ĐHCĐ May Sông Hồng (MSH): Mục tiêu tăng trưởng 2 con số khả thi, liên tục thêm động lực mới
Kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng lần lượt 15% về doanh thu và 20% về lợi nhuận, xây dựng nhà máy mới, đầu tư ra nước ngoài… là những thông tin đáng chú ý tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 của Công ty cổ phần May Sông Hồng (MSH) diễn ra ngày 27/4.
Kế hoạch tăng trưởng 2 con số, cam kết cổ tức hấp dẫn
Vượt lên trên bối cảnh kinh doanh có nhiều khó khăn với ngành dệt may, đơn hàng thiếu hụt trong năm 2023, May Sông Hồng đã chứng minh năng lực cạnh tranh vượt trội bằng việc duy trì kết quả kinh doanh ổn định, thực hiện được cam kết trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ khá cao.
Cụ thể, năm 2023, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ đạt 244 tỷ đồng, ban lãnh đạo đã chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 25%.
Báo cáo tài chính của May Sông Hồng cho thấy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Công ty tính đến 31/12/2023 đạt 710 tỷ đồng.
Tại đại hội ngày 27/4, HĐQT Công ty trình kế hoạch kinh doanh với mục tiêu mang về 5.200 tỷ đồng doanh thu và 370 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt tăng 14,5% và 20,5% so với năm 2023; dự kiến cổ tức 20-40%.
Cổ đông đánh giá cao mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận lớn hơn nhiều so với tăng trưởng doanh thu. Nói về vấn đề này, ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc May Sông Hồng cho biết, kế hoạch kinh doanh được xây dựng tương đối an toàn. Doanh thu của Công ty được tính dựa trên tỷ trọng hàng FOB quay lại và chiếm tỷ lệ 85-90%. Lợi nhuận 2024 dự kiến sẽ tốt hơn năm 2023 nên biên lợi nhuận của Công ty tốt hơn.
Dù vậy, May Sông Hồng không chủ quan. Nhận định sâu về thị trường may mặc thế giới, ban lãnh đạo Công ty cho biết, thị trường thế giới đang khá biến động.
Các cuộc khủng hoảng chưa kết thúc (Covid, chiến tranh Nga – Ukraina, mới đây là xung đột biển Đỏ) nên các thị trường vẫn còn bất ổn.
Các công ty Mỹ, châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn và gây sức ép lên giá, một số thương hiệu đang phải tái cấu trúc lại như Express, Nike, Addidas.
Dự kiến tình hình 2004 sẽ khá hơn 2023 và sẽ bình phục vào năm 2025. Năm 2024, đơn hàng đã quay trở lại (đơn hàng chính vụ tốt, đơn hàng trái vụ còn chưa ổn định nhưng mặt bằng giá vẫn thấp).
Động lực tăng trưởng mới
Vào tháng 3/2022, May Sông Hồng đã đưa Nhà máy May Sông Hồng 10 vào hoạt động với công suất trên 40 chuyền may. Đến nay, nhà máy đã hoạt động 100% công suất thiết kế. Đây là nhà máy chuyên tập trung sản xuất đơn hàng xuất khẩu, các đơn hàng FOB cho các đối tác lớn, có yêu cầu kĩ thuật cao với biên lợi nhuận hấp dẫn.
Quý IV/2023 vừa qua, vào đúng dịp kỷ niệm 35 năm thành lập Công ty, May Sông Hồng đã khởi công nhà máy Xuân Trường 2, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2024 đầu năm 2025.
Nhà máy mới SH10 đã hoạt động tại xã Nghĩa Phong và nhà máy mới đang xây dựng tại xã Xuân Hòa đều được xây dựng theo tiêu chuẩn hiện đại bền vững, quy mô đầu tư lên tới 600 - 700 tỷ đồng/nhà máy.
Sau khi 2 nhà máy mới hoạt động hết công suất, quy mô sản xuất của May Sông Hồng vào năm 2025 sẽ đạt khoảng 255 chuyền may với gần 15.000 lao động, nâng tổng công suất lên 17%. Các nhà máy mới sẽ là bước chuẩn bị giúp May Sông Hồng nhanh chóng nắm bắt các đơn hàng xuất khẩu khi nhu cầu dệt may thế giới phục hồi.
“Công ty luôn xây dựng kế hoạch khách hàng nhằm đảm bảo nhà máy có đơn hàng sản xuất ngay. Công suất hoạt động năm đầu tiên đạt 50% và đạt 100% từ năm thứ 3”, ông Quang trả lời câu hỏi của cổ đông tại đại hội.
Táo bạo hơn là kế hoạch đầu tư ra nước ngoài bằng việc thành lập liên doanh tại Ai Cập đã được HĐQT Công ty thông qua vào cuối tháng 1/2024. MSH là công ty thứ hai của Việt Nam và là công ty đầu tiên trong ngành dệt may Việt Nam đầu tư tại Ai Cập.
Lãnh đạo Công ty chia sẻ về những lợi thế khiến May Sông Hồng quyết tâm đầu tư tại đây. Ai Cập là nước có nền văn minh lâu đời, chi phí nhân công thấp hơn nhiều Việt Nam, hiệp định tự do ký với Israel cho phép hàng xuất đi Mỹ được miễn thuế 100%, thời gian vận chuyển đường biển sang châu Âu và Mỹ gần. Nhiều nước đã và đang đầu tư vào Ai Cập và đầu tư nhiều như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Khách hàng luôn đặt ra quan ngại về rủi ro địa chính trị vì vậy các khách hàng của MSH rất quan tâm đến dự án này.
“Đầu tư vào môi trường mới luôn có rủi ro nhưng cơ hội cũng rất nhiều đặc biệt là chi phí nhân công thấp so với mặt bằng chi phí hiện tại và trong tương lai ở Việt Nam. Để giảm thiểu rủi ro, Công ty đầu tư quy mô nhỏ và cử người ở Công ty sang vận hành.
Việc mở rộng quy mô sẽ được quyết định tùy vào thực tế. Quyết định đầu tư tại Ai Cập cho phép tạo sự linh hoạt, tạo lợi thế cạnh tranh cho Công ty”, lãnh đạo Công ty chia sẻ.
Tích cực tìm kiếm và triển khai các hoạt động đầu tư mới nhằm duy trì động lực tăng trưởng, nhưng khẩu vị rủi ro của May Sông Hồng cũng rất thận trọng. Bằng chứng là Công ty hiện khá do dự với dự án đầu tư sang ngành dệt bởi chi phí tốn kém (7-9 năm thu hồi vốn), lợi nhuận thấp, trong khi MSH không có kinh nghiệm.
Một thông điệp được giới đầu tư quan tâm và đánh giá cao tại May Sông Hồng qua cuộc họp đại hội đồng cổ đông ngày 17/4 là quan điểm giữ nội lực mạnh mẽ. Ban điều hành Công ty cho biết, để thu hút và giữ được người lao động, Công ty duy trì xây dựng môi trường sống và làm việc lành mạnh, đảm bảo thu nhập không được thấp hơn các doanh nghiệp tiên tiến trên địa bàn.
Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình với tỷ lệ nhất trí cao. HĐQT nhiệm kỳ 2024 - 2029 được bầu mới bao gồm ông Bùi Đức Thịnh, ông Bùi Việt Quang, bà Bùi Thu Hà, bà Lê Thị Hồng Yến, ông Nguyễn Mạnh Tường, bà Nguyễn Thị Hạnh, ông Đinh Tràng Thi và ông Bernard Szeto W.K. HĐQT Công ty đã họp và nhất trí bầu ông Bùi Đức Thịnh tiếp tục đảm nhận chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty nhiệm kỳ mới.