ĐHĐCĐ Thế giới di động: Mục tiêu lợi nhuận 2025 tăng 30%, cổ tức tiền mặt tối đa 10%

Chiều 26/4, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với nhiều nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận và quyết nghị.

Kế hoạch kinh doanh năm 2025: Mục tiêu cao chưa từng có

Tại Đại hội, MWG công bố mục tiêu doanh thu thuần cho năm 2025 đạt 150.000 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2024. Lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.850 tỷ đồng, tăng trưởng tới 30%. Nếu thành công, đây sẽ là mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay và mức lợi nhuận chỉ thấp hơn kỷ lục của năm 2021.

Về phương án phân phối lợi nhuận, Hội đồng quản trị trình cổ đông kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt tối đa 10% (tương đương 1.000 đồng/cổ phiếu). Với hơn 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, tổng số tiền chi trả có thể lên tới 1.460 tỷ đồng.

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại MWG. Ảnh: MekongAsean

Toàn cảnh ĐHĐCĐ thường niên 2025 tại MWG. Ảnh: MekongAsean

Ngoài ra, công ty cũng dự kiến mua lại tối đa 10 triệu cổ phiếu MWG, tương đương khoảng 0,68% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Mục đích nhằm giảm vốn điều lệ, qua đó gia tăng giá trị cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn cho giao dịch này sẽ được lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối theo báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất, và sẽ triển khai sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt.

Một nội dung quan trọng khác được đưa ra là đề xuất cơ chế phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) cho năm 2025. Theo kế hoạch, việc phân phối ESOP sẽ dựa trên kết quả kinh doanh và hiệu suất giá cổ phiếu MWG so với VN-Index, yêu cầu mức tăng ít nhất 5% so với chỉ số chung.

Thay đổi nhân sự cấp cao

Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2025–2028 dự kiến sẽ có sự thay đổi, giảm từ 11 xuống còn 8 thành viên. Các ông Trần Huy Thanh Tùng, Đào Thế Vinh và Đặng Minh Lượm không tiếp tục tham gia nhiệm kỳ mới. Thay vào đó, ông Vũ Đăng Linh, tân Tổng Giám đốc, được bổ sung vào danh sách đề cử.

Cơ cấu mới của Hội đồng quản trị sẽ bao gồm: Chủ tịch Nguyễn Đức Tài, CEO Vũ Đăng Linh, CEO Thế Giới Di Động Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Bách Hóa Xanh Phạm Văn Trọng; cùng với hai thành viên nước ngoài Robert A. Willett và Thomas Lanyi; và hai thành viên độc lập Nguyễn Tiến Trung và Đỗ Tiến Sĩ.

Trả lời câu hỏi liên quan đến tác động của chính sách thuế từ Mỹ, CEO Vũ Đăng Linh cho biết, MWG chủ yếu kinh doanh bán lẻ trong nước, nguồn hàng nhập chủ yếu từ châu Á, nên ảnh hưởng trực tiếp là không lớn. Tuy nhiên, những tác động gián tiếp đến tiêu dùng do suy giảm thu nhập vẫn là điều cần theo dõi sát sao.

Ông Linh nhấn mạnh, nhờ quá trình tái cấu trúc trong thời gian qua, MWG hiện có khả năng thích ứng linh hoạt với các biến động thị trường và sở hữu nguồn lực tài chính vững mạnh, đủ sức vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài bổ sung rằng những doanh nghiệp xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn, còn MWG chịu tác động gián tiếp. Ông bày tỏ niềm tin rằng, với các biện pháp điều hành kinh tế và chi tiêu công, Việt Nam sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Trong kịch bản thị trường đi ngang hoặc giảm nhẹ, MWG vẫn kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng, theo triết lý "người mạnh sẽ càng mạnh hơn".

Trả lời về triển vọng ngành điện thoại và điện máy, ông Đoàn Văn Hiểu Em – thành viên Hội đồng quản trị – cho biết thị trường năm 2025 có thể tăng trưởng nhẹ 5–8%. Dù vậy, MWG đặt ra mục tiêu tham vọng hơn với kế hoạch nâng thị phần từ 50–60% hiện tại lên 70–80% vào năm 2030.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em cho rằng, giai đoạn mở rộng chuỗi cửa hàng đã kết thúc. Thay vào đó, MWG tập trung tối ưu hóa hiệu quả vận hành, mở rộng danh mục sản phẩm trong từng cửa hàng thông qua hợp tác sâu rộng với các đối tác theo mô hình "familyship".

Các biện pháp khác như phát triển dịch vụ mua hàng trả chậm, thêm dịch vụ hậu mãi "add-in" để gia tăng sự hài lòng khách hàng cũng đang được triển khai mạnh mẽ. Đặc biệt, xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang mở ra nhiều cơ hội mới mà công ty đã và đang tích cực khai thác.

Chủ tịch Nguyễn Đức Tài nhận định, mô hình phát triển dựa trên việc mở mới cửa hàng có giới hạn nhất định. Giai đoạn tiếp theo của MWG sẽ tập trung vào nâng cao chất lượng và giá trị trên nền tảng quy mô sẵn có.

Bách Hóa Xanh đẩy mạnh mở rộng, đặt mục tiêu doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2030

Tại Đại hội, Giám đốc Điều hành Bách Hóa Xanh Phạm Văn Trọng cũng chia sẻ nhiều thông tin quan trọng về chiến lược mở rộng và phát triển của chuỗi bán lẻ này.

Từ đầu năm 2025, Bách Hóa Xanh đã khai trương hơn 200 cửa hàng mới, duy trì tốc độ mở rộng thận trọng để đảm bảo chất lượng. Ông Trọng khẳng định, doanh nghiệp không chạy theo số lượng mà chú trọng xây dựng hệ thống cửa hàng đạt chuẩn, nâng cao chất lượng hàng hóa và tối ưu trải nghiệm mua sắm, hướng tới sự nhanh chóng, thuận tiện và thân thiện cho khách hàng.

Trong quý I/2025, MWG – đơn vị sở hữu Bách Hóa Xanh – báo cáo lợi nhuận trước thuế đạt hơn 1.548 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước. Dù Bách Hóa Xanh chưa đóng góp tỷ trọng lớn vào tổng doanh thu, nhưng ông Trọng tự tin đặt mục tiêu đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận riêng trong năm nay.

Tham vọng hơn, Bách Hóa Xanh hướng tới doanh thu 10 tỷ USD vào năm 2030. Dù thừa nhận đây là mục tiêu đầy thách thức, ông Trọng tin tưởng rằng với chiến lược phát triển bền vững và các bước đi bài bản, công ty hoàn toàn có cơ sở để hiện thực hóa.

Chủ tịch MWG, ông Nguyễn Đức Tài, cũng nhấn mạnh, chỉ những sản phẩm sản xuất quy mô công nghiệp như cá tra, tôm, thịt heo của CP Foods mới có thể kiểm soát tuyệt đối chất lượng. Theo ông, Bách Hóa Xanh sẽ từng bước chuyển sang nhập hàng từ các nhà cung cấp lớn.

Tuy nhiên, ông Tài thẳng thắn thừa nhận, đối với sản phẩm nông nghiệp nhỏ lẻ như rau lá, việc phụ thuộc vào nông dân là điều không thể tránh khỏi, kéo theo những rủi ro về chất lượng. "Chúng tôi chọn bạn mà chơi, nhưng nếu đối tác thay đổi theo hướng tiêu cực thì rủi ro là khó tránh," ông nói.

Dù vậy, lãnh đạo MWG khẳng định Bách Hóa Xanh có quy trình kiểm soát nội bộ nghiêm ngặt, đảm bảo mức độ an toàn thực phẩm cao hơn so với hàng hóa ngoài chợ truyền thống. "Chúng tôi chọn đối tác để hợp tác lâu dài, chứ không chỉ chọn sản phẩm," ông Trọng nhấn mạnh trước các cổ đông.

Về chiến lược vận hành, ông Trọng tiết lộ chi phí mở mới cửa hàng tại khu vực miền Trung hiện thấp hơn khoảng 30% so với các vùng khác, giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, các trung tâm phân phối cũng được đặt mức điểm hòa vốn hợp lý, với doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt từ 1,2 đến 1,5 tỷ đồng.

A.Vũ

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/dhdcd-the-gioi-di-dong-muc-tieu-loi-nhuan-2025-tang-30-co-tuc-tien-mat-toi-da-10-141275.html