Đi cấp cứu sau 10 phút uống thuốc chữa viêm đường tiết niệu
Đau bụng, cô gái 23 tuổi ra quầy thuốc gần nhà, được chẩn đoán viêm đường tiết niệu, kê 3 loại thuốc. Sau 10 phút uống thuốc, chị xuất hiện mẩn ngứa toàn thân, khó thở, phải đi cấp cứu.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) ngày 16/9 cho biết bệnh nhân là chị V.T.T.T, 23 tuổi, ở thành phố Uông Bí. "Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốc phản vệ độ 2", bác sĩ thông tin.
Chị T. cho biết 3 loại thuốc chị được nhân viên nhà thuốc kê có tác dụng giảm đau, kháng viêm. Ngay khi thấy chị T. khó thở, nổi mẩn ngứa, người nhà đưa chị đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Theo các bác sĩ, nhiều người dân vẫn cho rằng uống thuốc là an toàn và sốc phản vệ chỉ xảy ra khi tiêm thuốc. Song trên thực tế, các bệnh viện thường xuyên cấp cứu cho nhiều trường hợp bị sốc phản vệ do uống thuốc. Nếu phản vệ ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể tử vong, ở mức nhẹ hơn, phản vệ do thuốc cũng gây ra các phản ứng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Tự ý dùng thuốc là tình trạng phổ biến ở người dân Việt Nam. Nhiều người bệnh dùng đơn thuốc của người khác (nhất là đơn thuốc tham khảo trên mạng), hoặc dùng đơn thuốc của chính mình dùng từ lâu để tự chữa bệnh; hoặc ra nhà thuốc và được những người không phải là bác sĩ kê đơn, không qua khám bệnh...
Trong khi đó, tự dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính người dùng thuốc và cộng đồng. Đơn cử, khi gặp vi khuẩn kháng thuốc, việc điều trị cho bệnh nhân rất khó khăn. Cơ hội và tiên lượng cho người bệnh bị ảnh hưởng, nguy cơ tử vong tăng lên so nhóm bệnh nhân không kháng kháng sinh.
Các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí khuyến cáo chỉ có bác sĩ tại các cơ sở y tế mới kê đơn thuốc. Người dân tuyệt đối không mua và uống thuốc khi chưa có sự thăm khám của các bác sĩ, đặc biệt là những người có tiền sử dị ứng để tránh các tác dụng phụ, phản ứng thuốc và tình trạng sốc phản vệ có thể xảy ra.