp ứng yêu cầu của Basel III. Tính tới cuối năm 2022, tỷ lệ CET1 của Deutsche Bank ở mức 13.4% - thấp hơn so với tỷ lệ phổ biến tại khu vực Eurozone. Trong khi tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh toán LCR ở mức 142% và tỷ LDR đạt 81.45%. Tất cả các con số này cho thấy, chưa xuất hiện rủi ro liên quan tới khả năng thanh toán và vị thế thanh khoản của DB.
Quá trình tái cấu trúc của DB đã có những tín hiệu tích cực trong việc tối ưu hóa NIM, giảm CIR và tăng ROE. Các mảng hoạt động lớn nhất của DB là Ngân hàng đầu tư và Private Bank, chiếm gần 70% tổng doanh thu, trong khi đó hoạt động NHTM cũng chiếm một tỷ trọng không nhỏ - khoảng 20%. Nhìn chung hoạt động kinh doanh và các chỉ tiêu tài chính của DB đều có sự cải thiện trong thời gian qua.
Liệu có trở thành phiên bản Credit Suisse 2.0?
Theo BSC, có 3 nguyên nhân sự lo ngại chuyển hướng sang DB:
- Thứ nhất: Sau sự sụp đổ của Sillicon Valley Bank (Hoa Kỳ) và mới đây nhất là Credit Suisse (Thụy Sỹ) kết hợp trong bối cảnh điều kiện môi trường lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện tại, nhà đầu tư trên thế giới đang lo lắng về sự bất ổn tiềm tàng của hệ thống ngân hàng bên cạnh khả năng suy thoái có thể sẽ xảy ra trong khu vực Liên minh châu Âu cũng như Hoa Kỳ.
- Thứ hai: Sự việc “xóa sổ” 17.4 tỷ USD trái phiếu AT1 tại CS sau khi sáp nhập vào UBS khiến giới đầu tư lo ngại về thị trường này nói riêng cũng như những nguy hiểm về một hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Mặt khác, động thái DB mua lại trái phiếu lại bị xem là một hành động mang tính tiêu cực khiến giới đầu tư “lo lắng phi lý” về DB.
- Thứ ba: Nhà đầu tư hiện xuất hiện trạng thái tâm lý “dò tìm” xem “yếu điểm” tiếp theo đang nằm ở đâu trong các mắt xích của hệ thống ngân hàng. Điều này khiến sự chú ý chuyển hướng sang DB sau sự sụp đổ của CS – điều tương tự đã xảy ra trong giai đoạn T10/2022. Hiện tại một số lo ngại tập trung vào các khoản đầu tư bất động sản thương mại tại Hoa Kỳ và các khoản đầu tư phái sinh của DB.
Sự khác biệt cơ bản giữa DB và CS ở thời điểm hiện tại
- Thứ nhất: Nỗ lực cải tổ bộ máy gặt hái được những kết quả ấn tượng: DB tập trung vào việc cắt giảm chi phí và cải thiện lợi nhuận là một trong những ưu tiên lớn. Bên cạnh việc giảm thiểu các hoạt động, tài sản kém hiệu quả - điểm nhấn là thành lập 1 “bad bank” trị giá 280 tỷ Euro, hạn chế sử dụng đòn bẩy cao, các công cụ phái sinh rủi ro, tiếp tục các biện pháp ngăn chặn gian lận, tăng cường kiểm soát, giám sát nội bộ. Kết quả thay đổi được thể hiện qua hành động đầu tư thêm 500 triệu euro đến từ Capital Group (Hoa Kỳ) bên cạnh doanh thu, lợi nhuận 2022 ghi nhận con số cao nhất trong 15 năm trở lại.
- Thứ hai: Điểm khác biệt chính là lợi nhuận, trong khi DB hướng đến mục tiêu lợi nhuận cao hơn trong 2023 thì CS gần như không có triển vọng. Các chỉ tiêu an toàn tài chính của DB đều đạt mức ổn định và không gặp rủi ro lãi suất cao hơn mức trung bình của các ngân hàng tại châu Âu.
- Thứ ba: Mối quan tâm đến hoạt động cho vay BĐS thương mại (CRE) tại Hoa Kỳ. Theo JPMorgan và Autonomous đánh giá, tỷ lệ CRE của DB khoảng 7% (khoảng 33 tỷ Euro, trong đó có khoảng 50% tài sản tại Hoa Kỳ) – tỷ lệ này hiện tại vẫn đang thấp hơn so với trung bình của ngành và DB có khả năng quản lý được rủi ro danh mục đầu tư này (Đồ thị 05).
- Thứ tư: Giá trị hoạt động phái sinh lớn tuy nhiên mức độ tương đồng với các ngân hàng đầu tư khác. Theo nghiên cứu của Autonomous, mặc dù giá trị tài sản phái sinh của DB vẫn lớn - hiện có khoảng 14 nghìn tỷ USD tài sản phái sinh không có rủi ro tín dụng đối tác - tuy nhiên so với năm 2007 thì con số này đã thấp hơn rất nhiều và hiện tại không khác biệt so với danh mục đầu tư của các ngân hàng lớn khác trên thế giới (Đồ thị 06).
Tóm lại, ngày 24/03/2023, thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ sự so sánh liên quan giữa Deutche Bank và Credit Suisse sau khi cổ phiếu của DB đã có thời điểm sụt giảm 14%, đồng thời khẳng định “Deutsche Bank đã cơ bản hiện đại hóa và tổ chức lại hoạt động kinh doanh của mình và là một ngân hàng có lợi nhuận cao và không có lý do để lo lắng”.
Sự lo ngại của giới đầu tư hướng đến DB sau vụ việc “giải cứu chớp nhoáng” của chính phủ Thụy Sỹ phần lớn mang tính chất tâm lý nhiều hơn so với kết quả kinh doanh khởi sắc của ngân hàng lớn nhất nước Đức.
Tuy nhiên, các tài sản phái sinh có rủi ro tín dụng đối tác DB đang quản lý vẫn rất lớn, bên cạnh giá trị các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) các kỳ hạn vẫn đang ở mức cao mặc dù đã có sự suy giảm – điều này vẫn tiềm ẩn rủi ro đổ vỡ có thể xuất hiện trong tương lai khi các điều kiện kinh tế chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, tình trạng lạm phát và môi trường lãi suất cao vẫn đang tiếp tục duy trì.
Bên cạnh đó, CEO Christian Sewing – người bắt đầu sự nghiệp tại DB từ 1989 - sẽ cam kết chấm dứt các vụ bê bối và cải thiện mối quan hệ của ngân hàng với các cơ quan quản lý tuy nhiên sẽ còn cần rất nhiều thời gian để DB có thể gây dựng lại uy tín của mình mặc dù kết quả kinh doanh của DB đã có sự cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.