ĐH Nông Lâm Thái Nguyên: Nhiều ngành tuyển rất khó, thống kê có khối ngành VIII
Báo cáo 3 công khai Trường Đại học Nông Lâm – ĐH Thái Nguyên thông tin quy mô đào tạo khối ngành VI (sức khỏe) và khối ngành VIII là do lỗi kỹ thuật.
Trường Đại học Nông Lâm là một đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên, với tiền thân là Trường Đại học Kỹ thuật Miền núi, được thành lập năm 1969.
Theo website trường, sứ mệnh của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên: “Đào tạo trình độ đại học, sau đại học; nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, phát triển nông thôn, tài nguyên, môi trường tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước”.
Hiện tại, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng là Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên và Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quang là Hiệu trưởng nhà trường.
Quy mô đào tạo trình độ đại học giảm mạnh do khó tuyển sinh
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thông qua Đề án tuyển sinh năm 2022 và Báo cáo 3 công khai của nhà trường qua các năm học: 2020 – 2021, 2021 2022 và 2022 - 2023, công tác tuyển sinh của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm học 2022 – 2023 là 1.250 chỉ tiêu, ít hơn 10 chỉ tiêu so với năm học 2020 – 2021 (1.260 chỉ tiêu). So sánh thống kê về quy mô đào tạo đại học năm học 2022 – 2023 của trường so với năm 2020-2021 giảm mạnh, cụ thể giảm 607 người (khoảng 30%, từ 1940 giảm còn 1.333).
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thơ – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên cho biết: “Đúng là quy mô đào tạo đại học đang giảm. Nguyên nhân là do đặc thù các ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản trong những năm gần đây tuyển sinh rất khó khăn. Nhiều ngành không tuyển được hoặc chỉ tuyển được rất ít sinh viên.
Nếu tính theo chỉ tiêu bình quân tỉ lệ sinh viên/giảng viên thì năng lực đăng ký của nhà trường rơi vào khoảng 2.500 – 3.000 sinh viên/năm. Tuy nhiên, từ thực tế tuyển sinh trong những năm gần đây, trường không tuyển được con số này, nên quá trình xác định và đăng ký chỉ tiêu của trường thời gian vừa qua cơ bản giữ ổn định về quy mô chỉ tiêu, cố gắng không để bị chênh lệch nhiều".
Tìm hiểu từ Đề án tuyển sinh đại học năm 2022 của Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên, phóng viên được biết đơn vị này có 3 phương thức tuyển sinh đại học là: tuyển sinh theo kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, tuyển sinh theo kết quả ghi trong học bạ trung học phổ thông và xét tuyển thẳng theo quy định.
Tuy nhiên, trong đề án tuyển sinh năm 2022, thống kê thông tin sinh viên trúng tuyển và sinh viên nhập học trong 2 năm tuyển sinh (2020, 2021), trường chỉ thống kê số lượng sinh viên trúng tuyển của phương thức tuyển sinh theo kết quả của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Hai phương thức tuyển sinh còn lại, trường không thống kê chỉ tiêu và số sinh viên trúng tuyển, nhập học.
Theo Đề án tuyển sinh đại học năm 2022, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên có tổng hợp về “Khảo sát số lượng có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận xét tốt nghiệp được xác định theo từng ngành, lĩnh vực đào tạo, được khảo sát ở năm liền kề trước năm tuyển sinh”, trong đó có thông tin về sinh viên trúng tuyển nhập học.
Khảo sát cho thấy, một số ngành không có sinh viên trúng tuyển nhập học như ngành Kinh doanh quốc tế, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, có những ngành sinh viên nhập học rất ít, như ngành Quản lý thông tin có 1 sinh viên nhập học; Bất động sản có 4 sinh viên nhập học; Công nghệ chế biến lâm sản chỉ có 5 sinh viên nhập học; ngành Đảm bảo chất lượng và An toàn thực phẩm có 7 sinh viên nhập học;...
Còn nếu tính số liệu tỷ lệ sinh viên nhập học theo kết quả của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, trong hai năm 2020 và 2021 cũng có nhiều ngành có tỉ lệ sinh viên trúng tuyển rất thấp. Đặc biệt năm 2021, nhiều ngành không tuyển được người học theo phương thức này, cụ thể như ngành Bất động sản, Kinh doanh quốc tế, Công nghệ sinh học, Khoa học cây trồng, Kinh tế nông nghiệp, Quản lý đất đai, Chế biến lâm sản, Quản lý thông tin, Nông nghiệp công nghệ cao, Quản lý tài nguyên rừng,...
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Thơ chia sẻ, đây là một sự sụt giảm rất lớn về số sinh viên nhập học, tình trạng này không chỉ xảy ra với riêng Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên mà còn xảy ra ở các trường có đào tạo khối ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản trong cả nước.
Nhìn chung, nhóm ngành Nông, Lâm nghiệp hiện đang rất khó tuyển sinh, xuất phát từ 3 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, do xu hướng chọn ngành nghề của học sinh trung học phổ thông đang dần có sự thay đổi. Nhóm ngành này không còn nhiều hấp dẫn đối với các em.
Thứ hai, là do sức hút của từ các khu, cụm công nghiệp ở địa phương, nhiều học sinh lựa chọn tham gia vào thị trường lao động sau khi hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông mà không học lên đại học, tình trạng này cũng diễn ra ở tỉnh Thái Nguyên.
Thứ ba, là nguồn tuyển của các cơ sở giáo dục đại học ở khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên còn nhiều hạn chế. Quy mô học sinh, sinh viên ở khu vực này cũng ít. Theo thống kê, chỉ có khoảng 40% học sinh sau khi tốt nghiệp bậc trung học phổ thông đăng ký học lên tiếp đại học.
Những lý do trên đã dẫn đến sự sụt giảm trong chỉ tiêu tuyển sinh của trường trong những năm qua rất rõ rệt.
Theo Phó Giáo sư Lê Văn Thơ, trong thời gian vừa qua, nhà trường đã đề ra một số giải pháp để cải thiện tình hình trên. Những giải pháp này cũng sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm học tiếp theo.
Trong đó, giải pháp căn cốt nhất của nhà trường hiện tại vẫn là nâng cao chất lượng đào tạo, để vừa cải thiện tình hình tuyển sinh của nhà trường, vừa đào tạo được sinh viên đầu ra chất lượng, đáp ứng được những yêu cầu của công việc và cuộc sống tương lai.
Trong quá trình này, mặc dù một số ngành có số lượng sinh viên nhập học ít, nhưng để đảm bảo chương trình đào tạo, nhu cầu học tập của sinh viên khi đã trúng tuyển, nhà trường thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như ghép lớp (khóa trước, khóa sau), hay gửi sinh viên đi học tại các cơ sở đào tạo có ngành học tương đương như Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang, Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), Học viện Nông Nghiệp Việt Nam…
Bên cạnh đó, trường còn có giải pháp căn cốt khác là về việc đóng/mở ngành.
“Hiện nay, nhà trường cũng đang nghiên cứu để mở các ngành học mới sao cho phù hợp với mục tiêu chiến lược và tận dụng được những nguồn lực mà nhà trường đang có.
Trên thực tế, những nguồn lực hiện có của nhà trường là rất tốt. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, các ngành nghề truyền thống đang có xu hướng bị mai một, ít người lựa chọn theo học.
Mặc dù nhu cầu nguồn nhân lực của nhóm ngành nghề này tại các địa phương/doanh nghiệp rất lớn, nhưng không có người học. Từ đó, dẫn đến việc tuyển sinh của nhóm ngành Nông, Lâm nghiệp cũng vô cùng khó khăn.
Việc tuyển sinh ít vừa ảnh hưởng đến tâm lí người học, vừa ảnh hưởng tới chất lượng tổ chức đào tạo của đơn vị. Vì thế, nhà trường cũng đã có những phương án chuyển đổi, tạm dừng tuyển sinh một số ngành học như: Khuyến nông; Nuôi trồng thủy sản; Bảo vệ thực vật” – thầy Thơ chia sẻ thêm.
Kê khai khối ngành VI và VIII do lỗi kỹ thuật
Theo công khai về quy mô đào tạo năm 2021 – 2022, Trường Đại học Nông Lâm – Đại học Thái Nguyên có cả khối ngành VIII (trong khi đó, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ngành được phân theo 7 khối ngành) và công khai về quy mô đào tạo năm 2021 – 2022, năm 2020-2021 có cả khối ngành VI (Khối ngành Sức khỏe).
Lý giải về việc Trường Đại học Nông Lâm kê khai quy mô đào tạo khối ngành VI (sức khỏe) và khối ngành VIII, nhà trường cho biết đây là do lỗi kỹ thuật nên bị kê khai không đúng. Trên thực tế, khối ngành VI mà trường kê khai chính là khối ngành V và khối ngành VIII chính là khối ngành VII.
Sau khi nhận được thông tin phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên đã đính chính lại thông tin Công khai về quy mô đào tạo năm học 2021 - 2022 như sau:
Theo đại diện nhà trường, hiện nay, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên tuyển sinh và đào tạo các khối ngành là III, IV, V, VII. Tuy nhiên, số lượng thống kê sinh viên tốt nghiệp của trường mới chỉ có các khối ngành IV, V, VII. Còn đối với khối ngành III (có các ngành bất động sản, kinh doanh quốc tế mới được tuyển sinh từ năm 2019), đến năm học 2023 – 2024 mới có sinh viên tốt nghiệp, nên chưa được thống kê trong biểu mẫu này.
Ngoài ra, qua tìm hiểu của phóng viên về báo cáo 3 công khai của Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên năm học 2020 – 2021 cho thấy, trường chỉ tuyển sinh và đào tạo 11 ngành. Nhưng đến năm học 2021 – 2022, số ngành học được trường tuyển sinh và đào tạo là 22 ngành. Như vậy, chỉ trong vòng 1 năm, số lượng ngành đào tạo của trường đã tăng gấp đôi. Số lượng 22 ngành được giữ nguyên trong báo cáo 3 công khai năm học 2022 - 2023.
Lý giải về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hà – Trưởng phòng Quản lý chất lượng của trường cho biết, vấn đề trên là do lỗi kỹ thuật khi chuyển giao phần mềm đào tạo.
“Vừa rồi, nhà trường cập nhật, chuyển giao toàn bộ dữ liệu cũ sang phần mềm mới. Cho đến hiện tại, phần mềm vẫn chưa hoàn thiện hẳn. Vì thế, trong quá trình đăng tải thông tin vẫn còn một số lỗi, sai sót.
Trong quá trình thống kê năm học 2020 – 2021, mới chỉ thống kê đến thời điểm các ngành có sinh viên tốt nghiệp trong năm học (khác với chuyên ngành đào tạo).
Vì thế, những ngành chưa có sinh viên tốt nghiệp, trường không thống kê vào năm học này, dẫn đến những hiểu lầm, chênh lệch về số lượng ngành nhiều như vậy, chứ không phải số lượng ngành của trường tăng gấp đôi chỉ trong vòng 1 năm.
Trong giai đoạn 2021 – 2023, trường chỉ mở mới 02 ngành là Dược liệu hợp chất thiên nhiên và Du lịch quốc tế” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hà thông tin.
Sinh viên theo học không đủ, nên không thể tiến hành đánh giá ngành
Ngoài ra, trong báo cáo 3 công khai năm học 2020 - 2021, tại mục công khai thông tin về chất lượng đào tạo thực tế của cơ sở giáo dục, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên mới chỉ kiểm định được cơ sở giáo dục.
Đến năm 2021 – 2022, nhà trường đã kiểm định được 6 chương trình đào tạo các ngành: Chăn nuôi Thú y, Thú y, Công nghệ Thực phẩm, Khoa học cây trồng, Quản lý đất đai và Quản lý tài nguyên rừng.
Đến năm học 2022 – 2023, trường chưa kiểm định thêm được chương trình đào tạo nào.
Chia sẻ về vấn đề trên, Phó Giáo sư Nguyễn Thúy Hà cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã tiến hành kiểm định cơ sở giáo dục chu kỳ 2 theo bộ tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và 06 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục khu vực Đông Nam Á (AUN-QA).
So với các đơn vị khác thuộc Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Nông Lâm đã vượt chỉ tiêu 10% số chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế trước năm 2025.
Theo công bố trên website, tầm nhìn đến năm 2030, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên mong muốn sẽ là một trong những trường đại học hàng đầu ở Việt Nam, được công nhận là cơ sở giáo dục đại học đảm bảo chất lượng trong hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục khu vực Đông Nam Á (AUN - QA).
Tuy nhiên, với con số 35% chương trình đào tạo kiểm định đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất thì trường vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Vì thế, nhà trường vẫn đang tự triển khai đánh giá, cải thiện chất lượng của đơn vị.
Hiện nay, Trường Đại học Nông Lâm đã đăng ký với Đại học Thái Nguyên để tiến hành đánh giá các chương trình đào tạo. Mục tiêu là đến cuối năm 2024, trường có thể đánh giá thêm 4 chương trình đào tạo và dự kiến đến năm 2025 – 2026 sẽ có lộ trình đánh giá ngoài hết số chương trình còn lại".
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong công tác kiểm định chất lượng giáo dục của đơn vị mình, cô Hà trăn trở: “Hiện nay, số lượng sinh viên của nhiều chuyên ngành đang có xu hướng giảm, dẫn đến nguy cơ về việc các ngành không đủ điều kiện để đánh giá.
Có những ngành học đã được trường đào tạo rất lâu, nếu tiến hành đánh giá thì khẳng định là được. Tuy nhiên vì sinh viên theo học không đủ, nên không thể tiến hành đánh giá được. Còn những ngành học mới lại chưa có sinh viên tốt nghiệp, nên chưa đủ điều kiện đánh giá.
Nhìn chung, mặc dù rất muốn tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục của các chương trình đào tạo, nhưng chúng tôi lại gặp khó khăn nằm ở chỗ ngành mới thì chưa đủ điều kiện đánh giá, ngành cũ thì số sinh viên đang sụt giảm.
Vậy nên ở thời điểm hiện tại, nhà trường cũng đang rất thận trọng trong việc khảo sát, đánh giá nhu cầu theo học của sinh viên. Trong những năm tới, nếu có những ngành mở mà không đủ sinh viên thì buộc phải đóng cửa để mở những ngành phù hợp khác”.
Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2022 - 2030”, mục tiêu trong giai đoạn 2022 – 2025,
Hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm được cơ bản hoàn thành; năng lực hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm được nâng cao. Trong đó, 35% số chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng theo chu kỳ kiểm định lần thứ nhất; trong đó có ít nhất 10% số chương trình đào tạo đạt theo tiêu chuẩn nước ngoài (sau đây gọi là kiểm định quốc tế), 100% số chương trình đào tạo giáo viên các trình độ đạt tiêu chuẩn chất lượng.