ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM: Nhiều ngành đúng sứ mạng 'trắng' người học
Hầu hết các ngành gắn với sứ mạng nhà trường đều tuyển được rất ít sinh viên. Thậm chí có ngành 2 năm liền không tuyển sinh được buộc phải dừng đào tạo.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Bộ Tài Nguyên và Môi Trường được thành lập năm 2011 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.
Đây là một trong những trường đại học chuyên đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ, quản lý tài nguyên, đảm bảo môi trường sạch cho phát triển bền vững và cùng thế giới ứng phó với các vấn đề biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
Hiện, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Xuân Cường là Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền là Hiệu trưởng.
Có ngành tuyển vượt hơn 700% chỉ tiêu
Theo đề án tuyển sinh được công bố ngày 28/3/2023, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Cụ thể, năm học 2021-2022, ngành Quản trị kinh doanh chỉ tiêu của trường là 120 nhưng có tới 554 sinh viên trúng tuyển nhập học. Đáng chú ý, riêng phương thức xét tuyển bằng kết quả thi trung học phổ thông, chỉ tiêu của trường là 60 nhưng có tới 504 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 444 sinh viên, tương đương vượt 740%).
Ngành Công nghệ thông tin chỉ tiêu nhà trường được phê duyệt là 100, nhưng có tới 295 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 195 sinh viên, tương đương vượt 195%). Trong đó, phương thức xét tuyển bằng kết quả thi trung học phổ thông vượt nhiều nhất (vượt 210 sinh viên, tương đương vượt 382%).
Ngành Quản lý đất đai chỉ tiêu của trường là 250 nhưng có tới 487 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 237 sinh viên, tương đương 94,8%). Ngành này nhà trường tuyển vượt ở cả phương thức xét tuyển bằng kết quả thi trung học phổ thông và xét tuyển học bạ.
Đến năm học 2022-2023, dù số sinh viên nhập học của từng ngành không vượt so với tổng chỉ tiêu nhưng lại vượt ở một số phương thức xét tuyển.
Theo đó, ngành Quản trị kinh doanh ở phương thức xét tuyển học bạ trường có chỉ tiêu là 50 nhưng có 68 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 18 sinh viên, tương đương vượt 36%)
Ngành Công nghệ thông tin, phương thức xét tuyển bằng kết quả thi trung học phổ thông chỉ tiêu của trường là 100 nhưng có 114 sinh viên trúng tuyển nhập học (vượt 14 sinh viên, tương đương 14%)
Ngành Quản lý đất đai ở phương thức xét tuyển học bạ chỉ tiêu của trường là 110 nhưng có 196 sinh viên nhập học (vượt 86 sinh viên, tương đương 78%).
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết:
“Cũng như một số trường đại học khác, việc dự đoán số lượng từ bước đăng ký - trúng tuyển - nhập học đều có sai số do khó có thể xác định chính xác số lượng sinh viên nhập học từng ngành.
Việc dự đoán sai về số lượng sinh viên nhập học thực tế của một số ngành dẫn đến việc vượt chỉ tiêu, nhà trường đã thực hiện đầy đủ các báo cáo với Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như có phương án xử lý nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo của mình.
Năm 2021, trường đã bị Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo xử phạt vi phạm hành chính theo Quyết định số 79/QĐ-XPHC ngày 06/9/2022 và theo đó trường không được tự chủ xác định chỉ tiêu theo quy định trong thời gian 5 năm từ năm 2023.
Năm 2022, trường đã thực hiện trừ số chỉ tiêu của lĩnh vực kinh doanh quản lý buộc phải khắc phục hậu quả theo hướng giảm 288 chỉ tiêu theo Quyết định số 79/QĐ-XPHC ngày 06/9/2022. Kết quả tuyển sinh trình độ đại học hệ chính quy của trường trong số lượng chỉ tiêu đã công bố".
Bên cạnh đó, thầy Quyền cũng nhấn mạnh, ngành Quản trị kinh doanh, năng lực đào tạo tối đa năm 2021 của trường theo Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo dựa trên nguồn nhân lực giảng dạy, cơ sở vật chất và quy mô đào tạo được xác định là 229 chỉ tiêu. Tuy nhiên, vì mục tiêu ổn định trong đào tạo nên trường vẫn duy trì chỉ tiêu tuyển sinh là 120 chỉ tiêu.
Nhà trường đã thực hiện tuyển dụng bổ sung giảng viên mới đối với ngành Quản trị kinh doanh. Đồng thời, trường tự chủ mở ngành Bất động sản (thuộc nhóm ngành III) tuyển sinh vào năm 2022. Qua đó, tăng thêm 33 giảng viên gồm 13 giảng viên tuyển mới, 20 giảng viên tăng cường bố trí phục vụ giảng dạy khối ngành III và chỉ tiêu tối đa của khối ngành này là 603 thí sinh/năm.
Về ngành Công nghệ thông tin và ngành Quản lý đất đai theo quy định, việc vượt chỉ tiêu tính theo năng lực đào tạo của nhóm ngành (Công nghệ thông tin thuộc nhóm ngành V, Quản lý đất đai thuộc nhóm ngành VII). Do đó, dù 2 ngành trên vượt chỉ tiêu tuyển sinh đăng ký nhưng chưa vượt năng lực đào tạo của nhóm ngành.
Đối với việc vượt chỉ tiêu một số ngành theo phương thức xét tuyển học bạ năm học 2022-2023, thầy Quyền thông tin: “Việc đăng ký chỉ tiêu theo phương thức của trường dựa trên dữ liệu đăng ký xét tuyển các năm trước. Tuy nhiên, dữ liệu biến động và khó có thể dự báo trước. Do đó, số lượng thí sinh xét tuyển theo từng phương thức chênh lệch so với chỉ tiêu là điều không mong muốn nhưng cũng khó tránh.
Ngoài ra, quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chỉ tiêu trên nhóm ngành hoặc lĩnh vực. Tuy tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu theo phương thức có chênh lệch so với chỉ tiêu đăng ký nhưng vẫn đảm bảo được chỉ tiêu chung của nhóm ngành/lĩnh vực nên theo quy định chưa thể khẳng định các ngành/nhóm ngành này vượt chỉ tiêu".
Cũng theo thầy Quyền, tháng 8/2023, thực hiện theo Quyết định số 1179/QĐ-BGDĐT ngày 24/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc kiểm tra công tác về xác định chỉ tiêu; tổ chức tuyển sinh; mở ngành đào tạo; chương trình đào tạo; tổ chức đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử đoàn kiểm tra tại trường nhằm đánh giá lại toàn bộ nội dung báo cáo của trường về lỗi này. Qua đó, đoàn đã đánh giá trường báo cáo đúng và có giải pháp đảm bảo chất lượng đào tạo đối với ngành tuyển sinh vượt chỉ tiêu.
Nhiều ngành gắn với sứ mạng tuyển sinh èo uột
Mặc dù là trường đại học chuyên đào tạo về lĩnh vực tài nguyên và môi trường nhưng hầu hết những ngành liên quan tới lĩnh vực này lại có tỷ lệ sinh viên trúng tuyển nhập học rất thấp. Thậm chí, có ngành 2 năm liền trắng sinh viên.
Theo bảng số liệu trên có thể thấy hầu hết các ngành liên quan đến tài nguyên và môi trường tỷ lệ sinh viên nhập học đều rất thấp. Có ngành nhà trường không tuyển được sinh viên nào, có ngành chỉ tuyển được 6% trên tổng chỉ tiêu được phê duyệt. Cụ thể:
Năm học 2021-2022, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh có 3 ngành không có sinh viên nhập học bao gồm: Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Kỹ thuật tài nguyên nước, Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo.
Bên cạnh đó, ngành Thủy văn học trường chỉ tuyển được 3/50 sinh viên (chiếm 6% so với chỉ tiêu). Ngành Địa chất học trường cũng chỉ tuyển được 15/100 sinh viên (chiếm 15% chỉ tiêu).
Năm học 2022-2023, số sinh viên trúng tuyển nhập học của các ngành này cũng không được cải thiện. Thậm chí, nhiều ngành tỷ lệ sinh viên trúng tuyển nhập học còn giảm so với năm học trước.
Theo đó, ngành Địa chất học nếu như năm học 2021-2022 chỉ tiêu tuyển sinh là 100 thì năm học 2022-2023, chỉ tiêu giảm một nửa. Số sinh viên trúng tuyển nhập học cũng giảm từ 15 xuống chỉ còn 4 sinh viên (giảm 11 sinh viên).
Ngành Kỹ thuật cấp thoát nước cả 2 năm học chỉ tiêu đều là 100 nhưng năm học 2022-2023 số sinh viên nhập học đã giảm từ 21 xuống chỉ còn 16 sinh viên.
Ngành Khí tượng và khí hậu học chỉ tiêu tuyển sinh không đổi nhưng số sinh viên trúng tuyển nhập học giảm từ 18 xuống chỉ còn 12 sinh viên (giảm 6 sinh viên).
Ngành Thủy văn học năm 2021-2022, chỉ tiêu của trường là 50 nhưng chỉ có 3 sinh viên nhập học, năm học tiếp theo cũng chỉ có 4 sinh viên nhập học.
Ngành Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững năm 2021-2022 chỉ tiêu của trường là 50 nhưng không có thí sinh nào nhập học. Năm học 2022-2023 chỉ có 5 thí sinh nhập học.
Ngành Công nghệ kỹ thuật môi trường năm 2021-2022 chỉ tiêu của trường là 250 nhưng chỉ có 58 sinh viên nhập học. Năm học tiếp theo chỉ tiêu giảm xuống còn 200 nhưng cũng chỉ có 29 sinh viên nhập học.
Ngành Kỹ thuật cấp thoát nước năm 2021-2022 chỉ tiêu của trường là 100 nhưng chỉ có 21 sinh viên nhập học. Năm học tiếp theo vẫn chỉ tiêu này nhưng chỉ có 16 sinh viên nhập học.
Ngành Quản lý tổng hợp tài nguyên nước năm 2021-2022 chỉ tiêu của trường là 50 nhưng chỉ có 21 sinh viên nhập học. Năm 2022-2023 ngành này chỉ còn 11 sinh viên nhập học.
Ngành Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo năm 2021-2022 chỉ tiêu của trường là 50 nhưng không có thí sinh trúng tuyển nhập học dù điểm trúng tuyển chỉ có 15. Năm 2022-2023 ngành này chỉ có 4 sinh viên trúng tuyển nhập học.
Đáng chú ý, ngành Kỹ thuật tài nguyên nước 2 năm liền trắng sinh viên. Chỉ tiêu của ngành này năm 2022-2023 cũng giảm một nửa so với năm học trước.
Chia sẻ về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cho hay: "Trong nhiệm vụ được giao và chiến lược của trường đã xác định, Trường Đại học tài Nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực tài nguyên, môi trường và các ngành nghề khác theo nhu cầu xã hội.
Nhưng nhiều năm trở lại đây, không riêng gì Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh mà tất cả các trường đại học đào tạo ngành nghề trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường đều rất khó khăn, nhu cầu của người học rất thấp.
Theo kết quả thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo về công tác tuyển sinh các năm từ 2020-2022, tỷ lệ thí sinh đăng ký vào ngành nghề lĩnh vực tài nguyên và môi trường chỉ chiếm 0.99% trên tổng số 24 ngành nghề khác.
Tuy nhiên, nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình để duy trì các ngành nghề trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, dù rất khó khăn của một tổ chức giáo dục công lập, tự chủ một phần kinh phí chi thường xuyên và mức học phí theo quy định của Nhà nước”.
Cũng theo thầy Quyền, từ năm 2020, trường đã chủ động thực hiện một số giải pháp về công tác tuyển sinh và đào tạo để có thể tiếp tục duy trì ngành nghề trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường như sau:
Chủ động rà soát, điều chỉnh khung chương trình đào tạo, chương trình đào tạo theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các khung chương trình đào tạo của trường được xây dựng theo định hướng liên ngành - xuyên ngành. Việc làm này đảm bảo yêu cầu chất lượng của nguồn nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời vẫn duy trì được ngành nghề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Triển khai tổ chức tốt công tác tuyển sinh, thành lập ban tư vấn tuyển sinh và thực hiện công tác tuyển sinh theo kế hoạch và chiến lược xây dựng. Từ đó, giúp người học định hướng được ngành nghề trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, góp phần thực hiện chiến lược xây dựng nền kinh tế phát triển bền vững.
Về ngành Kỹ thuật tài nguyên nước 2 năm liền trắng sinh viên, thầy Quyền cho hay: Nhà trường đã đóng ngành này từ năm 2022 vì không tuyển được sinh viên. Tuy nhiên, những kiến thức của ngành Kỹ thuật Tài nguyên nước vẫn được trường duy trì theo định hướng đào tạo liên ngành và xuyên ngành ở ngành nghề khác.
"Các chuyên ngành hẹp thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường sẽ được “nhúng” vào trong các chương trình đào tạo khác. Hoạt động này vẫn giải quyết được nguồn nhân lực cho ngành tài nguyên và môi trường theo nhu cầu phát triển kinh tế đất nước
Bên cạnh đó, nhà trường tiếp tục mở các ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội dựa trên nguyên tắc đảm bảo nguồn nhân lực. Đồng thời các ngành nghề đào tạo mới mở cũng được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc liên ngành - xuyên ngành mà ở đó các kiến thức về môi trường, quản lý sử dụng tài nguyên và ứng phó biến đổi khí hậu luôn luôn được đưa vào", thầy Quyền thông tin.
Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết thêm, hiện nay ngành nghề mũi nhọn của trường là: Quản lý Đất Đai, Bảo vệ môi trường, Ứng dụng công nghệ thông tin trong trắc địa bản đồ, công nghệ viễn thám, Kinh tế (Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Quản trị kinh doanh gắn kết với phát triển bền vững, Kinh tế tuần hoàn, Kinh tế số).
Trước những khó khăn về công tác tuyển sinh đối với ngành nghề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường như hiện nay, thầy Quyền cho biết nhà trường có một số kiến nghị:
Các cơ quan ban ngành cần làm tốt và có trách nhiệm trong công tác thống kê, dự báo về nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Nhất là nguồn nhân lực về tài nguyên và môi trường là rất cần thiết. Nếu tình trạng này kéo dài, nguy cơ khủng hoảng thừa nhân lực ở một số ngành nghề hay thiếu nhân lực ở một số ngành nghề như tài nguyên và môi trường là không thể tránh khỏi.
Nhà nước cần quan tâm đầu tư, xây dựng các trường đại học công lập, đặc biệt một số trường đang thực hiện nhiệm vụ chính trị là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế bền vững của quốc gia theo các chuyên ngành đặc thù như tài nguyên và môi trường.
Theo quy định phân chia khối ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khối ngành đào tạo của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
Khối ngành III: Quản trị kinh doanh, Bất động sản.
Khối ngành IV: Địa chất học, Thủy văn học, Khí tượng và khí hậu học, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Khối ngành V: Hệ thống thông tin, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật trắc địa - bản đồ, Công nghệ kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật môi trường, Quản lý đô thị và công trình, Kỹ thuật cấp thoát nước, Công nghệ vật liệu, Quản lý đô thị và công trình.
Khối ngành VII: Quản lý tài nguyên và môi trường, Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo, Kinh tế tài nguyên thiên nhiên, Quản lý tổng hợp tài nguyên nước.