Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tầm nhìn từ lịch sử tới tương lai

Đã 55 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về với thế giới người hiền, cũng là 55 năm cả nước thực hiện và làm theo Di chúc của Người.

Chiều ngày 3/9/1969, tại phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) bàn về chuẩn bị tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Vũ Kỳ - người thư ký của Bác trao tận tay các nhà lãnh đạo Đảng một “tài liệu tuyệt đối bí mật”. Đó là những trang bản thảo được đánh máy và cả viết tay của Bác mà sau này chúng ta được biết dưới tên Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 9/9/1969, tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quảng trường Ba Đình, bài điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng do Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc, lần đầu tiên thông báo về bản Di chúc: “Vĩnh biệt chúng ta, Bác Hồ có để lại cho Đảng ta, cho toàn thể đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc một bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng của Bác, là những tình cảm và niềm tin của Bác đối với chúng ta ngày nay và các thế hệ mai sau”.

Ngày 10/9/1969, báo Nhân Dân công bố bản chính thức của Di chúc, kèm bút tích trang đầu bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trang đầu bản Di chúc, công bố tháng 9/1969

Trang đầu bản Di chúc, công bố tháng 9/1969

20 năm sau, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) có Thông báo số 151-TB/TW (ngày 19/8/1989) về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông báo khẳng định: Di chúc công bố chính thức năm 1969 bảo đảm trung thành với bản gốc của Người song do hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ mà có một số điều chưa được công bố. Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người.

Nếu như chỉ với những nội dung công bố trong Di chúc được báo Nhân Dân công bố ngày 10/9/1969 đã cho thấy sự vĩ đại của Bác thì toàn bộ các bản thảo Di chúc được công bố sau khi có Thông báo số 151/TB-TW ngày 19/8/1989 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) càng cho thấy sự vĩ đại, tầm nhìn, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cũng như những tình cảm chân thành với bạn bè quốc tế.

Càng xúc động hơn khi biết rằng, giữa những năm tháng vô cùng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giữa bối cảnh vô cùng phức tạp của tình hình quốc tế lúc bấy giờ, Bác của chúng ta tuổi đã cao, sức khỏe không còn được tốt vẫn trăn trở với tương lai, tiền đồ của đất nước. Người vẫn ung dung, tự tại để suy nghĩ, nghiền ngẫm cho những điều dặn lại. Người không gọi những điều dặn lại ấy là di chúc mà chỉ đơn giản gọi đó là “tài liệu tuyệt đối bí mật”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch. Ảnh tư liệu.

Suốt cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã viết nhiều bài báo, tác phẩm nhưng Bác vẫn trăn trở, công phu, chăm chút từng câu, từng chữ trong thời gian đến 4 năm như bản Di chúc lịch sử của Người.

Như cố Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng đã viết: “Lúc gần tuổi “cổ lai hy”, thì phải nghĩ tới những gì cần căn dặn lại những người sẽ kế tục sự nghiệp của mình. Chắc rằng Bác Hồ của chúng ta đã suy nghĩ rất nhiều về việc này. Bác đã đi thăm Côn Sơn, đây là một cuộc hành hương đến nơi ở cuối cùng của Nguyễn Trãi. Lúc bắt tay vào công việc cực kỳ trọng yếu này, Bác đã trải qua bao nhiêu trăn trở, ôn lại cuộc đời gắn với vận mệnh của dân, của nước, đầy sóng gió nhưng cũng đầy thắng lợi, đồng thời nhìn về tương lai với lòng tin sâu sắc vào những thế hệ sắp tới”.

Những nội dung của Di chúc đã từng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập trong nhiều tác phẩm của Người nhưng ở thời điểm đặc biệt của Bác, của bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, nó lại được Người dụng công để thể hiện cô đọng, súc tích bằng những hình tượng, lời dặn, lời khẳng định vô cùng giản dị, dễ hiểu ai cũng có thể học theo, làm theo.

Hình như Bác muốn sau khi Bác đi xa, tài liệu mà Người gọi là “tuyệt đối bí mật” trong lúc bấy giờ có thể trở thành tài liệu mà toàn Đảng ta, Nhân dân ta ai cũng có thể tiếp cận và quan trọng nhất mọi cán bộ đảng viên từ Trung ương đến địa phương, mọi người dân ở mọi miền mọi độ tuổi đều như được Bác căn dặn, đều thấy có mình ở trong đó. Di chúc không chỉ là lời dặn mà còn là những chỉ dạy của Người vào công việc tương lai, truyền cảm hứng cho cả đất nước cả dân tộc. Những câu chữ không còn nằm trên trang giấy nữa mà hơn nửa thế kỷ qua đã đi vào cuộc sống, đã trở thành tài sản tinh thần vô cùng quý giá của dân tộc, đã trở thành những mục tiêu lớn và cũng là lời hứa của cả nước để xứng đáng với Bác.

Nhà báo Pháp Jean Lacouture (1921 - 2015), cây đại thụ của làng báo chí Pháp, người luôn ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và ngưỡng mộ sâu sắc Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi nói về bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cụ đã thảo một bản Di chúc với lời lẽ không thể bắt chước được, trong đó, điều lớn lao hòa trộn với tình thân mật, cái mạnh bạo hòa với lòng nhân từ, cá nhân hòa với tập thể, khiến ta ngưỡng mộ nhân cách và thế giới quan của Người”.

Cụ mãi là con người của hành động, đến cả bản Di chúc cũng khái quát và xuyên suốt điều đó”, nhà báo Jean Lacouture viết.

Bài viết “Di chúc của đồng chí Hồ Chí Minh” ký tên Người quan sát đăng trên tạp chí Thời mới (Liên Xô), số 38 ra ngày 24/9/1969 đã nhận định: “Sức mạnh của những người cộng sản là ở chỗ họ nhìn thấy được những sự kiện trong một tương lai lịch sử rộng lớn. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa khẳng định điều đó. Người viết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn, đó là một điều chắc chắn”. Trong nội dung cốt lõi của Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo, đã nhìn thấy trước và đề cập đến những công việc cần thiết phải thực hiện để xây dựng lại một nước Việt Nam đàng hoàng hơn, to đẹp hơn trong tương lai: Chỉnh đốn Đảng; bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân…”.

Với chúng ta, Di chúc mãi là lời căn dặn thiết tha, chứa đựng biết bao tình cảm, hoài bão của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc là kết quả sự trăn trở, suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tương lai của dân tộc; là sự tổng kết và rút ra những luận điểm cô đọng, súc tích trong quá trình chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng; là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng.

Với nội dung cô đọng, sâu sắc, hàm chứa tinh thần nhân văn cao cả, Di chúc là văn kiện có sức lay động sâu xa hàng triệu trái tim, thôi thúc hành động không chỉ đối với nhân dân ta mà đối với tất cả những ai đấu tranh cho tự do, độc lập, cho hòa bình, công lý và hạnh phúc của con người. 55 năm đã qua đi nhưng những tư tưởng của Bác, tình cảm của Bác để lại cho chúng ta, những lời dặn dò của Người trong bản Di chúc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng và phát triển đất nước ngày nay và cả mai sau.

Di chúc thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời, chủ nghĩa nhân đạo và nhân văn cao cả của Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/di-chuc-cua-chu-tich-ho-chi-minh-tam-nhin-tu-lich-su-toi-tuong-lai-342918.html