Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Di sản không thể xuyên tạc

Cách đây 55 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta bản Di chúc lịch sử - một di sản vô giá. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc luôn là ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam.

Đấu tranh, bác bỏ mọi hành động xuyên tạc nội dung, giá trị của Di chúc là trách nhiệm chính trị của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Di sản vô cùng to lớn

Vào hồi 9h, ngày 10-5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt bút viết Di chúc. Đến ngày 15-5-1965, bản Di chúc đầu tiên được hoàn thành, có độ dài khoảng ba trang, do Chủ tịch Hồ Chí Minh tự đánh máy, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Trong quãng thời gian từ năm 1965 đến 1969, cứ vào dịp sinh nhật hằng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mở ra nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung Di chúc. Lần sửa thứ nhất năm 1968, Bác viết lại đoạn mở đầu và đoạn nói “về việc riêng”, đồng thời bổ sung một số đoạn khác. Lần sửa thứ hai vào ngày 10-5-1969, Người viết lại toàn bộ đoạn mở đầu của Di chúc.

Với giá trị đặc biệt, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong năm “Bảo vật quốc gia”, đã đúc kết hơn 60 năm của một cuộc đời cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và nhân dân thế giới; một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ và hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Bản Di chúc đã thực sự là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, kết tinh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong “Lời kêu gọi” ngày 3-9-1969 gửi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, đồng bào cả nước và kiều bào ở nước ngoài cũng như trong Điếu văn tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (9-9-1969), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đánh giá rất cao công lao to lớn của Người đối với cách mạng Việt Nam và thế giới, nhấn mạnh: “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, HỒ CHỦ TỊCH đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”[1]. Tên tuổi và sự nghiệp của Người luôn luôn gắn chặt với Đảng ta và dân tộc ta. Mối quan hệ của Người với Đảng ta và dân tộc với tư cách là lãnh tụ, là mối quan hệ máu thịt, bởi vì: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”[2].

Tại Lễ truy điệu trọng thể vĩnh biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình (Thủ đô Hà Nội), vào sáng 9-9-1969, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam cùng với đọc Điếu văn, đã thay mặt Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc công bố bản Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn dân, toàn Đảng. Từ đó, mỗi chúng ta và anh em, bầu bạn khắp năm châu bốn biển lần đầu tiên được biết đến Di chúc của Bác Hồ.

Những tiếng nói lạc lõng

Cũng như mọi năm, năm nay, đến dịp kỷ niệm 55 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969-2024), trên các trang báo phản động, mạng xã hội, Facebook cá nhân, các thế lực thù địch liên tục đưa tin, viết bài quy chụp, vu khống Đảng và Nhà nước ta không thực hiện đúng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thậm chí chúng còn xuyên tạc cả những điều thiêng liêng Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn trước lúc đi xa.

Các đối tượng này nhân danh nghiên cứu khoa học, mượn cớ bàn lại lịch sử, đưa ra cách tiếp cận mới, ra vẻ ca ngợi, nhưng thực chất là xuyên tạc Di chúc và toàn bộ tư tưởng Hồ Chí Minh, hòng chống Đảng, Nhà nước Việt Nam. Chúng cho rằng, bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ “mang tính chất cá nhân” chứ không có giá trị chỉ đạo thực tiễn đối với dân tộc. Hơn nữa, chúng còn bóp méo: “Di chúc của Bác Hồ đã được thực hiện hoàn toàn, không cần phải quan tâm hay học tập nữa”. Thậm chí, chúng còn lớn tiếng xuyên tạc rằng: “Di sản của Cụ Hồ để lại, rút cuộc là một Việt Nam không có gì cả, không có hòa bình, không có độc lập, không có thống nhất, không có dân chủ, không có giàu mạnh...".

Những luận điệu trên là những tiếng nói lạc lõng. Mục đích của chúng là xuyên tạc những giá trị cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, hạ bệ lãnh tụ, hòng làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh không còn là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng. Trước thực tiễn đó, chủ động đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc một cách có hiệu quả là góp phần bảo vệ, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ di sản tư tưởng to lớn trong bản Di chúc lịch sử của Người, trực tiếp góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Không cho phép bất cứ ai xuyên tạc

Những dòng đầu tiên của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Người khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”[3].

Một trong những điều căn dặn tâm huyết nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân được thể hiện trong Di chúc là “đoàn kết”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, vấn đề đoàn kết thống nhất trong Đảng chính là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đi đến mở rộng tình đoàn kết quốc tế. Để giữ gìn sự đoàn kết thống nhất ấy, Người yêu cầu: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau”[4]. Đó cũng chính là những vấn đề cơ bản thuộc về nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quy luật phát triển của Đảng và là yêu cầu rèn luyện cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, Người nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và mỗi cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”[5].

Bên cạnh nói về Đảng, về vấn đề đoàn kết trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến việc chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau. Người nhấn mạnh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết”[6]. Đặc biệt, đánh giá cao vai trò của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân”[7].

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ với hơn 1.000 từ nhưng Người đã dành cái tối đa cho dân, cho Đảng, cho con người và cuộc đời, cho dân tộc và thế giới, nhân loại. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ nhận cho mình cái tối thiểu, vẻn vẹn có 79 từ. Và điều mong muốn cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong Di chúc là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”[8].

Di chúc là văn kiện quan trọng nhất, là Cương lĩnh hành động, là tài sản tinh thần vô giá trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho các thế hệ người Việt Nam. Đó là những lời căn dặn đầy tâm huyết về khát vọng độc lập, tự do và thống nhất đất nước; về xây dựng một Đảng trong sạch, vững mạnh; về chiến lược con người, về kế hoạch xây dựng lại đất nước sau chiến tranh; về tình đoàn kết quốc tế... của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới, nhà văn hóa lớn, tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân, luôn cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Hơn nữa, là văn kiện cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho hậu thế, Di chúc là sự tổng kết những quan điểm, đồng thời thể hiện rõ những trăn trở, suy tư, mong mỏi, hy vọng của Người, đúng như khẳng định của Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn tại Lễ truy điệu (9-9-1969): “Vĩnh biệt chúng ta, BÁC HỒ có để lại cho Đảng ta, cho toàn thể đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc một bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau”[9].

55 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, để “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Thực tế đó không cho phép bất cứ ai, bất cứ thế lực nào xuyên tạc Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

---------------------------

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.626.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.627.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.621.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.622.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.622.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.622.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.622.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.624.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.630.

Tiến sĩ Lê Văn Phong

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-di-san-khong-the-xuyen-tac-676679.html