ĐHĐCĐ Thép Pomina: Thị trường thép vẫn khó khăn, tiết lộ hãng thép Nhật Bản sẽ mua 20% vốn

Chia sẽ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, lãnh đạo Thép Pomina cho biết thị trường thép Việt Nam có thể vẫn khó khăn trong thời gian tới khi thị trường bất động sản chưa khởi sắc; đồng thời, chia sẻ việc hãng thép Nhật Bản sẽ mua 20% vốn của công ty.

Bất động sản có thể vẫn "bất động", chuyển mục tiêu kinh doanh từ lãi sang lỗ

 Lãnh đạo Thép Pomina cho biết tiêu thụ thép tại thị trường trong nước thời gian tới có thể chưa phục hồi mạnh khi thị trường bất động sản chưa khởi sắc trở lại.

Lãnh đạo Thép Pomina cho biết tiêu thụ thép tại thị trường trong nước thời gian tới có thể chưa phục hồi mạnh khi thị trường bất động sản chưa khởi sắc trở lại.

Công ty Cổ phần Thép Pomina (mã cổ phiếu: POM – sàn: HoSE) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Tại Đại hội, cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu 9.000 tỷ đồng và lỗ sau thuế 150 tỷ đồng. Con số này thấp hơn rất nhiều so mục tiêu doanh thu 14.000 tỷ đồng và lãi ròng 300 tỷ đồng được đưa ra trước đó tại Báo cáo Thường niên năm 2022.

Chia sẻ với cổ đông tại Đại hội, ông Đỗ Duy Thái - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Thép Pomina cho biết: “Từ giờ đến cuối năm, bất động sản có thể vẫn bất động, dù Chính phủ đã cố gắng dùng mọi biện pháp, như giải quyết thủ tục cho từng công trình một, giảm lãi suất và giãn nợ cho các công ty bất động sản. Chính phủ đã cố gắng hết sức, nhưng để chính sách ngấm vào nền kinh tế cần có thời gian. Các chuyên gia cho rằng năm sau bất động sản sẽ ấm trở lại, nhưng với tôi phải đến tháng 6/2024 thì mới bắt đầu tốt trở lại”.

Theo vị Chủ tịch HĐQT Thép Pomina, đầu năm 2024, thị trường thép có thể khởi sắc nhờ đầu tư công, nhưng “tiêu thụ tăng nhiều lắm là chỉ 15-20% vì nhu cầu thép ở Việt Nam chủ yếu đến từ bất động sản. Nhìn bất động sản cũng có thể biết được diễn biến của ngành thép, nhất là thép xây dựng”.

Do đó, Thép Pomina quyết định điều chỉnh giảm mục tiêu kinh doanh năm nay theo hướng thận trọng để phù hợp với diễn biến thị trường thực tế.

Tuy nhiên, ông Đỗ Duy Thái cũng bày tỏ sự tự tin về triển vọng của ngành thép dựa trên những tín hiệu tốt từ thị trường chứng khoán. “Thị trường chứng khoán đã phát đi những tín hiệu tốt về triển vọng của thị trường bất động sản, với giá cổ phiếu bất động sản đã tăng mạnh từ đầu năm. Thị trường chứng khoán lúc nào cũng đi trước, nhà đầu tư rất thông minh, họ mua cho tương lai. Đó là một dấu hiệu tốt”, ông Đỗ Duy Thái cho biết.

Xem thêm bài viết: "BVSC: Biên lợi nhuận của Thép Nam Kim và Tập đoàn Hoa Sen được cải thiện trong quý 2/2023" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Bán 20% vốn cho đối tác chiến lược, tái cấu trúc toàn bộ công ty

Chủ tịch hãng thép Nansei Steel ông Inafuku Makoto phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Thép Pomina.

Chủ tịch hãng thép Nansei Steel ông Inafuku Makoto phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của Thép Pomina.

Cũng tại Đại hội, ban lãnh đạo Thép Pomina đã chia sẻ về kế hoạch hợp tác với nhà đầu tư chiến lược thông quá phát hành cổ phiếu riêng lẻ cũng như về kế hoạch tái cấu trúc công ty thơi gian tới.

Chủ tịch HĐQT Thép Pomina cho biết hiện ngành thép đã chạm đáy và sẽ tốt lên từ năm 2024 nên giờ là lúc tái cấu trúc và chuẩn bị tài chính để sẵn sàng cho cơ hội tăng trưởng mới. Đây cũng là lý do dẫn tới kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược.

Theo đó, Thép Pomina sẽ phát hành riêng lẻ hơn 70,17 triệu cổ phiếu (tương đương hơn 20% vốn điều lệ) cho hãng thép Nhật Bản Nansei Steel, một hãng thép của Nhật Bản, với giá bán 10.000 đồng/cổ phần. Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm. Dự kiến Thép Pomina sẽ thu về khoảng 700 tỷ đồng từ đợt phát hành này.

Quá trình phát hành lô cổ phiếu này dự kiến được chia thành 2 đợt. Đợt 1 sẽ phát hành 10,6 triệu cổ phiếu vào tháng 8/2023; và 59,57 triệu cổ phiếu còn lại sẽ diễn ra vào tháng 9/2024.

Tại Đại hội, ông Inafuku Makoto, Chủ tịch hãng thép Nansei Steel, cho biết Nansei Steel là nhà cung cấp nguyên liệu kim loại tái chế tại Nhật Bản với khoảng 30 cơ sở kinh doanh, với thế mạnh là xuất khẩu.

Thông tin về việc hợp tác với Thép Pomina, ông Inafuku Makoto cho biết: “Với một nền kinh tế phát triển nhanh chóng như Việt Nam, chúng tôi muốn nỗ lực nhằm kết hợp năng lực sản xuất và thế mạnh thương hiệu của Pomina cùng năng lực cung ứng ổn định từ phía chúng tôi để có thể phát huy thế mạnh to lớn của Thép Pomina và Nansei Steel. Hiện chúng tôi đã ký kết xong thỏa thuận cơ bản và ký quỹ một khoản tiền để lấy quyền độc lập đàm phán”.

Xem thêm bài viết: "Ngân hàng SeABank: Sẽ bán hơn 94 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư tổ chức Na Uy, dự thu về hơn 1.200 tỷ" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Vị lãnh đạo Nansei Steel cũng cho biết hiện vẫn cần phải thảo luận chiến lược với các đối tác liên quan, điều động tiền ngân hàng và phải vượt qua các khó khăn khác. Tuy nhiên, ông tự tin vào thế mạnh của Thép Pomina và Nansei Steel để giúp thương vụ hợp tác này diễn ra thành công.

Về kế hoạch tái cấu trúc công ty, Thép Pomina dự kiến sẽ tách Chi nhánh Nhà máy Thép (Pomina 1) và Chi nhánh Nhà máy Luyện phôi thép (Pomina 3) thành hai công ty cổ phần có tư cách pháp nhân độc lập. Sau đó, công ty sẽ chuyển nhượng một phần vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Pomina 3 cho Nansei Steel.

Chủ tịch HĐQT Thép Pomina cũng cho biết Nansei Steel sẽ hợp tác với Thép Pomina trên cấp độ toàn công ty, ở cả 3 nhà máy chứ không chỉ riêng tại Pomina 3.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/7, giá cổ phiếu POM của Thép Pomina đạt 7.390 đồng/cổ phiếu; tăng 29,5% so với thời điểm đầu năm nay.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/dhdcd-thep-pomina-thi-truong-thep-van-kho-khan-tiet-lo-hang-thep-nhat-ban-se-mua-20-von-107573.htm