ĐHQG TP. HCM sẽ là hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP. HCM
Tại Đại hội Đảng bộ TP. HCM khóa XI, PGS. TS Vũ Hải Quân - Phó Giám đốc thường trực ĐHQG TP. HCM đã có bài tham luận về vai trò của ĐHQG TP. HCM trong việc tham gia xây dựng hệ thống giải pháp, phát triển các sản phẩm kinh tế tri thức cho TP. HCM giai đoạn 2020 - 2030 và phát triển khu đô thị phía Đông thành phố.
Theo PGS. TS Vũ Hải Quân, giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ĐHQG TP. HCM xác định mục tiêu trở thànhmột hạt nhân của Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. HCM, tham gia phát triển kinh tế tri thức cho thành phố với điểm tựa là nhân lực trình độ cao, khoa học công nghệ là đòn bẩy, hệ thống thể chế chính sách, hạ tầng công nghệ thông tin là lực đẩy.
Về đào tạo, trong giai đoạn 2016 - 2020, ĐHQG TP. HCM đã đào tạo và cung cấp cho thành phố và các tỉnh phía Nam hơn 60 nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, thạc sĩ và tiến sĩ. Đây là đội ngũ trí thức có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn cao, tham gia xây dựng và phát triển thành phố nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung.
Nhà điều hành ĐHQG TP. HCM. Ảnh: VNU-HCM
Dựa trên 4 trụ cột của kinh tế tri thức cùng 4 chương trình phát triển của thành phố, ĐHQG TP. HCM đã đề xuất các giải pháp và sản phẩm tham gia phát triển kinh tế tri thức giai đoạn 2020-2030.
Theo đó, về đào tạo, ĐHQG TP. HCM sẽ tham gia các đề án trong chương trình đột phá phát triển nhân lực như: Đề án đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực; Đề án giáo dục thông minh và học tập suốt đời; Chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Từ đó, sẽ thiết lập và vận hành các chương trình đào tạo trình độ quốc tế với điểm nhấn là ngành trí tuệ nhân tạo; Thành lập và vận hành mô hình đại học chia sẻ; Phát triển sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực then chốt như: giao thông, y tế, tài chính, thương mại.
Trung tâm Công nghệ phần mềm ĐHQG TP. HCM. Ảnh: VNU - HCM
Về nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo,ĐHQG TP. HCM chủ động tham gia Chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, thông qua các chương trình và đề án như: Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm CNTT – Truyền thông; Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm cơ khí - tự động hóa; Chính sách hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn; Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP. HCM.
Sinh viên ĐHQG TP. HCM thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh VNU-HCM
ĐHQG TP. HCM cũng sẽ chủ động tham gia thực hiện các đề án thuộc chương trình đột phá phát triển hạ tầng thành phố, gồm: Đề án phát triển hạ tầng công nghiệp; Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và kế hoạch phát triển hạ tầng số TP. HCM. Sản phẩm dự kiến sẽ là các giải pháp tư vấn cho hệ thống hạ tầng viễn thông, hạ tầng số. Điểm nhấn là đưa Khu Công nghệ Phần mềm của ĐHQG TP. HCM trở thành một hạt nhân quan trọng trong mạng lưới các Khu CNPM quốc gia.