ĐH Bách khoa Hà Nội đứng đầu về nhóm giảng dạy-nghiên cứu khoa học
Cơ sở đào tạo có nhiều nhóm giảng dạy-nghiên cứu nhất là ĐH Bách khoa Hà Nội (127 nhóm), tiếp đến là các trường ĐH Tây Nguyên (42 nhóm), ĐH Đà Nẵng (36 nhóm), ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (30 nhóm), ĐH Quốc gia TPHCM (24 nhóm), ĐH Quốc gia Hà Nội (29 nhóm nghiên cứu mạnh).
Muốn bắt kịp với xu thế đào tạo của các trường ĐH uy tín trên thế giới trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, các trường ĐH ở Việt Nam phải đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học có hiệu quả.
Một trường ĐH hiện đại, chất lượng cao phải là nơi giao thoa của 3 chức năng: Đào tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) và phục vụ xã hội. Trong đó, NCKH có tác động quyết định tới chất lượng của hai chức năng kia và tới chất lượng chung của nhà trường.
Khái niệm đại học nghiên cứu xuất hiện đầu tiên ở Ðức, ngay từ cuộc cách mạng nông nghiệp. Lý do rất đơn giản là nông nghiệp có tính chất đặc trưng rất rõ cho từng vùng. Do đó, để giảng dạy nông nghiệp phải nghiên cứu thực tế.
Từ đó, đại học nghiên cứu được phát triển ở nhiều nước, đặc biệt là ở Mỹ và trở thành mô hình đại học đa ngành chất lượng cao ở mỗi nước.
Hiện nay, khái niệm ĐH nghiên cứu được nâng cao hơn theo triết lý giáo dục là "Học để làm những điều chưa học, học cách học suốt đời". Muốn vậy, người thầy không những phải nghiên cứu giỏi mà còn phải có cách đào tạo giỏi - đào tạo qua nghiên cứu và cho nghiên cứu. Nói một cách khái quát, trong ĐH nghiên cứu, hàm lượng NCKH rất cao trong mọi lĩnh vực hoạt động.
GS. Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo đại học và sau đại học (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định chức năng quan trọng nhất của trường ĐH là truyền thụ kiến thức (giảng dạy) và sáng tạo tri thức (nghiên cứu).
Trong ĐH nghiên cứu, nghiên cứu khoa học luôn gắn kết chặt chẽ với đào tạo. Sự hình thành các nhà nghiên cứu trong các trường ĐH như một lẽ tự nhiên và tất yếu. Chính vì vậy, danh tiếng của các trường ĐH lớn trên thế giới thường được gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi các nhà khoa học phát minh ra chúng. Các nhà khoa học uy tín làm nên tên tuổi trường đại học.
Khảo sát từ 142/271 trường ĐH của ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy, trong các trường đã hình thành 945 nhóm nghiên cứu. Một trường ĐH có trung bình 7 nhóm nghiên cứu với độ tuổi tham gia đông nhất là 35-45, chiếm 59,2%. Nhiều nhóm nghiên cứu mới được hình thành từ năm 2017 trở lại đây. Điều này có thể lý giải bởi áp lực của yêu cầu về công bố quốc tế dành cho đội ngũ giảng viên và nghiên cứu sinh.
Xây dựng cơ chế chính sách để phát triển các nhóm nghiên cứu là vấn đề "sống còn" của nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay. Hiện nay, Bộ GDĐT đang hoàn thiện chính sách phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh.
Nhờ nâng chuẩn chất lượng và có chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu và các nhóm nghiên cứu, công bố quốc tế của Việt Nam đã đặc biệt tăng mạnh trong 5 năm gần đây. Năm 2013, tổng công bố quốc tế của cả Việt Nam hết sức khiêm tốn, ở mức 2.309 bài, thì theo thống kê mới đây nhất của nhóm nghiên cứu độc lập đến từ ĐH Duy Tân, tính từ 2017 đến thời điểm cuối 2018, chỉ riêng các công bố quốc tế của 30 trường ĐH Việt Nam hàng đầu trong danh sách này đã đạt 10.515 bài, và hơn cả giai đoạn 5 năm trước 2011-2015 là 10.034 bài.
Cơ sở đào tạo có nhiều nhóm giảng dạy-nghiên cứu nhất là ĐH Bách khoa Hà Nội (127 nhóm), tiếp đến là các trường ĐH Tây Nguyên (42 nhóm), ĐH Đà Nẵng (36 nhóm), ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên (30 nhóm), ĐH Quốc gia TPHCM (24 nhóm), ĐH Quốc gia Hà Nội (29 nhóm nghiên cứu mạnh).
Trong TOP 15 trường đại học có công bố quốc tế ISI/SCOPUS nhiều nhất trong cả nước đã xuất hiện tên trường ĐH tư thục Phenikaa (Hà Nội). Đây là một tín hiệu mừng khi không chỉ các trường ĐH lớn mà các trường ĐH tư thục cũng vươn lên mạnh mẽ, đầu tư lớn cho hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ. Chỉ tính trong 9 tháng đầu năm 2019, Trường Phenikaa có hơn 100 công bố quốc tế nằm trong danh mục tạp chí quốc tế uy tín ISI và Scopus, vươn lên vào top đầu các cơ sở giáo dục đại học có nhiều nhà khoa học có công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế đạt trên 1.000 trích dẫn (theo google scholar). Trường này cũng lọt vào top đầu trong bảng xếp hạng RePEc Việt Nam (bảng xếp hạng các tổ chức nghiên cứu về kinh tế của Việt Nam).
Với các trường ĐH tư thục, hạn chế về nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu đã được khắc phục. Hiện tại, Trường ĐH tư thục Phenikaa có 3 viện nghiên cứu gồm: Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa (PRATI); Viện Nghiên cứu Tiên tiến Phenikaa (PIAS); Viện Nghiên cứu Nano cùng 8 nhóm nghiên cứu mạnh.
Được biết, 8 trưởng nhóm nghiên cứu mạnh đều là những nhà khoa học với nhiều công bố quốc tế và giàu kinh nghiệm dẫn dắt các nhóm nghiên cứu thành công, như GS.TS. Phạm Thành Huy (Gương mặt Nhà khoa học trẻ tiêu biểu 1000 năm Thăng Long Hà Nội, năm 2010), GS.TS. Nguyễn Văn Hiếu (Giải thưởng Tạ Quang Bửu, năm 2016), PGS.TS. Phùng Văn Đồng (Giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ, năm 2016), TS. Raja Das (JSPS Scholar - Nhật Bản, các năm 2018 và 2019).
Mục đích chính của việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh tại các trường là nhằm tập hợp đội ngũ các nhà khoa học xuất sắc, hình thành những tập thể nghiên cứu mạnh có khả năng giải quyết các bài toán khoa học và công nghệ lớn, đi từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ.
Điều này một mặt giúp nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, mặt khác hỗ trợ tích cực hoạt động giảng dạy đại học và sau đại học, gắn kết chặt chẽ đào tạo và nghiên cứu khoa học, giúp người học tiếp cận với những vấn đề khoa học và công nghệ mới nhất trên thế giới và nâng cao khả năng hội nhập quốc tế của trường và của người học.