ĐHĐCĐ PTSC (PVS): Xây dựng kịch bản tăng vốn đều lệ lên 16.000 - 17.000 tỷ đồng đến năm 2030

Một kịch bản PTSC đang xây dựng (chưa được phê duyệt) là cần tăng vốn lên 16.000 - 17.000 tỷ đồng đến năm 2030. Bên cạnh kịch bản này, Công ty cũng phải xây dựng một số kịch bản khác để trình các cấp có thẩm quyền và các bên liên quan.

Sáng ngày 17/06, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC (mã PVS ) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, thông qua mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 15.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 660 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 29% và 38% so với mức thực hiện năm 2023.

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC cho biết, trong năm 2024, PTSC sẽ tối đa các nguồn lực phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới để phát huy thế mạnh chuỗi giá trị dựa trên lợi thế quy mô và đa dịch vụ của PTSC nằm trong chuỗi liên kết của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Bên cạnh đó, PTSC cũng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ cốt lõi cho các khách hàng ngoài ngành, ngoài nước phát huy lợi thế cạnh tranh của PTSC. Doanh nghiệp cũng sẽ tích cực tham gia đấu thầu, xây dựng giải pháp kết nối hệ thống chuyên nghiệp, xúc tiến thương mại, thiết lập mối quan hệ hợp tác liên danh, liên kết...

Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tham gia đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, thủy triều,...) khu vực ngoài khơi và tham gia thi công, thực hiện các dự án công trình năng lượng tái tạo phù hợp với năng lực, kinh nghiệm hiện có.

Phần thảo luận:

Mong ban lãnh đạo chia sẻ góc nhìn và cập nhật sự chuẩn bị của PVN và PTSC về Dự án Lô B?

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc: Các thông tin về partner dự án đã có. Theo góc nhìn của chúng tôi, chúng tôi là nhà thầu không phải nhà đầu tư dự án, nên quyết định đầu tư dự án không thuộc về nhà thầu.

Tuy nhiên, tôi xin cập nhật vào ngày 28/3, Dự án Lô B đã có một loạt thỏa thuận ký kết như hợp đồng mua bán khí, vận chuyển khí, đấu nối vận hành dịch hành, bán khí giữa PVN và các nhà máy điện… Các công tác cần thiết cho việc triển khai dự án đã được các bên tham gia triển khai và đã có nhiều hợp đồng đã ký kết.

Điều này cho thấy dự án được triển khai quyết liệt. Còn PVS đang triển khai theo đúng thỏa thuận, đúng tiến độ các hợp đồng gói EPCI số 1, 2 và gói số 3 về đường ống cũng đã ký hợp đồng chính thức. Các việc triển khai đang đúng lộ trình và chưa có rủi ro gì ảnh hưởng đến việc triển khai dự án này.

Tiềm năng tăng trưởng doanh thu cho mảng cảng và tàu trong thời gian tới?

Ông Lê Mạnh Cường: Năm 2023, lĩnh vực tàu chuyên dụng tăng trưởng 42% và lĩnh vực cảng cũng tăng 4% so với 2022. PTSC đang triển khai một loạt hoạt động nhằm nâng cấp các căn cứ cảng này. Gọi là cảng nhưng không thuần túy chỉ là cảng, đó là căn cứ cung cấp rất nhiều dịch vụ khác nhau trong lĩnh vực dầu khí truyền thống, cũng như năng lượng tái tạo ngoài khơi.

Trên xu thế dầu khí và cảng đang phát triển, cụ thể là Lô B, Lạc Đà Vàng…, cơ hội cho dịch vụ tàu và cảng hết sức khả quan. PTSC nhận thức rõ và có lộ trình quyết tâm đầu tư phương tiện tàu, mở rộng căn cứ cảng. Đây tiếp tục là lĩnh vực quan trọng của PTSC, muốn đẩy mạnh hơn nữa để tăng năng lực phụ trợ cho phát triển hoạt động năng lượng điện gió ngoài khơi. Việc đầu tư là bắt buộc và chúng tôi đang đầu tư mạnh cho lĩnh vực này. Trong năm 2023 cũng đã có những khoản đầu tư rất lớn đem lại hiệu quả cho sản xuất kinh doanh của Công ty.

Lĩnh vực tàu cũng tăng trưởng mạnh, các phương tiện tàu đầu tư của PTSC ngay lập tức đưa vào hợp đồng dài hạn ngay, cả trong khu vực và khu vực Trung Đông. Có những con tàu vừa đầu tư xong, chưa kịp đưa về Việt Nam để làm các thủ tục đăng ký mà phải thực hiện một số thủ tục ở nước ngoài và đưa đi làm việc luôn.

Giá trị đầu tư ước tính cho FPSO Lạc Đà Vàng?

Ông Trần Hồ Bắc, Phó tổng giám đốc: Tổng mức đầu tư dự kiến dao động khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng một tàu.

Khả năng trúng thầu dự án nâng cấp mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất (BSR)?

Ông Lê Mạnh Cường: Đây là dự án lớn của PVN nhận được sự quan tâm của Tập đoàn và BSR. Chúng tôi luôn bám sát các dự án đầu tư. PVS đang cung cấp nhiều hợp đồng bảo dưỡng cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Với vai trò nhà thầu, BSR có nhiều cơ hội nâng cấp mở rộng để đáp ứng nhu cầu mở rộng của nền kinh tế, nâng cấp các sản phẩm nhà máy. Hiện tại, các hoạt động của nhà máy hết sức hiệu quả, cả về kỹ thuật và thương mại. Với quan sát đó, chúng tôi kỳ vọng dự án mở rộng sớm được triển khai.

PTSC tin rằng với năng lực hiện hữu, khả năng tiếp cận dự án và nắm bắt thông tin, hoạt động nhà máy cùng với đối tác quốc tế phù hợp, chúng tôi sẽ cố gắng tham gia dự án, còn khả năng trúng bao nhiêu sẽ trả lời sau.

Xin ban lãnh đạo cập nhật dự án xuất khẩu điện gió sang Singapore và đánh giá về tiềm năng phát triển dự án điện gió ngoài khơi Việt Nam?

Ông Lê Mạnh Cường: Như đã báo cáo, chúng tôi quyết tâm cuối năm nay, chậm nhất sang đầu năm 2025 sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu khảo sát để đưa thiết bị khảo sát ra thực địa. Việc khảo sát sẽ mất khoảng 1 năm, dựa trên số liệu đó để có những hạch toán kỹ thuật và kinh tế dự án để đi đến quyết định cuối cùng.

Dự án này nhận được sự quan tâm đặc biệt và những cơ chế đặc biệt. Tôi tin rằng, với quyết tâm chính trị, sự vào cuộc cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền của các 2 quốc gia thì dự án sẽ có tương lai khá tươi sáng.

Dự án này không chỉ giúp PVS tham gia vào một dự án cụ thể mà còn định hình, phát triển được chuỗi cung ứng PTSC, phục vụ những dự án cụ thể hiện nay cũng như những dự án PTSC đang triển khai trên thế giới. Với chuỗi cung ứng đang được xây dựng từng bước sẽ hỗ trợ cho việc phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam.

Tại Việt Nam, PVS chưa có chủ trương tham gia bất cứ dự án điện gió ngoài khơi trong nước nào, mà chỉ đang tập trung dự án xuất khẩu điện gió cho Singapore này. Nhưng khi dự án xuất khẩu có được các kết quả cụ thể, kinh nghiệm cụ thể, Công ty sẽ có năng lực thì sẽ sẵn sàng tham gia dự án trong nước khi các cấp thẩm quyền có quyết định cụ thể.

Định hướng tăng vốn cụ thể của Tổng công ty?

Ông Lê Mạnh Cường: Trong thời gian tới PVS quyết tâm phát triển theo 2 trụ cột chính là là trở thành nhà cung cấp dịch vụ quốc tế về điện gió ngoài khơi và dịch vụ dầu khí truyền thống. Công ty theo đó quan tâm đến việc xây dựng chiến lược đầu tư và tăng vốn liên quan.

Gần đây, PVS cũng được Murphy Oil trao thầu thêm dự án FSO, giá trị tính bằng đơn vị hàng trăm triệu USD, cũng như các dự án FSO trong thời gian tới, lĩnh vực thứ 3 này cũng cần vốn đầu tư lớn.

Nói về nhu cầu vốn, PVS đang có kế hoạch xây dựng nhu cầu vốn chủ sở hữu từ năm nay đến 2030 với nhiều kịch bản đang phải tính toán cẩn thận.

Chúng tôi tập trung đầu tư năng năng lực sản xuất kinh doanh truyền thống để gia tăng công suất và năng suất của PTSC, dự kiến tổng mức đầu tư rất lớn, xấp xỉ lên đến 10.000 tỷ đồng, tùy thuộc cơ cấu vốn chủ sở hữu, nhu cầu vốn của PTSC sẽ tương ứng với tổng mức đầu tư như vậy. Có những khoản đầu tư chúng tôi sẽ sử dụng đòn bẩy tài chính cao hơn, nhưng cũng có những hạ mục phải sử dụng 100% VCHS.

Phần thứ 2 là nhu cầu vốn để đầu tư phát triển dự án như mảng FSO đã có dự án cụ thể, điện gió xuất khẩu sang Singapore, đầu tư một số dự án thành phần… với tổng mức đầu tư rất lớn. PTSC đã dự kiến các kịch bản với con số từ 60.000 tỷ đồng trở lên, tương ứng như vậy, PTSC phải có kế hoạch vốn chủ sở hữu phù hợp.

Một kịch bản PTSC đang xây dựng (chưa được phê duyệt) là cần tăng vốn lên 16.000 - 17.000 tỷ đồng đến năm 2030. Bên cạnh kịch bản này, chúng tôi cũng phải xây dựng một số kịch bản khác để trình các cấp có thẩm quyền và các bên liên quan.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dhdcd-ptsc-pvs-xay-dung-kich-ban-tang-von-deu-le-len-16000-17000-ty-dong-den-nam-2030-post347527.html