ĐHĐCĐ Thép Nam Kim (NKG): Lãi trở lại gần 200 tỷ đồng trong quý I/2024, huy động vốn xây dựng Nhà máy Phú Mỹ
Sáng ngày 26/4, CTCP Thép Nam Kim (mã NKG – sàn HOSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Mở đầu Đại hội, ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT Thép Nam Kim chia sẻ, năm 2023 là năm trầm lắng của nền kinh tế, lãi suất tăng cao. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam chứng minh nội lực khi lạm phát thấp, giúp Ngân hàng Nhà nước thực hiện hạ lãi suất điều hành, đẩy mạnh kích cầu đầu tư công hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, riêng đối với ngành tôn mạ cũng không phải ngoại lệ khi trong quý I/2023 vẫn là gam màu xám, sau đó dần hồi phục từ thị trường xuất khẩu và đầu tư công thúc đẩy nhu cầu hồi phục.
“Bước sang năm 2024, đây sẽ là năm bản lề để Thép Nam Kim tiến sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị ngành tôn mạ khi mà Công ty quyết định đầu tư dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng”, ông Hồ Minh Quang nhấn mạnh.
Được biết, dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ có tổng vốn đầu tư 4.500 tỷ đồng, cơ cấu vốn góp của nhà đầu tư 30% (1.350 tỷ đồng) và 70% là nợ vay (3.150 tỷ đồng); dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm.
Nhận định về thị trường năm 2024, Thép Nam Kim cho biết, ngành thép tiếp tục hồi phục nhưng mức tăng vẫn sẽ rất khiêm tốn, đặc biệt trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn duy trì nền lãi suất cao. Do đó, Công ty đánh giá chiến lược kinh doanh năm 2024 ngoài gia tăng lợi nhuận, việc củng cố thị trường cũng như mở rộng các đối tác mới sẽ là yếu tố then chốt trong hoạch định tương lai dài hạn.
Với thị trường nội địa, sức mua của người dân vẫn đang là dấu hỏi, trong khi thị trường bất động sản cần thời gian để ngấm các chính sách hỗ trợ, Công ty dự báo con đường phục hồi của Công ty trong năm 2024 vẫn sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức.
Thêm nữa, Thép Nam Kim cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm mạ màu và hợp kim, hướng tới các dòng sản phẩm có thể phục vụ cho sản xuất đồ gia dụng, chi tiết máy, cơ khí chính xác, phục vụ cả cho các nhà máy hiện hữu và chiến lược xây dựng nhà máy Tôn Nam Kim Phú Mỹ trong tương lai.
Về kế hoạch kinh doanh, trong năm 2024, Thép Nam Kim đặt kế hoạch với tổng doanh thu 21.000 tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế 420 tỷ đồng, tăng 137,3% so với thực hiện trong năm 2023. Trong đó, tổng sản lượng dự kiến 1 triệu tấn, tăng 16,1% so với thực hiện trong năm 2023.
Huy động vốn để xây dựng nhà máy mới
ĐHCĐ Thép Nam Kim thông qua ba kế hoạch tăng vốn trong năm 2024.
Đầu tiên, chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1, với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Ước tính, Thép Nam Kim sẽ chào bán tối đa 131,6 triệu cổ phiếu, huy động 1.579,7 tỷ đồng và dự kiến triển khai trong năm 2024 đến năm 2025.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sẽ dùng để góp vốn vào Công ty TNHH Tôn Nam Kim Phú Mỹ để đầu tư dự án Nhà máy Thép Tấm lợp Nam Kim Phú Mỹ, dự kiến sẽ triển khai và khởi công từ quý II/2024.
Thứ hai, phát hành thêm tối đa 2,5 triệu cổ phiếu ESOP cho người lao động, tương ứng 0,95% tổng lượng cổ phiếu lưu hành, giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu; thời gian dự kiến triển khai trong năm 2024 đến năm 2025. Trong đó, cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng 50% trong năm đầu tiên và sẽ được chuyển nhượng toàn bộ sau 2 năm phát hành.
Cuối cùng, phát hành thêm 52,66 triệu cổ phiếu thưởng, tỷ lệ 20% và dự kiến triển khai trong năm 2024 và năm 2025.
Như vậy, nếu hoàn thành 3 đợt tăng vốn, tương ứng Thép Nam Kim sẽ phát hành thêm 186,79 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ từ 2.632,8 tỷ đồng, lên 4.500,7 tỷ đồng.
Người của TT Capital được đề cử vào HĐQT
Liên quan tới nhân sự, Thép Nam Kim đã thông qua miễn nhiệm thành viên HĐQT đối với bà Nguyễn Ngọc Ý Nhi theo nguyện vọng cá nhân cho nhiệm kỳ 2020-2025 và miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát đối với bà Nguyễn Thị Bích Nhi.
Ngược lại, Công ty bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Nguyễn Trung Tín (sinh năm 1979) và bổ sung thành viên Ban kiểm soát đối với ông Đặng Văn Hòa (sinh năm 1990).
Được biết, ông Nguyễn Trung Tín có trình độ chuyên môn là công nghệ thông tin và không sở hữu cổ phiếu NKG. Hiện ông Tín đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư TT Capital và đồng thời là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phúc Lộc Khang.
Theo tìm hiểu trên website của TT Capital, công ty này được thành lập năm 2021, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Doanh nghiệp được dẫn dắt bởi ông Nguyễn Trung Tín, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Đình Trường, Tổng giám đốc, những người có kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành bất động sản, tài chính.
Phần thảo luận:
Ông Hồ Minh Quang, Chủ tịch HĐQT trả lời phần nhóm câu hỏi đầu tiên:
Liên quan tới đề xuất điều tra thép chống bán giá Trung Quốc có ảnh hưởng tới công ty như thế nào? Công ty nhập khẩu bao nhiều từ Trung Quốc, bao nhiêu nội địa?
Hiện nay, nguồn nguyên liệu thép cuộn cán nóng (HRC) của Công ty đóng góp từ 20 - 25% từ thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, còn lại chủ yếu là thị trường nội địa, nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản…
Nếu việc áp thuế thép cuộn cán nóng (HRC), Công ty sẽ dịch chuyển sang các nguồn nguyên liệu khác và không ảnh hưởng đáng kể.
Dự kiến nhà máy mới triển khai trong bao lâu, khi nào hoạt động 100% công suất, giá thép bán ra và tỷ giá có ảnh hưởng như thế nào?
Hiện nay, nhà máy mới đã có giấy phép, đã khởi công, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025 đến quý I/2026 và từ năm 2027 sẽ có thể hoạt động hết công suất. Trong đó, giá bán phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào, hiện tại Công ty chưa xác định giá bán cụ thể.
Liên quan tới tỷ giá, hiện nay thị trường xuất khẩu chính của Công ty là châu Âu, Bắc Mỹ, việc tỷ giá gần đây tăng không ảnh hưởng mà Công ty còn hưởng lợi. Về lâu dài, Công ty sẽ tiếp tục phân bổ giữa thị trường nội địa và xuất khẩu để đảm bảo cân đối.
Hàng tồn kho do công ty quản lý như thế nào? Nhà máy Phú Mỹ đầu tư gồm những gì, quy mô sau tăng công suất?
Hiện nay, hàng tồn kho của Công ty tập trung vào thị trường nội địa, tồn kho ngày càng giảm dần và Công ty tiếp tục kiểm soát tốt chi phí, điều này đã thể hiện trên Báo cáo tài chính các quý gần đây.
Trong đó, Nhà máy Phú Mỹ sẽ gồm dây chuyền mạ kẽm 350.000 tấn/năm, 2 dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm 300.000 tấn/năm và 150.000 tấn/năm, đây là dây chuyền mang tính chiến lược, sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Năm 2024 công suất các nhà máy của Công ty là 1 triệu tấn/năm và sau khi hoàn thành nhà máy mới, dự kiến đến năm 2026, Công suất sẽ tăng lên 1,6 triệu tấn/năm.
Thêm nữa, Thép Nam Kim không phải đầu tư để đứng đầu thị phần mà là chất lượng sản phẩm số một thị trường, khi sản lượng gia tăng, cùng với dòng sản phẩm có giá trị cao hơn, điều này sẽ giúp mang lại lợi nhuận tốt hơn cho công ty. Ngoài ra, Công ty không đầu tư ngoài ngành, tập trung ngành cốt lõi để ra sản phẩm số một, để khách hàng hài lòng và mang lại lợi nhuận tốt nhất cho cổ đông.
Kết quả kinh doanh quý I/2024?
Về số liệu sơ bộ quý I/2024, Công ty ước tính doanh thu khoảng 5.300 tỷ đồng, lãi trước thuế dự kiến gần 200 tỷ đồng. Được biết, lãi trước thuế trong quý I/2023 là âm 49,48 tỷ đồng.
Khả năng tăng vốn thành công?
Thực ra, Công ty hoạt động theo luật, nếu luật cho phép, nếu cổ đông không tham gia Ban lãnh đạo xin phép mua để đảm bảo đợt phát hành thành công.
Ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc trả lời nhóm câu hỏi tiếp theo bao gồm
Liệu việc Công ty tăng vốn nhiều sẽ pha loãng cổ phiếu và giảm hiệu quả sử dụng vốn?
Hiện nay, nhu cầu tăng vốn của Công ty để phục vụ nhu cầu phát triển, tăng vốn để đầu tư dự án mới trên cơ sở đầu tư sẽ mang lại lợi nhuận và đảm bảo tăng trưởng dài hạn cho công ty.
Việc tăng vốn không phải giữ nguyên không đầu tư nên không ảnh hưởng tới pha loãng hiệu quả kinh doanh.
Đánh giá thị trường và giá thép?
Năm 2024, Công ty đánh giá còn rất nhiều khó khăn trong nước và xuất khẩu. Trong nước, nhu cầu vẫn còn thấp, liên quan tới hoạt động như bất động sản, nhu cầu của lĩnh vực xây dựng khá thấp, hoạt động đầu tư trung dài hạn của doanh nghiệp cũng thấp nên ảnh hưởng tới tiêu dùng các sản phẩm tôn. Ngoài ra, sức cầu tiêu dùng của người dân liên quan xây dựng nhà cửa, sửa nhà thấp, vì vậy còn khó khăn.
Thị trường quốc tế, thị trường chính liên quan tới việc xuất khẩu sang châu Âu Bắc Mỹ (Thị trường châu Âu, Bắc Mỹ chiếm tổng 70% lượng xuất khẩu của Thép Nam Kim), các thị trường này còn ảnh hưởng lạm phát và lãi suất cao, phải chờ Fed hạ lãi suất, điều này chưa xảy ra nên hoạt động đầu tư tiêu dùng còn yếu, kỳ vọng năm 2025-2026 các hoạt động đầu tư, tiêu dùng của thị trường quốc tế sẽ hồi phục, trùng với khi dự án mới của Công ty đưa vào vận hành cuối quý IV/2025 và đầu quý I/2026.
Kỳ vọng quý tới và sản lượng thời gian tới?
Liên quan hoạt động bán hàng, đơn hàng liên quan tới thông tin cạnh tranh, Công ty chưa chia sẻ. Tuy nhiên, Công ty cho biết sản lượng quý II sẽ tăng so với quý I khoảng trên 10%, quý I sản lượng bán hàng khoảng 254.000 tấn.
Việt Nam đẩy mạnh dự án trọng điểm quốc gia, sản phẩm công ty có tham gia không?
Sản phẩm của Công ty tham gia rất ít, đặc thù sản phẩm tôn kẽm. Tuy nhiên, liên quan tới sản phẩm phục vụ việc hoàn thiện dự án sân bay Long Thành, Công ty là một trong các nhà sản xuất được đưa vào danh sách đơn vị cung cấp sản phẩm kết cấu, kẽm, tôn, Công ty kỳ vọng sẽ tham gia một tỷ lệ đáng kể trong thời gian tới.