Từ ngày 5/9, người dân ở 14 xã phường vùng xanh ở Đà Nẵng gồm: phường Nam Dương, Phước Ninh, Hải Châu 1 (quận Hải Châu); phường An Hải Bắc, Mân Thái, An Hải Tây, Phước Mỹ (quận Sơn Trà); phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn); xã Hòa Bắc, Hòa Khương, Hòa Tiến, Hòa Phú, Hòa Liên, Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) được phép đi chợ với tần suất 5 ngày/lần bằng thẻ QR Code. Ảnh: Giang Thanh
Ghi nhận trong sáng nay, tại chợ Hàn (quận Hải Châu), người dân xếp hàng dài để chờ đi chợ. Ban quản lý chợ bố trí ghế ngồi để người dân chờ vào chợ. Lực lượng bảo vệ tiến hành quét QR Code phiếu đi chợ và gọi người dân vào chợ.
Trong đợt này, Ban quản lý chợ Hàn đăng kí cho 20 tiểu thương bán hàng. Các quầy hàng được bố trí xen kẽ, quầy cách quầy. Đồng thời, tất cả các quầy hàng đều được bố trí tấm chắn để đảm bảo an toàn.
Lực lượng Ban quản lý chợ Hàn liên tục nhắc nhở người dân đảm bảo giãn cách, bán hàng qua tấm chắn, không chen lấn nhau khi mua hàng.
Sau 21 ngày phong tỏa, bà Huỳnh Thị Chanh (tổ 16, phường Phước Ninh) được đi chợ trở lại. "Thời gian qua, dù có tổ dân phố hỗ trợ cung ứng nhưng không thể đầy đủ như bình thường mình tự đi chợ được. Tôi thấy chợ bố trí quy trình hợp lý, ngăn tấm chắn rất an toàn. Dù phải chờ đợi nhưng được tự đi chợ, mua sắm thực phẩm cho cả gia đình là tôi vui rồi", bà Chanh nói.
Đợt này, bà Trần Thị Lan (tiểu thương hàng cá chợ Hàn) được bố trí đi bán trở lại. Sáng nay, lượng cá tươi rất phong phú và được nhiều người lựa chọn. "Chợ bố trí quy trình phòng dịch bài bản nên tôi cũng yên tâm. Bán hàng qua tấm chắn, người bán, người mua đều đảm bảo 5K rất an toàn", bà Lan cho biết.
Theo ông Nguyễn Thu, Phó trưởng Ban Quản lý Chợ Hàn, số lượng tiểu thương lần này bố trí gấp đôi những ngày trước, nguồn hàng rất dồi dào, đảm bảo phục vụ đầy đủ người dân đi chợ với tần suất 5 ngày 1 lần. "Chúng tôi cũng bố trí người dân mua hàng theo một đường thẳng, vào bằng một lối và ra bằng một lối riêng để đảm bảo an toàn. Trong một thời điểm, chỉ có 5 người mua sắm, nhân viên Ban quản lý sẽ điều tiết số lượng thông qua bộ đàm", ông Thu cho hay.
Các chợ trên địa bàn vùng vàng hiện vẫn duy trì bán hàng thông qua tổ dân phố. Nhiều trường hợp người dân ở vùng xanh cầm phiếu đi chợ đến chợ Cồn (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) ở vùng vàng để mua sắm nhưng được bảo vệ giải thích và mời về, hướng dẫn đi các chợ ở vùng xanh.
Chỉ những người thuộc ban điều hành tổ dân phố, khu dân cư... có thẻ mới được vào khu vực chợ Cồn mua sắm. Ban quản lý chợ cũng bố trí tấm chắn ở tất cả các quầy hàng để đảm bảo an toàn. Từ ngày 5/9, chợ này cũng tăng số lượng tiểu thương để phục vụ nhu cầu của các tổ dân phố.
Tất cả các cửa hàng tiện lợi, siêu thị... vẫn duy trì việc bán hàng thông qua tổ dân phố, khu dân cư và nhận đơn đặt hàng online. Mỗi ngày, siêu thị Big C Đà Nẵng tiếp nhận khoảng 2.000 đơn đặt hàng. Nhân viên được bố trí ở các khâu: sắp hàng, thanh toán và shipper đều làm việc liên tục để đáp ứng nhu cầu rất lớn của người dân.
Từ sáng nay, các đại diện tổ dân phố, khu dân cư được phép đi siêu thị để tự mua sắm hàng hóa. Từ 8h sáng, bà Võ Thị Bích Chi (ban điều hành Tổ 51, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) đã có mặt ở siêu thị để mua sắm. "Nguồn hàng ở đây rất phong phú, từ các mặt hàng thực phẩm tươi sống đến đồ khô, gia vị, nhu yếu phẩm... Hôm nay là ngày đầu ban điều hành khu dân cư được tự đi siêu thị nên người dân đặt hàng rất nhiều. Tôi thấy đi siêu thị an toàn, tiện lợi hơn vì số lượng người ít, không gian rộng rãi, còn được siêu thị hỗ trợ vận chuyển về tận khu dân cư", bà Chi nói.
Theo bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc Siêu thị Big C Đà Nẵng, việc để các tổ dân phố có giấy đi đường để mua hàng tại siêu thị giúp giảm tải áp lực của siêu thị, giảm thời gian chờ của người dân khi đặt hàng. "Nếu các tổ có đại diện đến mua, nhân viên siêu thị sẽ có lực lượng bố trí vào các khâu thanh toán, đóng gói và hỗ trợ vận chuyển. Như vậy, việc mua bán sẽ nhanh chóng, tiện lợi hơn", bà Thủy cho hay.
Giang Thanh