ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đầu tư xưởng thực hành ngành Công nghệ chế tạo máy

Nhà trường xây dựng chương trình đào tạo mang tính ứng dụng cao, chú trọng đến kỹ năng của sinh viên qua các học phần thực hành trên hệ thống máy móc, phần mềm.

Cuộc Cách mạng khoa học công nghệ cùng xu hướng toàn cầu hóa đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực. Trong lao động sản xuất, ngành Công nghệ chế tạo máy có nhiệm vụ nghiên cứu, thiết kế và chế tạo máy móc phục vụ nhu cầu dân dụng và công nghiệp, được áp dụng từ dây chuyền sản xuất, chế biến cho đến các phương tiện đi lại.

Nhiều triển vọng phát triển trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Norihiro Okamura - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rodax Việt Nam cho biết, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khiến hầu hết các lĩnh vực đều có sự tham gia, trợ giúp của công nghệ thông tin, hệ thống tự động hóa, robot và trí tuệ nhân tạo.

Mặt khác, mô hình kinh tế mở đã tạo điều kiện cho các nhà máy sản xuất, các công ty, tập đoàn của nhiều quốc gia trên thế giới có cơ hội đầu tư vào thị trường Việt Nam, tạo ra nhiều việc làm cho lĩnh vực cơ khí, cơ khí chế tạo.

Đối chiếu thực tế tại nhiều doanh nghiệp, nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo về cơ khí, đặc biệt là cơ khí chế tạo đang được ưu tiên và chú trọng hàng đầu.

Ông Norihiro Okamura cho hay, hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi trả mức lương hấp dẫn cùng nhiều đãi ngộ cho các kỹ sư ngành Công nghệ chế tạo máy. Đối với sinh viên mới ra trường, mức lương khởi điểm có thể dao động từ 10-12 triệu đồng/tháng và tăng dần theo từng năm. Thậm chí, nhiều sinh viên sau khi ra trường 1-2 năm đã giữ những cương vị quản lý chủ chốt tại các công ty, doanh nghiệp và có mức thu nhập hơn 1.000 USD/tháng.

Trong khi đó, thông qua sự nhìn nhận và đánh giá từ tình hình thực tiễn, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hà - Phó trưởng khoa Cơ khí, Trưởng bộ môn Công nghệ Chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã có dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực cơ khí chế tạo trong thời gian tới.

Theo thầy Hà, sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay cùng sự dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia trên thế giới vào thị trường Việt Nam khiến cho hầu hết các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư của nước ngoài có thêm nhiều cơ hội sử dụng các dây chuyền thiết bị sản xuất hiện đại, ứng dụng công nghệ của các nước công nghiệp phát triển vào quá trình sản xuất.

Với những điều kiện đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hà dự báo nhu cầu nhân lực cho ngành Công nghệ chế tạo máy tại Việt Nam sẽ ngày càng tăng mạnh cùng nhiều cơ hội, vị trí việc làm hấp dẫn.

Cụ thể, sinh viên theo học ngành Công nghệ chế tạo máy sẽ được đào tạo kỹ năng và trình độ thiết kế sản phẩm kiểu dáng công nghiệp, lắp đặt gia công máy móc, thiết bị cơ khí tại các nhà máy, công trình. Có cơ hội trở thành chuyên viên lập trình, vận hành gia công máy CNC, máy xung cắt dây, chuyên viên tư vấn thiết kế, vận hành, sửa chữa máy móc thiết bị cơ khí hay tổ chức sản xuất tại các đơn vị có trang bị dây chuyền và thiết bị tự động hóa phục vụ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.

Bên cạnh đó là cơ hội làm cán bộ quản lý kỹ thuật cơ khí cho các hãng sản xuất chế tạo cơ khí, ô tô xe máy, hàng không, an ninh quốc phòng; làm giảng viên trong các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, hướng nghiệp và dạy nghề…

Chương trình đào tạo cập nhật xu hướng hiện đại

Xác định được vai trò và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hà cho biết Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã đầu tư xây dựng các phòng xưởng thực hành với trang thiết bị hiện đại đang được sử dụng tại các nhà xưởng của doanh nghiệp, bao gồm các trung tâm gia công tiện phay CNC; máy gia công tia lửa điện EDM; Phòng thiết kế, mô phỏng cơ khí; Phòng lập trình CNC; Phòng đo lường cơ khí chính xác; Xưởng thực hành các máy tiện phay vạn năng….

 Sinh viên thực hành ngay tại xưởng của nhà trường. Ảnh: NTCC

Sinh viên thực hành ngay tại xưởng của nhà trường. Ảnh: NTCC

Mặt khác, nhà trường cũng xác định rõ định hướng đào tạo ứng dụng bám sát nhu cầu thực tế nên chương trình đào tạo ngành Công nghệ chế tạo máy được thiết kế với hơn 35% là các tín chỉ thực hành, thực tập. Theo đó, sinh viên có nhiều cơ hội tiếp xúc với máy móc hiện đại ngay từ khi còn học tập tại trường, được phát huy tối đa năng lực của mình và hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu công việc tại doanh nghiệp ngay sau khi tốt nghiệp.

Đối với chương trình đào tạo, trường luôn có kế hoạch rà soát, cập nhật tiến bộ khoa học công nghệ để có sự điều chỉnh phù hợp trong định hướng đào tạo, thích nghi với thay đổi từ thực tiễn và đáp ứng nhu cầu xã hội.

Tính đến thời điểm hiện tại, chương trình đào tạo ngành Công nghệ chế tạo máy tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên đã đạt những yêu cầu về kiểm định chất lượng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Năm 2024, trường mở thêm chuyên ngành Thiết kế cơ khí và kiểu dáng công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu từ nền sản xuất thông minh khi đòi hỏi nguồn nhân lực kỹ sư thiết kế kiểu dáng công nghiệp trong nền công nghiệp 4.0.

Bên cạnh đó, nhà trường tích cực kết nối và mở rộng các mối quan hệ hợp tác với nhiều doanh nghiệp, công ty lớn trong và ngoài nước như Công ty Trách nhiệm hữu hạn ABB Automation and Electrification Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam; Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rodax Việt Nam…

Với những điều kiện đó, người học có cơ hội thực tập, thực hành thực tế tại các doanh nghiệp có chuyên môn và lĩnh vực phù hợp với kiến thức của ngành học trong thời gian từ 2-3 tháng. Kết thúc kỳ thực tập, nhiều sinh viên có cơ hội được ở lại cộng tác với doanh nghiệp, thậm chí là trở thành nhân viên chính thức với những đãi ngộ và quyền lợi hấp dẫn.

Ngoài ra là cơ hội tham gia nghiên cứu khoa học và tham dự các cuộc thi khởi nghiệp quy mô quốc gia và quốc tế. Các hoạt động này chính là cơ hội giúp sinh viên phát triển năng lực bản thân tiếp cận nhanh hơn với công nghệ thế giới cũng như nâng cao tư duy và năng lực làm việc và sớm được tiếp xúc với các đơn vị tuyển dụng trong quá trình tuyển chọn sinh viên xuất sắc.

Đánh giá cao chất lượng đào tạo và năng lực, trình độ của sinh viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, ông Norihiro Okamura cho biết hầu hết sinh viên của trường đều hoàn thành tốt công việc, đáp ứng đầy đủ những yêu cầu của doanh nghiệp đặt ra trong 2-3 tháng thực tập.

Theo đó, sinh viên ngành Công nghệ chế tạo máy của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên có kiến thức nền tảng cốt lõi và chuyên sâu về thiết kế phát triển sản phẩm, hiểu rõ về quy trình chế tạo các sản phẩm cơ khí, khả năng lập trình gia công các máy CNC, thiết kế chế tạo…..

Mặt khác, vì chương trình đào tạo tại trường được thiết kế với hơn 35% là các học phần liên quan đến thực hành nên sinh viên có kỹ năng tay nghề vững và ổn định. Theo ông Norihiro Okamura, đây là định hướng đào tạo đúng đắn, tiến bộ và phù hợp với nhu cầu của hầu hết doanh nghiệp hiện nay.

“Hàng năm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Rodax Việt Nam tiếp nhận rất nhiều sinh viên ngành Công nghệ chế tạo máy đến từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên cho các vị trí như thiết kế phát triển sản phẩm, vận hành gia công máy móc, dây chuyền sản xuất, kiểm tra và đánh giá chất lượng sản phẩm… Đây là khoảng thời gian rất tốt để sinh viên vận dụng kiến thức lý thuyết học trên trường vào quá trình sản xuất và phát triển các kỹ năng sản xuất tại doanh nghiệp.

Để có thể đạt mức thu nhập cao và có cơ hội làm việc tại các công ty doanh nghiệp nước ngoài thì sinh viên cần không ngừng học hỏi để hiểu biết thêm chuyên môn, nâng cao tay nghề, kỹ năng, kinh nghiệm. Đặc biệt là trang bị về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm để làm việc trong môi trường toàn cầu hóa”, ông Norihiro Okamura chia sẻ.

Nhiều người lầm tưởng về ngành Công nghệ chế tạo máy

Khối ngành công nghệ - kỹ thuật thường được nhắc đến với những đặc điểm đặc thù như thiên về nghiên cứu, thiết kế và chế tạo lên những sản phẩm, máy móc hiện đại, thông minh. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hà, ngành Công nghệ chế tạo máy chưa hẳn đã là một ngành học khó và vất vả như nhiều người lầm tưởng. Đây là ngành học có vai trò quan trọng trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, yêu cầu từ người học phải đảm bảo đủ các kỹ năng như thiết kế chế tạo máy, kỹ năng tổ chức thực hiện các quá trình gia công, quản lý điều hành các quá trình gia công, kỹ năng vận hành thiết bị, bảo quản, bảo dưỡng máy móc thiết bị.

Đối với sinh viên có dự định theo đuổi ngành Công nghệ chế tạo máy cần phải có sự yêu thích đối với máy móc thiết bị, có đam mê về vẽ, có tư duy sáng tạo, logic cùng tinh thần cầu tiến, ham học hỏi.

“Trước đây chúng ta thường cho rằng cơ khí liên quan đến những công việc nặng nhọc và vất vả. Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học và công nghệ ngày nay, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì phần lớn các công việc đều có sự trợ giúp của máy tính, hệ thống tự động hóa, robot nhằm giảm bớt sức lao động của con người.

Đối với công việc của các kỹ sư/cử nhân ngành Công nghệ chế tạo máy hiện nay đang ngày càng trở nên đơn giản hơn. Đặc biệt khi các nhà máy, doanh nghiệp đã tiếp cận và triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến như nhà máy sản xuất thông minh nhằm tạo điều kiện để các kỹ sư/cử nhân công nghệ chế tạo máy được làm đúng vai trò, vị trí của mình trong các môi trường công nghiệp sạch sẽ, hiện đại”, thầy Hà nêu quan điểm.

Trong khi đó, anh Nguyễn Đức Hạnh (cựu sinh viên ngành Công nghệ chế tạo máy, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên), hiện đang là kỹ sư thiết kế, phát triển tại Viện Cơ khí Năng lượng và Mỏ - Vinacomin lại cho rằng chương trình đào tạo ngành học của nhà trường rất phù hợp với những yêu cầu của các doanh nghiệp tuyển dụng lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.

Theo đó, anh Hạnh đánh giá các khối kiến thức được nhà trường xây dựng rất khoa học và hài hòa, chú trọng đến các khối kiến thức về kỹ năng của sinh viên thông qua các học phần thực hành, thực tập trên các thiết bị máy móc, phần mềm chuyên ngành đang được sử dụng tại các công ty, doanh nghiệp.

Không chỉ học tập, thực hành tại trường, sinh viên còn được tham gia thực tập tại nhiều doanh nghiệp có chung lĩnh vực đào tạo giúp người học tiếp cận và thích ứng nhanh với môi trường sản xuất sau khi ra trường. Bên cạnh đó là các hoạt động học thuật, nghiên cứu khoa học sinh viên, khởi nghiệp, văn hóa thể thao, các hoạt động doanh nghiệp giúp cho sinh viên phát triển tốt các kỹ năng tự tin làm việc nhóm, thuyết trình, sáng tạo bản thân.

Thông qua các học phần thực hành, sinh viên có thể củng cố và vận dụng ngay được các kiến thức lý thuyết đã được học vào thực tế. Ngoài ra, cơ hội thực tập tại doanh nghiệp sẽ mang lại cho người học những trải nghiệm trên các phần mềm thiết kế cũng như các máy công nghiệp được sử dụng trực tiếp trong quá trình sản xuất tại các doanh nghiệp.

Đào Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/dh-su-pham-ky-thuat-hung-yen-dau-tu-xuong-thuc-hanh-nganh-cong-nghe-che-tao-may-post244172.gd