Đi bộ với tốc độ bao nhiêu giúp giảm nguy cơ đái tháo đường?
Nghiên cứu mới cho thấy tốc độ đi bộ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2.
Một nghiên cứu từ Đại học Khoa học Y tế Semnan (Iran) và Đại học Hoàng gia London (Anh) dựa trên hơn 508.000 người từ Mỹ, Anh và Nhật Bản cho thấy tốc độ đi bộ có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường type 2.
Các kết quả được công bố trên tạp chí y học British Journal of Sports Medicine cho thấy lợi ích bắt đầu đạt được ở tốc độ 3,2 km/giờ. So với những người đi bộ dưới tốc độ này, người đi bộ từ 3,2 đến 4,8 km/giờ có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 thấp hơn 15%.
Với tốc độ từ 4,8 đến 6,4 km/giờ, nguy cơ đái tháo đường type 2 thấp hơn tới 24% so với người đi bộ chậm. Ngoài ra, xét theo từng mức nhỏ thì tốc độ đi bộ cứ tăng thêm 1 km/giờ, rủi ro bệnh đái tháo đường sẽ giảm đi 9%.
TS. Ahmad Jayedi, Đại học Khoa học Y tế Semnan ở Iran, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: Phát hiện này cho thấy, mặc dù các chiến lược hiện tại nhằm tăng tổng thời gian đi bộ là có lợi, nhưng cũng có thể hợp lý khi khuyến khích mọi người đi bộ với tốc độ nhanh hơn để tăng thêm lợi ích sức khỏe của việc đi bộ.
Theo các nhà khoa học, đi bộ với tốc độ nhanh hơn sẽ tác động mạnh hơn tới nhiều nhóm cơ và làm tăng nhịp tim. Điều này có thể cải thiện độ nhạy insulin, một khía cạnh quan trọng trong việc quản lý lượng đường trong máu.
Hơn nữa, tốc độ đi bộ nhanh hơn sẽ làm tăng cường độ hoạt động thể chất. Sự gia tăng cường độ này có thể làm giảm đáng kể tình trạng kháng insulin - yếu tố chính liên quan đến sự phát triển của bệnh đái tháo đường type 2.
Đây không phải bằng chứng khoa học đầu tiên ủng hộ việc đi bộ nhanh để đạt được lợi ích sức khỏe. Một nghiên cứu trước đó từ Đại học Cambridge (Anh) cho thấy chỉ với 12 phút đi bộ nhanh mỗi ngày, bạn sẽ giảm được đến 30% nguy cơ tử vong sớm do mọi nguyên nhân so với người đi chậm, bởi hoạt động thể chất cường độ trung bình hoặc mạnh được cho là giúp các hệ cơ quan trong cơ thể được rèn luyện tốt và đồng bộ hơn so với hoạt động nhẹ.
Tuy nhiên, tốc độ đi bộ phù hợp sẽ thay đổi tùy theo mức độ thể lực, độ tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn. Hãy bắt đầu đi bộ từ từ và tăng dần tốc độ khi bạn cảm thấy thoải mái và mức độ thể chất của bạn được cải thiện.
Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) khuyến nghị người từ 19 đến 64 tuổi cần thực hiện ít nhất 150 phút hoạt động với cường độ vừa phải mỗi tuần hoặc 75 phút hoạt động với cường độ mạnh.
Minh Hoa (t/h theo Người Lao Động, Sức khỏe & Đời sống)