ĐHĐCĐ Ngân hàng BIDV: 'Nóng' câu chuyện cổ đông chiến lược

Trước câu hỏi của cổ đông câu chuyện về KEB Hana Bank, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết: 'Ban lãnh đạo đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng thành công phụ thuộc vào tháo gỡ kỹ thuật và kỳ vọng của hai bên'.

Sáng 26/4, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán: BID) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.

Đại hội đã nhất trí thông qua một số chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2019. Cụ thể: Nguồn vốn huy động phấn đấu tăng trưởng 11%; Dư nợ tín dụng phấn đấu tăng trưởng 12%, đảm bảo tuân thủ kế hoạch NHNN giao trong từng thời kỳ; Lợi nhuận trước thuế 10.300 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; Tỷ lệ chi trả cổ tức không thấp hơn mức thực hiện năm 2018...

Trước câu hỏi của cổ đông về kế hoạch lợi nhuận ban đầu của BIDV là 10.500 tỷ, sau đó giảm xuống 10.300 tỷ đồng, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho biết: “Trước khi đăng tải tài liệu kế hoạch lợi nhuận, Ban lãnh đạo đã cân nhắc rất nhiều và đưa ra kế hoạch 10.500 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó rà soát lại, chúng tôi cho rằng khả năng hoàn toàn có thể thực hiện kế hoạch doanh thu, nhưng cần tăng trích lập dự phòng thêm 200 tỷ đồng, nên quyết định điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận”.

Đối với vấn đề nợ xấu tăng thời gian qua gần 2,2%, ông Tú cho biết, dự phòng rủi ro không ảnh hưởng nhiều do kỳ trích lập dự phòng rủi ro là 30/1, nên phần chuyển từ nợ nhóm 2 sang nhóm 3, 4 không chuyển sang hệ nhóm 5, nên tỷ lệ nợ nhóm 5 số lượng cụ thể nợ tuyệt đối của nhóm 5 chuyển qua trước và sau kiểm toán bằng nhau nên số tăng thêm không đáng kể. Do đó, không ảnh hưởng nhiều đến tổng thu nhập và lợi nhuận ngân hàng.

Quan tâm của cổ đông về hệ số CAR, ông Trần Xuân Hoàng, Phó tổng giám đốc BIDV cho biết, CAR của Ngân hàng hợp nhất theo Thông tư 36 là 10,36%, CAR của Ngân hàng riêng lẻ là 9,1%.

Ngân hàng đang cố gắng duy trì tỷ lệ này nhưng khi áp dụng theo Thông tư 41, yêu cầu về vốn cao hơn, cần các biện pháp tăng vốn đạt theo Thông tư 41. Tỷ lệ lãi dự thu của BIDV đến 31/12/2018 là 1,2% nằm trong thông lệ cho phép đến 3% và Ngân hàng thường xuyên rà soát đề xuất lãi dự thu không hợp lý ra ngoài.

“Lãi dự thu theo báo cáo tài chính là 11.897 tỷ đồng nếu tính tổng dư nợ của BIDV là 988.000 tỷ đồng cho thấy, lãi dự thu chiếm 1,2% tổng dư nợ cho vay”, ông Tú cho biết thêm.

Về câu chuyện cổ đông chiến lược, ông Tú cho biết, từ năm 2012 đã được đặt ra và tại ĐHĐCĐ năm 2017, BIDV đã bắt đầu đặt vấn đề tìm cổ đông chiến lược.

“Năm 2017, chúng ta gần như xác định danh tính nhà đầu tư và đến đầu năm 2018, đã xác định danh tính nhà đầu tư tiềm năng là KEB Hana Bank, tập đoàn tài chính lớn nhất Hàn Quốc. Chúng tôi đang cùng đối tác hoàn thành tất cả các chặng theo đúng trình tự yêu cầu, triển khai rất nhiều thủ tục liên quan”, ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, hiện một số vướng mắc đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ ngành liên quan cơ bản tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn có một số rào cản kỹ thuật và giá kỳ vọng chưa gặp nhau.

Điều này cũng còn tùy thuộc vào thị trường, vào thiện chí nhà đầu tư cũng như quy định của Việt Nam. BIDV hy vọng Chính phủ cũng như Cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện tối đa để có thể sớm kết thúc giao dịch có tầm quan trọng chiến lược trong sự phát triển của BIDV.

“Ban lãnh đạo đã rất nỗ lực, cố gắng nhưng thành công phụ thuộc vào tháo gỡ kỹ thuật và kỳ vọng của hai bên”, ông Tú nhấn mạnh.

Liên quan đến dự kiến thu hồi nợ xấu ngoại bảng và VAMC của Ngân hàng, ông Tú thông tin, Ban lãnh đạo dự kiến tổng doanh thu riêng lẻ đạt khoảng 30.000 tỷ đồng, trích dự phòng khoảng 22.200 tỷ đồng. Ngân hàng đặt mục tiêu 4.500 tỷ đồng thu hồi nợ xấu ngoại bảng. Dư nợ tại VAMC hiện tại là hơn 14.000 tỷ đồng, đã trích lập được 7.600 tỷ đồng, ngoài ra còn một quỹ với số dư hơn 1.900 tỷ đồng, theo đó, chỉ còn phải xử lý 4.500 tỷ đồng. Năm nay, BIDV dự kiến sẽ xử lý 2.500 tỷ đồng và trích dự phòng hơn 2.000 tỷ đồng.

Tính đến 31/12/2018, tổng tài sản đạt 1.313.038 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế là ngân hàng có quy mô lớn nhất trên thị trường; Nguồn vốn huy động đạt 1.226.454 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.237.755 tỷ đồng,...

Các chỉ tiêu hiệu quả hoạt động tăng khá so với năm trước và hoàn thành kế hoạch mục tiêu (thu dịch vụ ròng tăng 20%, chênh lệch thu chi tăng 21%, lợi nhuận trước thuế tăng 9% đạt 9.473 tỷ đồng, vượt kế hoạch ĐHĐCĐ giao); ROA đạt 0,6%, ROE đạt 14,6%; quyết liệt xử lý nợ xấu, đến 31/12/2018, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,8%.

Được biết, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của ngân hàng hiện đang là 31,5% trong khi theo quy định của NHNN từ 1/1/2019 là 40%.

Đại hội đã thông qua các tờ trình của HĐQT và bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tien-te/dhdcd-ngan-hang-bidv-nong-cau-chuyen-co-dong-chien-luoc-264286.html