ĐHĐCĐ Tập đoàn Cao su Việt Nam (GVR): Lợi nhuận 5 tháng đạt 1.108 tỷ đồng, giá bán bình quân cao hơn 6 triệu đồng/tấn
5 tháng đầu năm, sản lượng tiêu thụ của GVR đạt 150.000 tấn, đạt 29% so với kế hoạch; giá bán bình quân là 38,4 triệu đồng/tấn, cao hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ giúp lợi nhuận mang về đạt 1.108 tỷ đồng.
Sáng ngày 17/06, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR – sàn HOSE) đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.
Trong năm nay, GVR đặt mục tiêu doanh thu đạt gần 25.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 3.437 tỷ đồng, lần lượt tăng 1,2% và 2% so với năm 2023. Chỉ tiêu kinh doanh này đã được ĐHĐCĐ bất thường 2024 thông qua vào ngày 29/4.
GVR dự báo năm nay, tình hình còn nhiều khó khăn, thách thức cả trong nước và quốc tế, những thay đổi bất lợi về thời tiết, lãi suất và các yếu tố chi phí đầu vào tăng cao trong khi giá thị trường của cao su và gỗ chưa có chuyển biến tích cực so với năm 2023… sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn và các đơn vị thành viên.
Mặt khác, Tập đoàn đầu tư ra nước ngoài (Lào, Campuchia) để trồng cao su với số vốn đầu tư lũy kế lên đến 821,321 triệu USD và có nhiều dự án đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, do đồng tiền của Lào mất giá nên trước mắt nhiều đơn vị thành viên và Tập đoàn đã phải trích lập dự phòng (tăng chi phí tài chính) cho nội dung trên theo quy định; rủi ro tỷ giá không thể dự báo chính xác khi thực hiện đầu tư trước đây và xây dựng kế hoạch năm 2024.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Cao su Việt Nam dự kiến tập trung thực hiện thủ tục pháp lý và triển khai đầu tư các dự án khu công nghiệp/cụm công nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư và đang xin chấp thuận với tổng diện tích 2.921 ha. Tổng doanh thu hợp nhất giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 135.000 tỷ đồng và tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 25.075 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2026 - 2030, GVR đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5 – 6%/năm. Tập đoàn sẽ nâng tỷ trọng doanh thu hoạt động sản xuất kinh doanh chính (trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ nhân tạo; sản phẩm công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp/cụm công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao) đến năm 2030 lên 95%.
Đồng thời, nâng tỷ trọng cơ cấu lợi nhuận các hoạt động sản xuất kinh doanh chính (trồng, chế biến, kinh doanh cao su; chế biến gỗ nhân tạo; sản phẩm công nghiệp cao su; đầu tư kinh doanh các khu công nghiệp/cụm công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao) chiếm khoảng 70 - 80%.
Đối với kế hoạch phân phối lợi nhuận, ban lãnh đạo GVR dự kiến trình cổ đông xem xét và phê duyệt phương án trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3% vốn điều lệ. Với 4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, dự kiến tập đoàn sẽ phải chi 1.200 tỷ đồng cho đợt trả cổ tức trên.
Ông Đỗ Hữu Huy, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá, bên cạnh những điểm tích cực trong kinh doanh của GVR, sự tăng trưởng các năm gần đây của Tập đoàn có sự chững lại nguyên nhân chủ yếu do thị trường đầu ra gặp khó khăn về giá cả, sản lượng; hiệu quả từ một số khoản đầu tư tài chính có sự suy giảm lớn; tiến độ các khu công nghiệp lớn bị chậm so với kế hoạch dự kiến.
Ngoài ra, các tồn tại một số vấn đề từ trước chưa được xử lý dứt điểm, dẫn đến một số sự việc phát sinh về đơn thư, khiếu nại, thậm chí vừa qua có sự việc bị khởi tố liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của các đơn vị thành viên của Tập đoàn. Công tác quản trị cũng đã bộc lộ hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả chung của Tập đoàn. Điều này đặt ra yêu cầu đổi mới, chuyển hướng quyết liệt hơn của Tập đoàn và các đơn vị thành viên trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Trước đó, vào ngày 24/05, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Lê Quang Thung (cựu Tổng giám đốc, nguyên quyền Chủ tịch HĐQT GVR) và ông Huỳnh Trung Trực (cựu Phó Tổng giám đốc GVR) để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo Bộ Công an, cựu Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và các bị can có vi phạm trong dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM.
Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hưng, Tổng giám đốc GVR, vụ việc trên không liên quan đến Tập đoàn, bởi Công ty cổ phần Công nghiệp cao su miền Nam thuộc Tập đoàn Hóa Chất. Do đó, kế hoạch của Tập đoàn vẫn đúng theo tiến độ. Sự việc trên không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.
Đại hội năm nay GVR đã bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026, gồm: ông Đỗ Hữu Phước, Phó tổng giám đốc GVR (giữ chức TV HĐQT GVR) và ông Nguyễn Đông Phong, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Kinh tế TP.HCM (giữ chức TV HĐQT độc lập GVR).
Đại hội cũng thông qua việc miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban kiểm soát Tập đoàn nhiệm kỳ 2021 – 2026, đối với ông Đỗ Khắc Thăng nghỉ hưu theo chế độ và bầu ông Phạm Văn Hỏi Em – Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban Tài chính kế toán VRG giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát Tập đoàn.
Ông Trần Công Kha, Chủ tịch HĐQT thông tin thêm một số nội dung mới được cổ đông quan tâm:
Tình hình triển khai các khu công nghiệp?
Căn cứ vào quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương đã được thủ tướng phê duyệt, Tập đoàn đang báo cáo và trình cấp có thẩm quyền để xin ưu tiên cho Tập đoàn và các đơn vị thành viên làm chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên đất cao su do Tập đoàn quản lý. Diện tích cụ thể sẽ do các cấp thẩm quyền quyết định.
Tình hình triển khai Nam Tân Uyên 3, Rạch Bắp?
Dự án Nam Tân Uyên đang triển khai theo kế hoạch đã được phê duyệt đang trình UBND tỉnh và các quan liên quan. Về KCN Nam Tân Uyên 3 và Rạch Bắp đang trình Bộ Kế hoạch Đầu tư.
Tình hình liên doanh Visorutex?
Liên doanh này đã hết thời gian hoạt động của 2 Chính phủ. Hiện Tập đoàn đang báo cáo cấp thẩm quyền quyết định.
Sản lượng tiêu thụ 5 tháng?
Căn cứ kế hoạch kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024 của GVR, trên cơ sở phân tích thuận lợi, khó khăn, thách thức, GVR đã chủ động triển khai kế hoạch sản xuất.
Đến nay, sản lượng tiêu thụ của Tập đoàn đạt 150.000 tấn, đạt 29% so với kế hoạch với giá bán bình quân 38,4 triệu đồng/tấn. Giá bán năm nay thuận lợi hơn, cao hơn 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ là tín hiệu đáng mừng, hy vọng giá bán duy trì tăng trưởng những tháng cuối năm.
Nhìn chung, kết quả 5 tháng doanh thu GVR đạt 7.119 tỷ đồng, đạt 28,5% so với kế hoạch năm. Lợi nhuận đạt 1.108 tỷ đồng, đạt 32,2% kế hoạch năm.